Hút chân không là cách bảo quản thực phẩm được nhiều người sử dụng. Việc hút chân không giúp cách ly thực phẩm với không khí, giúp ngăn cách thực phẩm với môi trường bên ngoài, hạn chế tình trạng lây nhiễm chéo vi khuẩn giữa các thực phẩm với nhau. Không ít người cho rằng việc hút chân không sẽ giúp giữ thực phẩm sạch sẽ, an toàn và bảo quản được trong một thời gian nhất định. Tuy nhiên, thực phẩm được hút chân không vẫn có nguy cơ bị nhiễm khuẩn.
Theo bài viết trên VnExpress, tiến sĩ Vũ Thị Tần, giảng viên Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết hút chân không đúng cách nhưng không đủ điều kiện tiệt trùng vẫn sẽ sinh ra vi khuẩn nguy hiểm trong môi trường yếm khí, gây hại cho sức khoẻ, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu nhiễm độc nặng.
Trong các thực phẩm hút chân không không đủ điều kiện tiệt trùng, một loại vi khuẩn kỵ khí (vi khuẩn sống trong môi trường thiếu oxy) có tên là Clostridium botulinum. Loại vi khuẩn này sẽ sinh ra độc tố botolinum. Các sản phẩm rau củ quả, hải sản… hút chân không nhưng không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm có nguy cơ nhiễm khuẩn này rất cao.
Hút chân không khi thực phẩm chưa được làm sạch hoặc thực phẩm ôi thiu sẽ làm tăng nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm.
Đại học Bang Michigan khuyến cáo cá hút chân không cần được lấy khỏi túi trước khi rã đông vì trong cá chứa chủng botulinum có thể tồn tại và phát triển ở nhiệt độ lành. Một khi lấy cá ra khỏi bao bì, thực phẩm tiếp xúc với không khí, độc tố sẽ bị ngăn chặn.
Ngộ độc do độc tố botolinum là một loại ngộ độc nặng, có nguy cơ tử vong cao. Nếu cứu chữa được, sức khoẻ của người bệnh cũng bị ảnh hưởng lâu dài.
Dấu hiệu ngộ độc botolinum gồm buồn nôn, nôn, trướng bụng, đau bụng, liệt từ vùng đầu mặt cổ lang xuống hai tay rồi tới hai chân, liệt cơ quan hô hấp, suy hô hấp và tử vong.
Người bị nhiễm độc tố botulinum cần sử dụng thuốc giải trong 72 giờ. Tuy nhiên, loại thuốc giải độc BAT này được không phải lúc nào cũng có sẵn, giá thành của thuốc cũng rất cao.