Những ngân hàng "dính" đại án năm 2013

07:08, Thứ bảy 28/12/2013

( PHUNUTODAY ) - Với những kẽ hở trong quản lý tài chính và sự biến chất của các cán bộ ngành ngân hàng trong năm 2013 đã khiến cho hàng loạt ngân hàng phải mang nhiều tai tiếng vì dính đại án.

1. Vietinbank và siêu lừa Huỳnh Thị Huyền Như

Sau 2 năm kể từ khi ngân hàng cổ phần công thương Việt Nam (Vietinbank) và nhiều đơn vị, cá nhân đã tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên Phó Phòng Quản lý rủi ro Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Vietinbank), cơ quan CSĐT - Bộ Công an đã hoàn tất điều tra, đề nghị VKS truy tố 23 bị can phạm các tội danh như: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cho vay nặng lãi, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. 

Mô tả ảnh.
 Như cùng đồng bọn đã lừa đảo hơn 4000 tỷ đồng.

Từ ngày 4/3/2010 đến 21/6/2011, Như làm giả 15 hợp đồng ủy thác đầu tư vốn giữa Vietinbank Nhà Bè với Công ty Thái Bình Dương. Như còn dùng thủ thuật là ký giả chữ ký của Võ Anh Tuấn (nguyên cán bộ văn phòng Vietinbank TP.HCM) và dùng chữ ký thật của Võ Anh Tuấn ở các hợp đồng Tuấn đã ký với Vietinbank Nhà Bè nhưng chưa được sử dụng để ghép vào hợp đồng ủy thác đầu tư vốn do Như làm giả với Thái Bình Dương nhằm huy động của công ty này tổng số tiền 1.493 tỷ đồng.

Trong quá trình huy động tiền, để hợp thức hóa hồ sơ vay tiền cho Công ty Thái Bình Dương, Như đã soạn thảo sẵn các giấy xác nhận với nội dung: “Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè đã nhận tiền của công ty Thái Bình Dương” rồi nhờ Võ Anh Tuấn ký và đóng con dấu thật của Vietinbank chi nhánh Nhà Bè. Cứ thế, những món tiền béo bở của Thái Bình Dương lần lượt ngoan ngoãn chui vào túi của Như mà họ không hề hay biết là mình đang bị lừa đảo. 

Đáng nói hơn, Như còn lừa cả “sếp” Võ Anh Tuấn khi tự sửa hợp đồng tiền gửi cho phù hợp, thuận lợi việc chiếm đoạt tiền rồi ký giả chữ ký của Võ Anh Tuấn, đóng dấu giả của Vietinbank chi nhánh Nhà Bè rồi gửi ra Hà Nội.

Trong các phi vụ làm ăn với Công ty CP CK Saigonbank - Berjaya (SBBS), Công ty CP Bảo hiểm Toàn Cầu, Công ty TNHH Zenplaza, Chứng khoán Phương Đông, ngân hàng VIB, Navibank, ACB, bên cạnh việc giả chữ ký của lãnh đạo Vietinbank Nhà Bè, giám đốc các công ty có nguồn tiền béo bở, Huyền Như còn kéo theo hàng loạt bạn bè, người thân làm hợp đồng tiền gửi giả rồi thế chấp, cầm cố vay để trục lợi cho riêng mình.

Theo cáo trạng VKS đưa ra, từ tháng 3/2010 đến tháng 9/2011, để chiếm đoạt tiền của các cơ quan, đơn vị, cá nhân Huỳnh Thị Huyền Như đã lấy danh nghĩa huy động vốn cho Vietinbank, chi nhánh Nhà Bè và chi nhánh TP.HCM tự thỏa thuận lãi suất vay tiền rồi làm giả 8 con dấu của Vietinbank chi nhánh Nhà Bè và 7 công ty, 2 ngân hàng Vietinbank và nhiều cá nhân, đơn vị khác để lừa đảo chiếm đoạt tiền của 9 công ty, 4 ngân hàng, 3 cá nhân với tổng số tiền gần 4.000 tỷ đồng.

