Rợn người hủ tục phơi người ch.ết 5-7 ngày mới chôn

10:33, Chủ nhật 03/11/2013

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday)-Người chết phải được phơi ngoài quan tài 5 – 7 ngày, ăn ngủ cùng xác chết và chi rất nhiều tiền cho một đám ma.

Phơi xác 7 ngày, cả bản ăn cỗ

Đồng bào người Mông ở Mường Lát - Thanh Hóa là một trong những dân tộc thiểu số có nét sinh hoạt văn hóa phong phú, đặc sắc và bề dày lịch sử. Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều phong tục lạc hậu, cổ hủ tồn tại đến ngày hôm nay, khiến cho đời sống của dân còn luẩn quẩn trong đói nghèo, bệnh tật,  thậm chí còn chìm trong nợ nần sau những lần tổ chức các hủ tục. Và việc ma chay là một trong những hủ tục ghê rợn nhất của người Mông tại Mường Lát - Thanh Hóa.

Trong việc ma chay, theo phong tục của người Mông, khi có người chết, gia đình không bỏ vào quan tài ngay mà để người chết nằm ở bên ngoài từ 5 đến 7 ngày. Nếu người thân chết mà bỏ ngay vào quan tài là trái với tục lệ, làm như vậy sau khi chôn cất, linh hồn người chết sẽ không được “siêu thoát”, không được tổ tiên đón lên trời, kéo theo nhiều người chết sau đó và sẽ gây phiền hà cho người đang sống, gây ra bệnh tật, ốm đau, làm ăn lụi bại. Vì thế, khi có người thân mất, các gia đình người Mông thường đặt người đã khuất vào cáng hay để trên một tấm ván treo lên sát vách giữa gian nhà.

Việc để xác người chết trong nhà lâu ngày làm bốc mùi hôi thối không chỉ gây ra ô nhiễm môi trường cho gia chủ mà còn ảnh hưởng đến cả những gia đình ở xung quanh.

Ông Thào Bá Rơn cho biết: “Tục ma chay này đã có từ rất lâu đời và hiện nay vẫn phải giữ, việc phơi xác của người chết ở giữa gian nhà có ý chờ tổ tiên về nhận linh hồn của người chết lên thiên đàng”. Ông Rơn cũng cho biết thêm, việc để xác chết lâu ngày trong nhà cũng rất ngại vì mùi hôi thối bốc lên, ngửi rất buồn nôn, thậm chí khi tiếp xúc gần sẽ bị mắc bệnh, nhưng vẫn phải chịu vì đây là tục lệ.

Đồ cúng người chết của người Mông rất nhiều, bao gồm: Trâu, bò, lợn gà, cây xua ma quỷ, cây thang, vải vóc… Lễ cúng được tiến hành liên tục trong 5 đến 7 ngày. Người trong gia đình vẫn ăn, ngủ bình thường gần bên xác chết, xem như trong gia đình không có người mất. Nhiều gia đình nghèo, khi có đám ma cũng phải lo đi vay tiền khắp nơi mua sắm đồ lễ với số lượng lớn để cúng cho người chết. Nhiều gia đình phải mất nhiều năm mới trả hết nợ vì những khoản “đầu tư” cho một đám ma chay. Đời sống của người dân đã khó khăn càng thêm khó khăn, nghèo đói.

Nếu là đám tang của những người chết trẻ thì việc tổ chức cúng càng to và dài ngày hơn, cả bản phải chít khăn tang trắng, bỏ việc đồng áng để đến lo tang. Sau khi đã chôn cất xong thì cả bản tập trung tại gia đình có người chết để ăn cỗ.

Đám tang lịch sử

Ở bản Pha Đén, xã Pù Nhi (Mường Lát) tháng 5/2013 có một đám tang mang tính lịch sử của cả dân tộc Mông tại Thanh Hóa. Khi ông Lâu Chứ Dơ qua đời, cả dòng họ đã nhất trí thay đôi hủ tục lạc hậu của dân tộc, quyết định không để xác chết lâu ngày trong nhà mà đã cúng và chôn cất ngay trong 24 tiếng. Có thể nói, đây là làm đám tang đầu tiên vượt ra khỏi tư tưởng bảo thủ, lạc hâu, mê tín của người Mông tại Mường Lát – Thanh Hóa.

Các cấp, các ngành, chính quyền huyện, xã, các già làng, trưởng bản, các dòng họ Mông đã tích cực tuyên truyền, vận động các gia đình nếu có người chết nên cho vào quan tài, không để lâu ngày và đồ cúng đơn giản hơn. Và thực tế, hiện nay đồng bào dân tộc Mông ở Mường Lát – Thanh Hóa đã phần nào thay đổi được hủ tục ma chay, đã có thêm những đám tang chôn cất xác người chết trong thời gian ngắn, đơn giản và hợp vệ sinh hơn.

Ông Lương Văn Tưởng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa - Chủ nhiệm Đề án “Thực hiện nếp sống văn minh trong tang lễ ở vùng đồng bào Mông đến năm 2020” - cho biết: “Ban dân tộc tỉnh ủy và chính quyền địa phương đã phối kết thành lập tổ tuyên truyền là những người nói thạo tiếng Mông để trực tiếp đi đến từng hộ gia đình, thôn, bản… vận động, tuyên truyền đồng bào thay đổi dần thói quen, nếp nghĩ đã không còn phù hợp với đời sống văn hóa mới.

Đến nay, đồng bào Mông ở Mường Lát – Thanh Hóa đã có sự thay đổi tích cực trong suy nghĩ về các hủ tục lạc hâu, nhất là trong tục ma chay. Việc phơi xác trần và cúng trong nhiều ngày, tốn kinh phí đã giảm và đang có chuyển biến mạnh mẽ khi các hộ dân đã có tư tưởng thực hiện nếp sống văn hóa trong cưới hỏi, ma chay”.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link