Nữ điệp viên nổi tiếng kể chuyện để tang Bác trong lòng địch

14:00, Thứ ba 02/09/2014

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Nghe tin Bác mất trong lòng địch, Tám Thảo đã qua mặt được viên sĩ quan tình báo Mỹ đầy kinh nghiệm để hiên ngang mặc áo trắng chịu tang Người.

Cho tới bây giờ, khi nhắc đến thời điểm Bác mất, nữ điệp viên Thảo vẫn không kìm được nước mắt. Bà nhớ lại, đầu tháng 9/1969, khi đang ngồi trong nhiệm sở của địch, bà được một viên thiếu tá Mỹ báo: "Ông Hồ mất rồi".

Mô tả ảnh.
Tám Thảo tên thật là Mỹ Nhung - từng là tiểu thư sinh ra trong gia đình giàu có bán vải, tơ lụa ở Sài Gòn 

Dù đã quá quen với các kiểu tin sốc bất ngờ, nhưng chính trong khoảnh khắc đó, Tám Thảo vẫn cảm thấy tim mình đứng sững lại.
 
Nhưng chỉ trong tích tắc sau, bản năng mách bảo cô phải giữ ngay lại bình tĩnh, bởi lúc xúc động dễ sơ hở lộ. Quay mặt ngó lơ, cô đáp lại rất hờ hững: “Vậy hả?” rồi tiếp tục làm việc. Viên thiếu tá nhìn cô dò xét một lúc rồi cũng quay đi.

"Khi trở về nhà tôi chỉ biết ôm ba tôi khóc nức nở như một đứa trẻ. Ba dỗ dành tôi "con khóc sưng mắt thế này ngày mai sao đi làm được" nhưng rồi ông ấy cũng òa lên khóc vì quá đau lòng trước sự ra đi của Bác", bà Thảo xúc động nhớ lại.

Mô tả ảnh.
 Nữ điệp viên Tám Thảo và chồng bà - Đại tá Lê Văn Phong.

Bà kể, thời điểm biết tin Bác mất, thành phố Sài Gòn chìm trong tang tóc.Cả tháng trời, dù địch theo dõi ngăn cản gắt gao nhưng trên khắp đường phố, đồng bào vẫn tổ chức lễ truy điệu cho Bác dưới hình thức công khai lẫn bí mật. 

Anh em công nhân, các tầng lớp sinh viên, học sinh ngày ngày kính cẩn mặc niệm Bác trong tiếng hát trang nghiêm của bài "Hồn tử sĩ". Ở nhà lao Chí Hoà, 600 anh chị em tù chính trị sáng nào cũng hát Quốc ca và làm lễ tưởng niệm Người. 

Chứng kiến tình cảm thiêng liêng đồng bào dành cho Bác, cảnh sát Cộng hòa cũng chỉ biết làm lơ.

"Hôm đó,báo chí đưa tin Bác mất nhiều, đồng bào ai cũng mua để đọc. Tôi đến nhờ bác xích lô chở đến chỗ làm nhưng bác ấy từ chối vì đang tưởng niệm Bác.Tôi ra chợ mua hoa quả cũng không ai bán vì họ quá buồn trước sự ra đi của Bác", bà Thảo tâm sự.

Dù đau lòng, nhưng với vị trí của Tám Thảo,dù có thương Bác đến mấy, bà cũng không được phép biểu lộ ra bên ngoài.Tuy nhiên, bằng trí thông minh của mình, Tám Thảo cũng qua mặt được viên sĩ quan tình báo Mỹ đầy kinh nghiệm để hiên ngang chịu tang Người ngay trong lòng địch.

Mô tả ảnh.
Nữ tình báo Nguyễn Thị Yên Thảo bây giờ đã hơn 80 tuổi bồi hồi nhớ lại những ngày tháng nén đau thương để hoàn thành nhiệm vụ.

Nhiều tháng liền cô Tám Thảo chỉ mặc chiếc áo trắng để tưởng niệm Bác. Sinh nghi, viên thiếu tá Mỹ hỏi: "Sao cô dạo này toàn mặc áo trắng vậy?". 

"Từ bé tôi đã là tiểu thư, gia đình may cho tôi hàng trăm bộ quần áo. Mấy hôm nay trời nóng quá, tôi muốn thay đổi thời trang một chút nên mặc đồ trắng cho dễ chịu thôi", nữ tình báo khôn khéo đáp lại. Tên thiếu tá nghe vậy tin ngay.

Bồi hồi nhớ lại chuyện này, bà Tám Thảo nói: “Thực ra làm tình báo đâu có được liều lĩnh làm như vậy, nhưng lúc đó mình đau lòng quá. Kẻ thù nó phải sợ người Việt mình vì mình có những người như Bác chứ? Lúc đó, tụi lính chỗ cô cũng không dám chống lại đồng bào để tang. Tụi nó cũng buồn,nhưng không dám lộ ra vì sợ Tây nghi là Việt Cộng. Cứ nghĩ xem, người như ông Cụ mất, ai mà không khóc thương?”.

Nhìn bề ngoài ai cũng nghĩ Tám Thảo dửng dưng, vô cảm trước sự ra đi của Bác, thế nhưng sau mỗi buổi làm việc về nhà là cô lại chạy vào phòng khóc một mình. Nữ chiến sĩ tình báo đã hơn 10 năm cận kề giữa sự sống và cái chết vẫn không thể tin rằng, trong đời mình bà lại từng khóc nhiều như những ngày tháng trắng màu tang năm 1969 đó.

Bà Tám Thảo – tên thường gọi là Nguyễn Thị Yên Thảo, tên thật là Mỹ Nhung – nữ tình báo nổi tiếng cùng thời với ‘điệp viên hoàn hảo’ Phạm Xuân Ẩn. Bà xuất thân trong một gia đình thương nhân bán tơ lụa nổi tiếng ở Sài Gòn. Dù sinh ra trong gia đình giàu có, nhưng Tám Thảo sớm đi theo con đường cách mạng và dành cả đời mình để cống hiến cho Tổ quốc.

Thông minh, gan dạ, chiếm được niềm tin từ thiếu tá tình báo Hải quân Mỹ, bà Tám Thảo đã làm việc gần hai mươi năm trong Bộ Tư lệnh Hải quân quân đội Sài Gòn. Sau ngày giải phóng, nữ điệp viên một thời được tín nhiệm làm Phó tổng thư ký Hội Nghiên cứu – Dịch thuật TP.HCM. Bà về hưu với cấp bậc Trung úy và sống tại một ngôi nhà trên đường Nguyễn Trọng Tuyến, quận Phú Nhuận, TP.HCM.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: Phương anh