Thậm chí, bầu Kiên cũng từng bị Như lừa lấy hơn 700 tỷ đồng. Cụ thể, ngày 22-3-2010, Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB và Nguyễn Đức Kiên đồng ý về việc ủy thác cho các cá nhân gửi tiền VND và USD tại các tổ chức tín dụng, từ ngày 27-6-2011 đến 5-9-2011, Lý Xuân Hải đã chỉ đạo và uỷ quyền cho Kế toán trưởng Nguyễn Văn Hoà thực hiện uỷ thác số tiền 718,9 tỷ đồng cho 19 nhân viên Ngân hàng ACB gửi tiết kiệm vào Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè và Vietinbank Chi nhánh TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, toàn bộ số tiền này đã bị Như chiếm đoạt.

Phiên tòa xét xử vụ án Huỳnh Thị Huyền Như cùng đồng phạm dự kiến diễn ra từ ngày 6 - 25/1/2014 tại trụ sở TAND TP.HCM (131 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.1, TP.HCM).

2. Agribank và đại án tham nhũng tại ALCII

Lấy lý do giảm nợ xấu, có tiền chuyển cho các doanh nghiệp và tiêu xài cá nhân, Vũ Quốc Hảo - Nguyên thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc, Chủ tịch Hội đồng cho thuê Công ty ACL II cùng đồng bọn đã rút ruột 531 tỷ đồng chỉ trong thời gian cực ngắn.

Vốn là “sếp lớn” tại Công ty ALC II thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn VN (Agribank) từ năm 2006 – 2009, ông Vũ Quốc Hảo đã có hành vi chỉ đạo, thực hiện cho thuê tài chính dưới hợp đồng giải ngân đầu tư tài sản cho thuê nhưng thực chất là cho vay trái quy định của Nhà nước về cho thuê tài chính. Trong giai đoạn 2008 - 2009, ông Hảo và cấp phó Nguyễn Văn Tài đã ký kết 10 hợp đồng cho thuê tài chính, mua bán tài sản với 4 công ty “sân sau” để giải ngân tổng số tiền hơn 795 tỷ đồng.

Mô tả ảnh.
Lãnh đạo của ALCII hầu tòa.

Đơn cử, năm 2008, ALC II đã cho các công ty con của bà Trần Thị Phương Liên thuê tài chính hơn 83,8 tỷ đồng để đầu tư tàu biển. Nhưng DN không trả được nợ. Để xử lý nợ xấu, ông Hảo đã chỉ đạo lập hồ sơ cho thuê bổ sung tài sản, lập khống hồ sơ sửa chữa tàu Thanh Hải 28 để rút tiền trả nợ cũ. Đến nay, ALC II vẫn chưa thu hồi được khoản nợ xấu này, hiện đã vọt lên hơn trăm tỷ đồng.

Tiếp đến Vũ Quốc Hảo đã móc nối với Lê Đoàn Tám - Giám đốc công ty TNHH đóng tàu Đại Dương và Lê Văn Phong - Tổng Giám đốc công ty cổ phần Hàm Rồng (tỉnh Đồng Nai), Khương Minh Hiệp (Giám đốc Công ty cổ phần Đại Phú Gia), Phạm Minh Tuấn (Giám đốc Công ty TNHH Xuân Việt) và một số cán bộ Công ty ALC II thực hiện nhiều hợp đồng thuê tài chính, hợp đồng mua bán tín dụng “khống” để chiếm đoạt nhiều tỷ đồng.

Chiều ngày 13/12/2013 TAND TP.HCM đã tuyên phạt Vũ Quốc Hảo (nguyên Tổng giám đốc) mức án tử hình về tội "tham ô tài sản", 6 cán bộ lãnh đạo còn lại cũng phải lãnh án tù.

3. ACB và bầu Kiên

Bầu Kiên hay Nguyễn Đức Kiên là cổ đông sáng lập của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) từ năm 1993. Bầu Kiên và gia đình sở hữu gần 937,6 triệu cổ phần (tương đương 9% cổ phần) của ACB; trong đó, cá nhân ông Kiên sở hữu 31,5 triệu cổ phần (tương đương 3,37%).

Từ cuối năm 2007, dù không còn tham gia HĐQT Ngân hàng ACB, nhưng Nguyễn Đức Kiên lại đề nghị HĐQT Ngân hàng ra quyết định thành lập Hội đồng sáng lập, có chức năng tư vấn cho HĐQT, tham gia và cho ý kiến tại tất cả các cuộc họp của HĐQT, được cung cấp đầy đủ tài liệu về hoạt động kinh doanh của Ngân hàng. Như vậy, dù không giữ chức danh nào trong HĐQT, nhưng với cương vị là Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng ACB, đại diện nhóm cổ đông chiếm 9% vốn điều lệ, ông Kiên vẫn có vai trò chỉ đạo chi phối toàn bộ hoạt động quản trị, điều hành Ngân hàng ACB.

Mô tả ảnh.
Bầu Kiên đã tạo ra hàng loạt đợt sóng lớn tại ACB.

Sau đó, ông Kiên đã thành lập và đồng thời là Chủ tịch HĐQT/HĐTV của 6 công ty gồm: CTCP Phát triển sản xuất và xuất nhập khẩu Thiên Nam; CTCP Đầu tư thương mại B&B; CTCP Tập đoàn tài chính Á Châu; CTCP Đầu tư ACB Hà Nội; Công ty TNHH Đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội; CTCP Đầu tư Á Châu. Không chỉ có tên gọi từa tựa nhau, mà hầu hết các pháp nhân này đều có điểm chung là chỉ thực hiện đầu tư tài chính và kinh doanh vàng, mặc dù đăng ký kinh doanh hàng chục ngành nghề khác nhau. Dựa vào 6 pháp nhân, ông Kiên đã có hành vi kinh doanh trái phép, đầu tư tài chính, mua cổ phần và góp vốn vào công ty khác. 

Nhiều lần, bằng ảnh hưởng tại ACB, “bầu” Kiên đã phát hành trái phiếu với khối lượng lớn của các pháp nhân trong “bộ sáu” quyền lực cho ngân hàng này, rồi sử dụng vốn đầu tư lòng vòng, để tạo ra vòng quay vốn “khủng” cho các công ty mà Kiên sở hữu. Các công ty của ông Kiên đầu tư đã thực hiện góp vốn dây chuyền, công ty này góp vốn vào công ty kia, sau đó các công ty này đầu tư cổ phiếu, góp vốn vào nhiều pháp nhân khác, đồng thời phát hành trái phiếu cho các ngân hàng để tiếp tục có nguồn tiền đầu tư.

Cơ quan điều tra xác định, thông qua 6 công ty, ông Kiên đã sử dụng số vốn “khủng”, lên tới 21.490,4 tỷ đồng để kinh doanh trái phép.

Chiều 15/12/2013, Viện KSND Tối cao đã ra cáo trạng truy tố bị can Nguyễn Đức Kiên (tức bầu Kiên) về các hành vi: kinh doanh trái phép; cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; lừa đảo chiếm đoạt tài sản và trốn thuế.

4. Citibank và Dương Chí Dũng

Tại phiên tòa xét xử đại án tham nhũng của Dương Chí Dũng và đồng phạm, HĐXX Toà án Nhân dân TP Hà Nội kiến nghị Cơ quan CSĐT Bộ Công an cần tiếp tục điều tra làm rõ những sai phạm tại Ngân hàng Citibank liên quan đến việc chuyển 9 triệu USD tiền thanh toán ụ nổi 83M của Vinalines cho Công ty AP.

