Bắp cải hay cải bắp (Brassica oleracea nhóm Capitata) là một loại rau chủ lực trong họ Cải, phát sinh từ vùng Địa Trung Hải. Nó là cây thân thảo, sống hai năm và là một thực vật có hoa thuộc nhóm hai lá mầm với các lá tạo thành một cụm đặc hình gần như hình cầu đặc trưng.
Cải bắp được trồng trong vụ đông xuân ở các tỉnh phía bắc, miền trung và Tây Nguyên. Cải bắp thuộc nhóm rau có nguồn gốc ôn đới, nhiệt độ xuân hóa (nhiệt độ cần thiết để phân hoá mầm hoa) là 1 - 10°C trong khoảng 15 đến 30 ngày, tùy thời gian sinh trưởng của giống.
Theo nghiên cứu, hàm lượng vitamin A và vitamin P trong bắp cải kết hợp với nhau giúp làm thành mạch máu bền vững hơn. Ngoài ra trong bắp cải còn có tác dụng chống suy nhược thần kinh, giảm đau nhức, phòng chống các bệnh ung thư, tim mạch và nhiều loại bệnh khác. Tuy nhiên có nhiều người cần thận trọng khi ăn rau bắp cải.
Người bị cường giáp, bướu cổ
Cải bắp chứa một hàm lượng nhỏ goitrin. Chất này có tác dụng chống ôxy hóa nhưng lại có thể gây bướu cổ. Vì vậy, người bị rối loạn tuyến giáp hoặc bướu cổ nếu ăn nhiều bắp cải sẽ có nguy cơ tuyến giáp hoặc bướu cổ phù to ra. Với những người này, chỉ nên ăn một lượng vừa phải, trước khi ăn nên cắt từng lá, ngâm rửa rồi thái nhỏ, để khoảng 10-15 phút rồi mới chế biến bởi khi đó, goitrin sẽ bị phân hủy hết.
Người bị bệnh thận
Những người suy thận nặng, phải chạy thận nhân tạo cũng không nên dùng bắp cải. Bắp cải là một trong những thực phẩm chứa nhiều axit oxalic, nếu ăn nhiều có thể làm tăng khả năng hình thành sỏi ở thận, gây ra sỏi thận. Người bị sỏi thận nếu ăn nhiều bắp cải càng làm cho bệnh trầm trọng hơn.
Người bị bệnh dạ dày
Bắp cải là loại rau có chứa nhiều chất xơ, có lợi cho sức khỏe. Theo các chuyên gia y tế khuyến cáo rằng việc ăn bắp cải sống dễ sinh đầy bụng, đặc biệt đối với những người bị đau dạ dày. Vì vậy, cách tốt nhất đối với người đau dạ dày là phải nấu chín bắp cải trước khi ăn.