Sau khi đăng bài "Lý giải hiện tượng trùng tang rợn người trong dân gian", chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS. Vũ Bằng, Phó Viện trưởng viện Công nghệ và Môi trường. Theo TS Bằng, từ lâu, quan niệm “trùng tang” đã gieo rắc vào tâm trí người dân Việt sự sợ hãi, hoang mang và ám ảnh.
Thưa TS từ xa xưa, người Việt đã có những quan niệm về hiện tượng “trùng tang liên táng”. Dưới con mắt của một nhà khoa học, ông nhìn nhận như thế nào về hiện tượng này?
Theo tôi được biết, quan niệm dân gian, những cái chết được cho là “trùng” khi cả nhà, dòng họ liên tiếp có người mất trong khi người chết đầu chưa hết tang. Có gia đình, dòng họ trong mấy năm liên tiếp chết 3, 5, 7, 9 người mà không rõ nguyên nhân. Các cụ nói rằng, “trùng tang” được hiểu là người nào đó chết ở giờ xấu, không siêu thoát được, có thể không biết mình chết nên quay lại “gọi” những người thân của mình đi theo. Đến nay, khi khoa học phát triển, nhiều người vẫn coi “trùng tang” là có thật và thường mời “thầy cúng”, pháp sư... đến trấn yểm khi nghi ngờ gia đình “dính” phải thảm họa này. Tuy nhiên, tôi khẳng định rằng, trong đời sống xã hội, bất cứ việc gì cũng có thể giải thích bằng khoa học được, kể cả hiện tượng mà người dân lâu nay gọi với cái tên “trùng tang”.
TS. Vũ Bằng, Phó Viện trưởng viện Công nghệ và Môi trường. |
Vậy, trong khoa học, “trùng tang” được giải thích như thế nào, thưa TS?
Theo các công trình nghiên cứu của tôi đã được cấp bằng sở hữu trí tuệ thì “trùng tang” thực ra là căn bệnh từ hóa. Căn bệnh này chưa từng có trong danh mục y học hiện đại cũng như cổ truyền. Chính vì thế, khi những gia đình có người đột tử nghi là “trùng” ám hại đến bệnh viện khám bệnh, các bác sỹ không thể biết được bệnh nhân đang mắc bệnh gì và cho thuốc chữa trị.
Trong khoa học, con người, động và thực vật được sinh ra từ vũ trụ cực kỳ mênh mông. Khi sinh ra, con người có cấu trúc riêng biệt của mình. Khoa học chứng minh rằng, mỗi dòng họ đều có một cấu trúc cơ thể, gen khác biệt so với các dòng họ khác. Những người cùng huyết thống thì có cấu trúc cơ thể gần tương tự nhau. Thực tế cho thấy, nhiều dòng họ có cấu trúc hoàn chỉnh, tuy nhiên không ít dòng họ mang khiếm khuyết về cấu trúc một mặt nào đó trong cơ thể. Khi mang khiếm khuyết lại bị tác động bởi môi trường xấu thì sức khỏe của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong đó, hệ thần kinh và tuần hoàn thường dễ bị tổn thương nhất và phá hủy nhất.
Vậy TS giải thích như thế nào về hiện tượng người trong một dòng họ, gia đình chết liên tiếp?
Khi một dòng họ mang khiếm khuyết về mặt cấu trúc, sinh sống trong môi trường có từ trường dị biệt như cấu tạo địa chất phức tạp hoặc dưới nhà có mồ mả hài cốt người (theo nghiên cứu của TS. Vũ Bằng, từ trường sinh ra từ hài cốt người chết cao gấp 2.000 lần từ trường xung quanh người sống-PV) thì sẽ dễ bị mắc các loại bệnh tật và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Có người sống ở môi trường từ trường cao bị mắc bệnh ung thư, có người sống lâu môi trường ở đó, bị từ trường lớn phá hủy sức khỏe thì đột tử. Người tiếp xúc trước với từ trường xấu thì chết trước, người tiếp xúc ít hơn thì mất sau. Thế nên, mới có chuyện, trong cùng một dòng họ, có những người chết cách nhau mấy ngày, một tháng, một năm...
Bên cạnh đó, việc mắc bệnh còn tùy thuộc vào sức khỏe, sức đề kháng của mỗi người. Vậy, mới có chuyện những người trẻ, nhưng đột tử trước người già. Như tôi đã nói ở trên, do căn bệnh từ hóa không có trong danh mục của ngành y học hiện đại cũng như cổ truyền nên chẳng ai biết được nguyên nhân vì sao một dòng họ có nhiều người bị ung thư, có nhiều người chết bất thường. Do đó, hầu hết người dân đều cho rằng, đó là hiện tượng “trùng tang”.
Vậy, theo lời TS nói ở dưới đất cũng có từ trường tác động xấu đến cơ thể con người?
Đúng vậy. Các nhà khoa học trên thế giới từ trước đến nay hầu như chỉ tìm hiểu nhiều về “tia vũ trụ”, còn “tia đất” chưa được quan tâm nghiên cứu, nên ít được biết đến. Trong khi đó tác hại tiềm ẩn “tia đất” đối với sức khỏe con người không hề nhỏ, không thua kém tất cả các tác nhân gây bệnh khác đã biết. Cho đến nay, những gì có hại xuất phát từ dưới mặt đất con người vẫn nghi hoặc và nghĩ về một thế lực vô hình nào đó, nên có nhiều tên gọi khác nhau như ma quỷ, quỷ trạch, hung khí, ác khí, tia tử địa... còn các nhà cảm xạ gọi là trường sinh địa, sóng độc hại, ác xạ. Tuy nhiên, trên thế giới, người ta gọi là “trường bức xạ xấu” hay “tia đất”.
TS nhận xét như thế nào về việc yểm bùa và “nhốt trùng” hiện nay?
Việc cầu cúng, “nhốt vong”, yểm bùa mà người dân vẫn thường làm khi gia đình có người mất vào giờ mà họ cho là “trùng” thực ra chỉ là hoạt động trấn an. Hành động này sẽ giúp những người đang hoang mang, hoảng sợ, tĩnh tâm trở lại và đến những nhà khoa học để tìm câu trả lời. Hơn nữa, khi thư thái, khỏe trở lại thì diễn tiến các căn bệnh họ đang mang trong người cũng sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, trên thực tế, lợi dụng quan niệm “có bệnh vái tứ phương”, nhiều “thầy tướng”, “thầy bói”, phong thủy rởm bày đặt trấn này, yểm nọ, cầu cúng để kiếm tiền. Việc các vị cao tăng, nhà sư nhốt vong, cho người dân bùa yểm cũng chỉ để an tâm lo công việc làm ăn chứ thực tế không có “trùng” hay ma quỷ gì cả.
Hiện tượng “máy móc” bị đồn thổi là “nhập vong”, TS giải thích như thế nào?
Việc máy móc bỗng nhiên bị “chết đứng” là do họ thi công ở khu vực có từ trường quá lớn. Từ trường khiến các hạt điện tích làm thay đổi sóng vô tuyến, những thiết bị phụ thuộc, gây ra những hiện tượng tự động ngắt mạch, cắt đứt sự cung ứng điện khiến máy móc dừng đột ngột. Việc các công nhân liên tục tai nạn là do họ mang nặng tâm lý sợ hãi trước những lời đồn.
Xin cảm ơn TS!