Những tập tục kinh hoàng với người chết

12:45, Thứ ba 17/12/2013

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Trên thế giới đã có những tập tục kinh dị đến rợn người đối với hài cốt người quá cố.

Đào sọ người lên trang trí đủ kiểu

Người Bolivia luôn coi đầu lâu như một vật mang lại may mắn. Họ giữ lại đầu lâu của những người thân đã quá cố và cứ mỗi năm 1 lần, người dân nơi đây lại mang đầu lâu đến nhà thờ để cầu phước cho người đã khuất và mong điều đó sẽ đem may mắn đến với họ trong tương lai. Tới dịp lễ hội Skull họ sẽ lại mang những hộp xương sọ ra trang trí thật đẹp mắt, kèm theo hoa quả, đồ cúng tế để tham gia hoạt động cầu khấn cùng với dân làng. Đó là “Ngày của sọ” hằng năm, nhằm tưởng nhớ đầu lâu của những người đã chết. Họ đào sọ người chết khỏi mộ trong nghĩa trang rồi trang trí sọ theo mọi cảm hứng, như cho đội mũ lính, cắm hoa.

cúng đầu lâu

“Ngày của sọ” là sự kết hợp lạ lùng giữa tín ngưỡng vùng núi Andes thời trước khi bị Tây Ban Nha đô hộ với đạo Công giáo La Mã. Theo các nhà nhân chủng học, người Andes cổ tin mỗi người có 7 linh hồn, trong đó một linh hồn ngự trong sọ. Họ tin rằng linh hồn này có quyền lực đi vào trong giấc mơ của người sống, giúp chữa bệnh và bảo đảm sự an toàn cho người sống không bị trộm “viếng” nhà. Vì thế, người sống giữ “natita” (sọ) trong nhà, đặt tên và đặt trong hộp kính hoặc bệ thờ.

Nhà nhân chủng học Milton Eyzaguirre nói, đối với người Andes, cái chết là một cuộc sống khác, và thời gian tiếp xúc với các linh hồn là cần thiết. Các sọ thường không của người trong gia đình, thường được lấy từ nghĩa trang hoặc mua lại. Phong tục Bolivia là cải táng từ mộ sau 8 năm để gia đình đem thiêu, nhưng nhiều mộ không có người thân đem xác về nên sọ người lạ được “mượn” vào “Ngày của sọ”.

Giáo hội Công giáo Bolivia xem “Ngày của sọ” là thờ cúng ma quỷ, nhưng chọn cách chấp nhận nhằm duy trì tầm ảnh hưởng tại đất nước mà thổ dân chiếm đa số này. Các linh mục ở Thủ đô La Paz thường từ chối đến nghĩa trang để ban phép lành cho các “natita”. Nếu gặp phải sự khẩn cầu của gia chủ, họ chỉ đồng ý đọc một đoạn kinh ngắn cầu cho các linh hồn được nghỉ ngơi. Còn thì khuyên họ không nên đem sọ đến nhà thờ, lấy khỏi mộ mà hãy để các linh hồn an nghỉ.

Tập tục lau xương, thay quần áo mới cho xác người chết đi chào xóm làng

Đối với người ngoài thì việc này thật là rùng rợn, nhưng đối với những hậu duệ của người da đỏ Maya tại ngôi làng nhỏ trên bán đảo Yucatan, Mexico lại là một việc bình thường nhất trên đời. Vào những ngày cuối tháng 10, họ thường lau xương người chết: phủi bụi, đánh bóng, cọ rửa và sắp xếp lại bộ xương của những thành viên đã khuất trong gia đình để kịp đón “Ngày hội người chết”, ngày người dân Mexico chào đón linh hồn những người thân yêu trở về.

thay quan

Trong khi đó,  dân làng Baruppu ở huyện miền núi Tana Toraja thuộc tỉnh Nam Sulawesi (Indonesia) lại có tục lệ dân gian kỳ lạ được tổ chức 3 năm một lần, gọi là Ma'nene. Theo đó, xác người chết đã phân hủy được đào lên khỏi mộ rồi thay quần áo mới như một cách tưởng nhớ người chết. 

Tục Ma'nene được hiểu nôm na là “tắm rửa cho người chết”, được tổ chức trước mùa vụ hoặc trước khi hết tháng 8. Đây cũng là dịp mọi người trong dòng họ tụ về để làm giỗ. Mỗi dịp làm lễ kéo dài 3 ngày. Ngày thứ nhất: quan tài của người chết được đưa ra khỏi mộ (Pa’tane, nằm giữa một tảng đá lớn) ra bàn làm lễ, xung quanh là người thân của người chết.

Họ lau rửa xác (còn chưa tiêu hủy hết hoặc chỉ là bộ xương) rồi mặc quần áo sạch mà người chết từng mặc lúc còn sống. Tiếp đó, gia đình “đưa” người chết đi khắp làng để hàng xóm cúng viếng. Dân làng Baruppu tin người chết dù đã chết hàng trăm năm rồi vẫn còn sống với họ, và linh hồn người chết sẽ phù hộ cho họ tránh được những điềm dữ, sâu bọ phá hoại mùa màng và bị bất hạnh trong cuộc sống gia đình.

Ngày thứ hai, xác được đưa trở lại vào mộ và đóng mộ. Ngày thứ ba, gia đình tụ tập đọc kinh và làm bữa cỗ tưởng nhớ người chết. 

Tục Ma’nene cũng có những quy định cấm bất thành văn. Ví dụ nếu chồng hoặc vợ chết thì người còn lại chỉ được tái hôn sau khi làm lễ thay quần áo cho người này, tức phải để tang ba năm. Dân làng Baruppu tin nếu không cử hành tục Ma’nene thì tổ tiên sẽ không phù hộ, họ sẽ gặp thiên tai, dịch bệnh, ruộng lúa kiệt nước và không có gạo để ăn.

Theo truyền thuyết, Ma’nene bắt đầu được hình thành từ rất xưa: một thợ săn tên là Pong Rumasek đang đi săn thú hoang ở khu rừng Balla thì phát hiện xác người nào đó đã chết từ lâu, nằm dưới những gốc cây, chỉ còn là bộ xương.

Cảm thấy thương hại, Pong Rumasek cởi áo mình để mặc cho xác rồi chôn. Sau đó, Pong Rumasek tiếp tục cuộc săn. Từ đó, mỗi lần Pong Rumasek đi săn đều có kết quả tốt, bắn được nhiều con vật. Khi về đến nhà, ông còn ngạc nhiên khi thấy ruộng lúa chín vàng và ông chỉ còn mỗi việc là gặt. Pong Rumasek cho rằng đó là nhờ ông đã làm việc phúc đức khi chăm sóc cái xác vô danh. Từ đó, dân làng luôn tưởng nhớ các xác chết của tổ tiên và người thân, tạo nên tục thay quần áo cho người chết.

Kết hôn với người chết

Thông thường, âm hôn cũng phải thông qua người mai mối, hai bên gia đình qua nhà nhau dạm ngõ, đến lúc cử hành lễ hợp hôn cũng có thiệp hồng thông báo.

Kết hôn với người chết

Kết hôn với người chết còn gọi là âm hôn, nghĩa là làm đám cưới cho người đã chết. Theo tục lệ của người Trung Hoa cổ xưa, những thanh niên trẻ sau khi đã đính hôn và chờ đợi đến ngày cưới nhưng không may đột ngột qua đời thì phải giúp họ hoàn thành hôn lễ, nếu không hồn ma của họ sẽ làm loạn, khiến cho gia đình bất an. Bởi vậy, nhất định phải cử hành âm hôn cho họ, sau đó mới tiến hành mai táng, chôn cả người chết và “vợ” hoặc “chồng” vừa mới cưới cùng nhau.

Nhảy múa cùng thi hài và ăn... xương người chết

Dù tin hay không nhưng sự thật là những người Malagasy trên đảo Madagascar đưa thi hài từ ngôi mộ lên và nhảy múa cùng điệu nhạc truyền thống. Nghi lễ mang tên Famadihana tin rằng linh hồn của người quá cố gặp gỡ tổ tiên của họ sau khi thi thể đã tan rã. Nghi lễ này thường được tổ chức 7 năm một lần và là thời gian gia đình vui vẻ đoàn tụ.

Còn tục ăn xương người chết Endocannibalism lại là một nghi lễ khủng khiếp hơn tất cả những gì kinh khủng nhất. Trong nghi lễ Endocannibalism người ta ăn thi thể người thân quá cố của mình. Tư tưởng của tập tục rùng rợn này chính là để đạt được sự hấp thụ tất cả đặc điểm của người đã khuất từ thể chất đến tinh thần. Một vài bộ lạc tại Nam Mỹ và Úc được coi là nơi khai sinh ra tục lệ này. Theo nhà nhân chủng học Napolean Changon, cộng đồng Yanomamo ở Nam Mỹ vẫn còn ăn tro và xương của người sau khi hỏa táng. 

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: Phạm Văn Dự