1. Trọng lượng cơ thể giảm xuống
Sau khi vừa trải qua quá trình vượt cạn, một số ít bà mẹ có thể giảm ngay khoảng 10kg nhưng phần lớn chỉ thường giảm được trên dưới 5kg. Cân nặng được giảm đi này bao gồm:
- Trọng lượng của em bé: 3 – 3,5 kg
- Nhau thai: 0,5 – 1 kg
- Máu và nước ối: khoảng 1kg
Một tuần sau khi sinh, người mẹ tiếp tục giảm được 3 – 4 kg, chủ yếu là do cơ thể đào thải lượng nước dư thừa đã được giữ lại trong thời gian mang thai.
2. Nhau thai bong và đào thải ra ngoài
Nhau thai được ví như miếng đệm bảo vệ và cung cấp dinh dưỡng cho em bé trong thời gian còn ở trong bụng mẹ. Vì vậy, khi em bé chào đời, nhau thai coi như đã hoàn thành nhiệm vụ. Lúc này nhau thai sẽ bong ra khỏi tử cung và đào thải ra ngoài sau khoảng từ 5 – 120 phút tính từ lúc sản phụ hoàn tất quá trình vượt cạn.
Tất nhiên, việc nhau thai bong ra sẽ để lại một “vết thương” rộng cỡ lòng bàn tay người lớn bên trong tử cung và sản phụ sẽ thấy có máu chảy ra ở âm đạo (khoảng 300ml). Lượng máu này được lưu trữ trong khi mang thai nên khi đào thải ra ngoài sẽ không gây bất kì tác dụng phụ nào cho cơ thể và sức khỏe. Bạn có thể hoàn toàn yên tâm và không cần lo lắng khi gặp hiện tượng tự nhiên này.
Nếu sau khi sinh mà nhau thai không bong ra hoặc không đào thải hết ra ngoài có thể khiến sản phụ bị nhiễm trùng, hậu sản, tử cung không co lại hoàn toàn và dẫn đến băng huyết sau sinh. Vì thế, sản phụ cần chú ý quan sát đến sự thay đổi của cơ thể mình, ít nhất là trong khoảng thời gian 24 giờ đồng hồ sau khi sinh.
3. Tử cung co lại nhanh chóng
Sau khi sinh xong, tử cung sẽ nhanh chóng “thu nhỏ” kích thước từ cỡ một quả bóng tập thể dục loại lớn co lại bằng một quả dưa. Tiếp đến khi nhau thai bong ra và đào thải hoàn toàn ra ngoài, các cơn co tử cung bắt đầu xuất hiện. Lúc này, nếu lấy tay chạm da bụng, bạn có thể sờ thấy tử cung có hình cầu rất cứng với phần đáy cao ngang rốn.
Sau đó, mỗi ngày độ cao của phần đáy tử cung sẽ giảm xuống 1 – 2cm, trong khoảng 10 – 14 ngày tiếp theo, tử cung sẽ co nhỏ lại và “nằm yên” trong khoang xương chậu. Bạn sẽ không thể dùng tay sờ thấy tử cung nữa. Nhìn chung, 6 – 8 tuần sau sinh, tử cung sẽ phục hồi kích thước ban đầu.
4. Cơ thể mất hết sức lực
Để vượt cạn thành công, người mẹ thường mất rất nhiều sức lực. Vì thế sau khi sinh xong, nhiều sản phụ cảm thấy kiệt sức, người như đang bồng bềnh trên mây, đầu đau, tay chân tê cứng và mắt kém đến mức có thể không nhìn thấy gì.
Không chỉ có vậy, một số cơ quan trong cơ thể dần dần “hạ” xuống để trở về gần với vị trí ban đầu như trước khi mang thai sẽ gây ra một cảm giác không thoải mái lắm cho sản phụ do chưa thích ứng kịp với “hoàn cảnh” mới. Người mẹ cần thời gian nghỉ ngơi đầy đủ và có chế độ dinh dưỡng hợp lý để cơ thể hồi phục sức lực như ban đầu.