Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai chưa bao giờ tiếp nhận cùng lúc nhiều bệnh nhân bị ngộ độc nấm đến vậy. Điều đáng nói, cả 10 nạn nhân này (1 cháu đã tử vong) đều cùng trú huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên.
5 bệnh nhân đầu tiên nhập viện Bạch Mai vào đêm 9/3 bị ngộ độc nấm trong tình trạng đau bụng dữ dội và buồn nôn liên tục. Mặc dù các bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo nhưng các bác sĩ nhận định, các bệnh nhân đã có biểu hiện men gan tăng cao, rất dễ có nguy cơ hôn mê gan, thậm chí tử vong.
Các bệnh nhân gồm ông Triệu Nho Phú (57 tuổi), bà Vũ Thị Hồi (60 tuổi, vợ ông Phú); chị Lý Thị Thơm (35 tuổi), cháu Lý Minh Khôi (13 tuổi, con trai chị Thơm) và cháu Lý Thị Thùy (15 tuổi, cháu chị Thơm), các nạn nhân đều trú tại xã Liên Minh, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên.
Các bệnh nhân đang được điều trị tích cực tại bệnh viện Bạch Mai. |
Sự việc xảy ra vào ngày 8/3, chị Thơm cùng 2 cháu Khôi và Thùy lên rừng hái nấm, sau đó ba người ghé qua lán của vợ chồng ông Phú trong rừng để nấu bữa trưa. Số nấm tán trắng nặng khoảng 1,5kg được chị Thơm dùng để nấu canh cho 5 người cùng ăn. Khi trở về bản, 3 người nhà chị Thơm bị đau bụng dữ dội, nôn thốc tháo.
Trong khi dư luận vẫn chưa hết hoang mang trước việc 5 nạn nhân vì ăn canh nấm rừng mà nguy kịch xảy ra ngày 8/3, thì ngày 12/3, lại có thêm 5 nạn nhân nữa cùng lúc nhập viện ở huyện Võ Nhai, Thái Nguyên trong tình trạng nguy kịch cũng do ngộ độc nấm. Hiện các nạn nhân cũng đang được cấp cứu tại Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).
Năm bệnh nhân nhập viện ngày 12/3 được xác định bị ngộ độc nấm, gồm anh Đặng Hữu Thuận, 35 tuổi; chị Triệu Thị Hòa, 24 tuổi, vợ anh Thuận; Đặng Phúc Quý, 14 tuổi, con ông Thuận; Đặng Phúc An, 12 tuổi, con ông Thuận và Triệu Văn Thọ, 31 tuổi, em trai bà Hòa.
Mới nhập viện sáng 13/3 trong tình trạng đau bụng dữ dội và tiêu chảy liên tục, anh Thuận đến nay đã hoàn toàn tỉnh táo nhưng cứ uống thuốc vào lại nôn ra. Anh Thuận kể: “Sáng hôm đó, tôi bảo con trai vào rừng kiếm măng đem bán. Đến trưa, cháu cầm về một túi nấm trắng muốt, tươi tốt, dài và rất non. Thấy nấm ngon nên tôi đã xào lên làm thức ăn, mời cả người em vợ sang ăn cùng”.
Sau khi ăn không hề biểu hiện gì, cả nhà anh Thuận lại ra nương làm việc. Đến 4h chiều thì cảm thấy khó chịu, buồn nôn và tiêu chảy nặng. 4 người đều có biểu hiện giống nhau nhưng không ai nghĩ là ngộ độc nấm. Đến đêm, khi tất cả đã lả đi, các cán bộ y tế có mặt giải thích, cả nhà mới ngỡ ngàng trước thông tin nấm độc.
Anh Thuận nói anh đã ăn rất nhiều loại nấm nhưng chưa bao giờ nhìn thấy loại nấm lạ này. Anh cũng chưa từng nghe ai nói ăn nấm bị ngộ độc. Bà con ở đây khi vào rừng hái măng, gặp nấm đều hái về cải thiện bữa ăn.
Quý không biết là nấm độc nên vẫn hái về cho bố mẹ ăn. |
Theo lời kể của cháu Đặng Phú Quý, người trực tiếp vào rừng hái nấm, trên đường đi hái măng, cháu có qua một khe suối. Hai bên bờ suối là hai dải nấm tươi rói, mới mọc lên sau mấy ngày mưa. Biết là nấm lạ nhưng Quý không ngần ngại hái một túi đầy về nhà cho bố mẹ.
Nhắc đến những trường hợp bị ngộ độc nấm thương tâm trước đó vài ngày, gia đình 5 nạn nhân này cho biết họ không hề hay tin, chỉ đến khi xuống bệnh viện cấp cứu, ở cùng phòng với nhau mới biết là đồng hương và đồng cảnh ngộ.