Đầu năm, nhiều ca nhập viện do ngộ độc hóa chất

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Trong ngày đầu tiên của năm mới 1/1/2014, trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận 4 ca nhập viện điều trị ngộ độc. Có đến 3 bệnh nhân nhập viện do ngộ độc hóa chất từ thuốc diệt cỏ, thuốc diệt chuột, thuốc trừ sâu.

Trong ba trường hợp cấp cứu thì có hai trường hợp được xác định ngộ độc hóa chất là do thuốc diệt cỏ Paraquat. Một trường hợp là nữ, 31 tuổi (sống tại Trấn Yên, Yên Bái) và trường hợp khác sống tại Hà Nội là bệnh nhân nam 59 tuổi.

Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng (Trung tâm chống độc) cho biết, các tháng gần đây trung tâm liên tục tiếp nhận các ca ngộ độc thuốc diệt cỏ Paraquat. Hầu như ngày nào cũng có bệnh nhân, mỗi tháng khoảng 40-45 trường hợp. Các bệnh nhân đến từ nhiều tỉnh thành phía bắc. Các ca có cơ hội điều trị khỏi nếu bị ngộ độc với liều nhỏ (dưới 3 ml). Việc điều trị ngộ độc Paraquat rất tốn kém (có thể phải lọc máu 3-5 lần với chi phí 12 triệu đồng/lần) nhưng khả năng cứu sống cũng rất thấp.

“Người dân thường gọi Paraquat là thuốc “cỏ cháy” vì khả năng diệt cỏ rất mạnh. Trên người, loại hóa chất này có thể gây tổn thương loét miệng họng (với biểu hiện đau rát miệng họng). Paraquat nếu nhỏ lên da của cơ thể có thể gây thối thịt vì vùng da, cơ đó bị “cháy” dẫn đến hoại tử”, bác sĩ Dũng cho biết thêm.

Mô tả ảnh.
Bệnh nhân ngộ độc thuốc diệt cỏ Paraquat cấp cứu ngày 1/1.

Theo TS Phạm Duệ, Giám đốc trung tâm Chống Độc, BV Bạch Mai: “Paraquat là chất cực kỳ độc, tỷ lệ tử vong 70-90%. Paraquat gây tử vong do suy đa tạng. Điểm đặc biệt của hóa chất này là rất có ái lực với phổi. Hóa chất này được lưu giữ trong phổi với nồng độ rất lớn gây tổn thương phổi, đặc biệt là làm xơ phổi, khiến bệnh nhân chết vì ngưng thở.

Ở liều độc mạnh, bệnh nhân tử vong vì ngộ độc cấp tính do suy đa tạng: gan, thận phổi, nhiều trường hợp tử vong chỉ vài giờ sau khi uống hóa chất này. Đối với thuốc diệt cỏ Paraquat, nếu uống hóa chất nguyên bản, không pha loãng chỉ cần 1 ngụm nhỏ (khoảng 12-15 ml) với người có cân nặng 50 kg là đã tử vong. 

Có trường hợp bệnh nhân được điều trị tỉnh táo nhưng khoảng 5-7 ngày sau đó thì lượng ô xi máu giảm dần rồi suy hô hấp và tử vong. Nguyên nhân do hóa chất Paraquat “bám” chắc vào các nang phổi, phá hủy gây xơ phổi. “Paraquat gây xơ phổi tiến triển không hồi phục, vì vậy nhiều trường hợp bệnh nhân không tử vong sớm nhưng lại phải đón nhận cái chết đến từ từ và tử vong sau 1-2 tuần vì suy hô hấp mà không cách nào cứu được”.

Trung tâm chống độc cũng cho biết các ca ngộ độc do thuốc diệt chuột có chứa thành phần hóa chất kháng vitamin K gây rối loạn đông máu nhập viện cũng có xu hướng tăng trong thời gian gần đây. Tại trung tâm thường xuyên có các ca điều trị do loại “thuốc” này. Tùy mức độ ngộ độc, bệnh nhân có biểu hiện: da xanh, niêm mạc nhợt; chảy máu chân răng; xuất huyết nội tạng (đi tiểu, đi ngoài ra máu); xuất huyết não; xuất huyết dưới da. Bác sĩ Dũng lưu ý: Đáng lo ngại, hiện đã xuất hiện loại thuốc diệt chuột chứa thành phần có tác dụng rất lâu dài, có thể lên đến 120 ngày thay vì 30 - 72 giờ như trước đây khiến bệnh nhân cần điều trị và theo dõi dài ngày. Nếu không được điều trị xử trí kịp thời, bệnh nhân ngộ độc thuốc diệt chuột có thể tử vong do mất máu nặng.

Ngày 12/11/2013 Bệnh viện Nhi Trung ương cũng tiếp nhận một trường hợp cháu bé 2 tuổi đến cấp cứu trong tình trạng chảy máu chân răng khó cầm và xuất hiện các bầm máu trên da vùng cẳng tay phải, vùng thắt lưng nhất là sau khi bị ngã hoặc va đập. Hiện tượng này diễn ra được 3 ngày thì gia đình đưa cháu đi bệnh viện khám. Sau khi hỏi bệnh, khám lâm sàng, làm xét nghiệm máu, kết quả cho thấy bệnh nhi bị rối loạn đông máu do thiếu các yếu tố đông máu và các yếu tố này phụ thuộc vitamin K.

“Bình thường, những yếu tố này chỉ giảm khi bệnh nhân uống thuốc chống đông kháng vitamin K, hoặc rối loạn tổng hợp ở những bệnh nhân suy gan nặng. Tuy nhiên, khai thác trong tiền sử cháu bé không có các rối loạn đông máu trước đó, trong khi đó, trước đó 2 tháng bệnh nhi này xuất hiện một đợt chảy máu chân răng, bầm tụ máu dưới da sau va đập tương tự lần bị bệnh này khiến các bác sĩ nghĩ đến một nguy cơ khác”, bác sĩ điều trị cho biết.

Mô tả ảnh.
Một bệnh nhi nhập viện do ngộ độc thuốc diệt chuột.

Trong quá trình khai thác bệnh sử, các bác sĩ rất chú ý đến yếu tố, trước đó hai tháng, gia đình bệnh nhi có sử dụng một loại thuốc diệt chuột có thành phần là Bromadiolone, đây là dẫn xuất của dicoumarol - một dược chất có tác dụng kháng đông máu. Chất này có thể dễ dàng xâm nhập cơ thể qua đường tiêu hóa (ăn uống) hoặc qua da. Lần xuất hiện các dấu hiệu lâm sàng lần này cũng trùng với thời điểm gia đình bệnh nhi tiếp tục sử dụng loại thuốc chuột trên. Từ những cơ sở này, các bác sĩ nghĩ đến khả năng bệnh nhi bị ngộ độc loại thuốc kháng đông trong thuốc diệt chuột.

Sau khi xác định tình trạng ngộ độc chất kháng đông trong thuốc diệt chuột, bệnh nhi này đã được điều bằng uống Vitamin K liều cao kéo dài. Sau 12 ngày điều trị cháu bé đã không còn xuất huyết, các xét nghiệm đông máu trở về bình thường và cháu bé được ra viện.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn