Nữ nhân viên y tế nhập viện vì ăn nấm tán trắng độc

10:06, Thứ ba 18/03/2014

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Bệnh viện Bạch Mai vừa tiếp nhận thêm 4 bệnh nhân ở Tuyên Quang bị ngộ độc nặng. Như vậy, chỉ trong vòng hơn một tuần, đã có tất cả 14 người nhập viện vì ăn nấm độc, 2 ca tử vong. Thậm chí trong số bệnh nhân nhập viên, có cả nhân viên y tế xã đã được tập huấn đầy đủ về nấm độc.

Kể từ hôm 9/3 đến nay Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận 14 bệnh nhân bị ngộ độc nấm rất nguy kịch. Trong đó, nhóm đầu tiên là 5 bệnh nhân (Võ Nhai, Thái Nguyên) đã có 2 trường hợp tử vong, 3 bệnh nhân còn lại, chỉ có một bệnh nhân có tiên lượng khả quan, qua nguy kịch còn lại đang trong tình trạng hôn mê gan, đe dọa tử vong rất cao.

Còn ở nhóm bệnh nhân thứ 2, một người đang trong tình trạng hôn mê gan, 4 bệnh nhân còn lại tuy bị suy gan nặng sự sống của họ rất mong manh bởi ngộ độc loại nấm tán trắng thường diễn biến rất nặng trong giai đoạn ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 bị ngộ độc (nhập viện ngày 12/3).

Mới nhất, 4 bệnh nhân ngộ độc nấm được chuyển đến từ Tuyên Quang.

Mô tả ảnh.
Một bệnh nhân bị ngộ độc nấm đang được điều trị tại BV Bạch Mai.

Tiến sĩ Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết, 4 bệnh nhân ở Tuyên Quang là người trong cùng một gia đình, được chuyển đến viện ngày 16/3. Tất cả đều ăn loại nấm tán trắng. Do sau 58 giờ họ mới được đưa đến viện nên tình trạng rất nặng, suy gan; khả năng sống rất ít. 

Các nạn nhân đều ăn loại nấm độc tán trắng, thịt mềm, mùi thơm dịu, gần giống nấm thường, độc tính cao, tác dụng chậm.

"Ngoại trừ một người đã qua cơn nguy kịch; số còn lại nguy cơ tử vong rất cao. Trong số này có một người làm ở trạm y tế xã thuộc huyện Võ Nhai, Thái Nguyên. Bệnh nhân này dù đã được tập huấn về ngộ độc nấm nhưng sau khi nghe già làng tuyên bố 'ăn được' thì cũng ăn", tiến sĩ Duệ cho biết. 

Theo tiến sĩ Duệ, Trung tâm đã huy động mọi nguồn lực, đưa ra những phác đồ điều trị tích cực nhất, chi phí điều trị lên tới 1,6 tỷ đồng nhưng khả năng tử vong vẫn rất lớn. Các nạn nhân đều ăn quá nhiều nấm, nhập viện muộn, xử trí tại chỗ chưa nhanh, chưa chính xác. 

Người nhà bệnh nhân cũng đã đưa mẫu cây nấm xuống Hà Nội để các bác sỹ “mục sở thị”, cây nấm có màu trắng nhìn rất giống các loại nấm trồng. Theo người nhà bệnh nhân, cây nấm nấu lên ăn rất ngọt. Do tất cả bệnh nhân ăn phải nấm quá độc, ăn nhiều, đến viện muộn và xử lý ban đầu chậm nên khó qua khỏi.

Mô tả ảnh.
Loại nấm độc mà bệnh nhân ăn phải.

Ông khuyến cáo, hiện bắt đầu vào mùa nấm phát triểu nhiều, người dân tuyệt đối không nên lên rừng hái nấm hoang dại ăn. Khi có biểu hiện ngộ độc nếu chưa nôn thì cần móc họng hoặc uống nhiều nước rồi móc họng gây nôn. Phương pháp này chỉ áp dụng cho bệnh nhân còn tỉnh táo, sau đó khẩn trương đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất. Nếu có than hoạt thì nên uống ngay với liều 2 gam/15kg cân nặng. Hiện nay thuốc điều trị đặc hiệu ngộ độc nấm vẫn còn khá hiếm ở Việt Nam, vì thế than hoạt được coi là giải pháp hữu hiệu.

“Ngộ độc nấm xảy ra trước 6 giờ nấm lành, xảy ra muộn sau 6 giờ nấm cực độc, tỷ lệ tử vong khoảng 90% hoặc có thể lên đến 100% nếu không được cứu chữa tích cực. Đến nay, Trung tâm chống độc đã huy động mọi nguồn lực, đưa ra những phác đồ điều trị tích cực nhất, tiêu thụ vài trăm lít huyết tương. Chi phí điều trị cho các bệnh nhân trong đợt này đã lên tới 1,6 tỷ đồng, bảo hiểm đã chi trả 90%, ngoài ra Trung tâm chống độc cũng đã phải tạm ứng đến 300 triệu đồng tiền thuốc. Tuy vậy, khả năng tử vong vẫn rất lớn", BS Duệ cho biết thêm.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: