Nhiều người nhập viện vì nhiễm "vi khuẩn ăn thịt người": Bệnh này có điều trị được không?

13:47, Thứ hai 16/09/2019

( PHUNUTODAY ) - Tỷ lệ t.ử v.ong ở bệnh nhân nhiễm "vi khuẩn ăn thịt người" là 40-60%. Người bị bệnh sẽ được chỉ định điều trị bằng kháng sinh qua hai giai đoạn.

Hàng chục người nhập viện do vi khuẩn ăn thịt người từ đầu 2019

PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, BV Bạch Mai cho biết, trong 5-10 năm trước đây, BV mới tiếp nhận khoảng 20 bệnh nhân mắc Whitmore, nhưng từ đầu năm 2019 đến nay, trung tâm đã tiếp nhận tới 20 trường hợp.

Riêng tháng 8, có 12 bệnh nhân mắc Whitmore nặng, trong đó đã có 4 ca tử vong do vi khuẩn “ăn” nhiều cơ quan. Hầu hết các bệnh nhân đến từ các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung bộ. Hiện tại đang là mùa mưa, là thời điểm thuận lợi để vi khuẩn Whitmore phát triển.

Trong thời gian gần đây, liên tục có bệnh nhân nhập viện điều trị vì nhiễm

Trong thời gian gần đây, liên tục có bệnh nhân nhập viện điều trị vì nhiễm "vi khuẩn ăn thịt người".

Vi khuẩn ăn thịt người nguy hiểm như thế nào?

Bệnh nhiễm khuẩn Whitmore có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng. Ở trẻ em thường có triệu chứng sốt cao, nhiễm trùng nhiễm độc và biểu hiện sưng tuyến mang tai thường gặp hơn các triệu chứng khác. Ở người lớn bệnh cảnh phổ biến nhất là viêm phổi, sau đó tới viêm da, nhiễm trùng tiết niệu, nhiễm trùng huyết...

Vi khuẩn gây nên bệnh Whitmore có độc tính cao hơn một số vi khuẩn khác. Bệnh lại thường gặp ở người có miễn dịch suy giảm, đang mắc các bệnh mạn tính nên diễn biến bệnh thường phức tạp, nặng nề hơn, có thể gây tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị kháng sinh phù hợp.

vi-khuan-an-thit-nguoi-02

Bệnh Whitmore nếu người khỏe mạnh không may mắc phải, được phát hiện điều trị hợp lý sẽ điều trị khỏi, không để lại di chứng. Nhưng nếu bệnh rơi vào những người già, yếu, miễn dịch suy giảm, đang mắc các bệnh mạn tính thì sẽ có nhiều nguy cơ hơn, diễn tiến phức tạp hơn, khó chữa hơn.

Căn bệnh này hiện chưa có vắc xin phòng bệnh và khi đã khởi phát bệnh, diễn biến của bệnh rất nhanh, có thể cướp đi mạng sống bệnh nhân chỉ sau 48 giờ nhập viện.

Bệnh này được phát hiện đầu tiên trên thế giới vào năm 1911, xuất hiện tại Việt Nam từ 1936. Bệnh do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên. Bệnh có biểu hiện ở vị trí khác nhau và có các triệu chứng khác nhau nên thường dễ nhầm lẫn với các triệu chứng của nhiễm trùng thông thường khác như quai bị, áp xe, viêm tấy... Tỉ lệ tử vong của Whitmore là 40 - 60%, bệnh nhân có thể tử vong trong 1 tuần với các trường hợp nặng bị nhiễm khuẩn cấp.

Vi khuẩn gây bệnh sống trong bùn đất và nước, đường lây truyền chủ yếu qua vùng da tổn thương tiếp xúc với vi khuẩn hoặc hít phải các hạt bụi đất chứa vi khuẩn.

vi-khuan-an-thit-nguoi-03

Điều trị bệnh như thế nào?

Về điều trị, chỉ cần bác sĩ xác định bệnh nhân nhiễm khuẩn Burkholderia pseudomallei thì sẽ có chỉ định dùng kháng sinh. Theo nguyên tắc, sau khi dùng kháng sinh từ 48 đến 72 giờ mà không có dấu hiệu thuyên giảm, sẽ đổi kháng sinh khác.

Khi nhiễm bệnh chỉ có thể điều trị qua hai giai đoạn:

Giai đoạn 1: Tối thiểu 10 đến 14 ngày dùng kháng sinh truyền tĩnh mạch (IV). Điều trị bằng kháng sinh này có thể kéo dài tới tám tuần.

Giai đoạn 2: Là 3 đến 6 tháng của một trong hai kháng sinh đường uống.

Bệnh này không lây từ người sang người và cũng không dễ bị nếu vệ sinh sạch sẽ.

Biện pháp phòng ngừa là người dân khi tiếp xúc với đất hay nước không sạch phải có găng hay ủng bảo vệ, rửa sạch tay chân ngay khi tiếp xúc với nước hay đất không sạch. Khi có các triệu chứng như sốt cao, viêm phổi, áp xe, nổi cục nhiễm trùng ở các vùng khác nhau trên cơ thể, bạn nên đến trung tâm y tế gần nhất để làm các kiểm tra, xét nghiệm cần thiết.

chia sẻ bài viết
Theo:  khoevadep.com.vn copy link
Tác giả: Thanh Huyền