Theo hồ sơ vụ án, Vinalines đã chuyển 9 triệu USD tiền thanh toán mua ụ nổi 83M cho Công ty AP qua tài khoản ký quỹ mở tại Ngân hàng Citibank. Sau khi nhận được khoản tiền này, Công ty AP lại chuyển về Việt Nam 1,666 triệu USD để Dương Chí Dũng và đồng phạm chia nhau. Trong khi đó, ụ nổi 83M đã cũ nát, không hoạt động được. Việc làm này đã gây thất thoát tài sản Nhà nước.

Mô tả ảnh.
Citibank đã tiếp tay cho Dương Chí Dũng phạm tội?

Ngày 20/9/2007, Dương Chí Dũng quyết định tại Nghị quyết HĐQT Vinalines để Vinalines vay vốn của Ngân hàng Citibank – Chi nhánh Hà Nội. Việc thanh toán mua bán ụ nổi được thể hiện trong Nghị quyết như sau: Vinalines thanh toán 8,1 triệu USD (90% giá trị hợp đồng) cho Công ty AP qua thư tín dụng do Ngân hàng Citibank – Chi nhánh Hà Nội phát hành. Trước khi Vinalines thanh toán số tiền 90% giá trị hợp đồng, Công ty AP phải chuyển cho Vinalines đủ 18 loại tài liệu liên quan đến ụ nổi quy định tại Phụ lục II của hợp đồng mua, bán số 01-07/VNL-AP. 

Thế nhưng, công ty AP không có đủ tài liệu để chuyển cho Vinalines làm căn cứ thanh toán, chỉ bao gồm: Thư thoả thuận mua bán ụ nổi 83M; Hợp đồng mua bán ụ nổi số 01-07/VNL-AP ngày 15/3/2008; Hợp đồng ký quỹ ngày 10/3/2008. Mặc dù vậy, Mai Văn Phúc vẫn chỉ đạo Trần Hữu Chiều lập 3 tờ trình đề nghị thanh toán để có bút phê vào 3 uỷ quyền thanh toán để Ngân hàng Citibank – Chi nhánh Hà Nội chuyển 8,1 triệu USD cho Công ty Ap vứi nội dung: “Đồng ý, chuyển Ban Tài chính - Kế toán căn cứ thực hiện”.

Như vậy, hồ sơ thanh toán ụ nổi 83M không đủ điều kiện, có nhiều mâu thuẫn và việc chỉ đạo giải ngân 8,1 triệu USD của Mai Văn Phúc và Trần Hữu Chiều là pháp luật. Với chức trách nhiệm vụ được giao, Bùi Thị Bích Loan phải có biện pháp ngăn chặn và báo cáo bằng văn bản lên HĐQT Vinalines, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính về sai phạm này. Nhưng Loan vẫn lập các thủ tục chi thanh toán 8,1 triệu USD cho Công ty AP qua Ngân hàng Citibank – Chi nhánh Hà Nội, tạo điều kiện cho Dương Chí Dũng và các đồng phạm chi mua ụ nổi 83M với giá 9 triệu USD không đúng với các quy định của Nhà nước.

Liên quan đến hoạt động chuyển tiền của Citibank trong vụ việc này, trong bản Kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT Bộ Công an có ghi: “Giám định viên không có kết luận sai phạm. Do vậy Cơ quan điều tra không có căn cứ xem xét, xử lý". Tuy nhiên, tại phiên toà xét xử sơ thẩm Dương Chí Dũng và đồng phạm, HĐXX nhận xét: Quá trình điều tra vụ án, Cơ quan CSĐT Bộ Công an phát hiện, hồ sơ thanh toán 9 triệu USD tiền mua ụ nổi của Vinalines cho Công ty AP có nhiều vi phạm pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế. Mặc dù vậy, Citibank vẫn chuyển tiền cho Công ty AP dẫn đến việc thất thoát 9 triệu USD của Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam.

Trên cơ sở đó, HĐXX kiến nghị Cơ quan CSĐT Bộ Công an tiếp tục điều tra làm rõ sai phạm của Ngân hàng Citibank. Nếu có dấu hiệu hình sự thì cần tiến hành khởi tố để điều tra theo quy định của pháp luật Việt Nam.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link