Nữ phục vụ "không tóc" tại quán cơm 2.000 đồng: "Lá rách ôm lá tả tơi"

( PHUNUTODAY ) - "Tôi muốn mọi người đến đây không những được ăn các món ngon, mà còn thêm niềm vui, sự lạc quan để tiếp tục chống chọi với bệnh tật", chị Hiền- bệnh nhân ung thư tâm sự.

Người phụ nữ lạc quan và có trái tim nhân hậu trên là chị Nguyễn Thị Hiền (36 tuổi, trú tại thị trấn Quán Hành, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An). Nhìn nụ cười tươi tắn luôn nở trên môi, ít ai biết rằng, chị đã mất nhiều tháng trời đấu tranh tư tưởng, nhen nhóm lại nghị lực để tiếp tục cuộc sống.

Chị Hiền (Áo khoác đỏ) luôn lạc quan, động viên cùng các bệnh nhân (Ảnh: Người đưa tin)

Chị Hiền (Áo khoác đỏ) luôn lạc quan, động viên cùng các bệnh nhân (Ảnh: Người đưa tin)

Vốn gia cảnh khó khăn, chồng không có việc làm ổn định, chị Hiền phải bươn chải bán thịt ở khu chợ gần nhà để lo cho 5 miệng ăn. Cuộc sống chưa thôi vất vả, nhưng ngôi nhà nhỏ của chị luôn ngập tràn tiếng cười bởi khiếu hàu hước, dí dỏm của chị. Ngày chị nhận được tin sét đánh bên tai là khi biết mình bị ung thư vú.

"Tôi nghĩ mọi thứ đến đây là hết. Giờ mà nhập viện điều trị thì tiền đâu, rồi ai sẽ kiếm tiền nuôi các con. Chúng còn quá nhỏ...", người phụ nữ 36 tuổi nghẹn ngào chia sẻ.Sau nhiều tháng trời trằn trọc suy nghĩ, chị Hiền càng thêm hốc hác. Chị tự động viên mình và bàn với chồng vay tiền nhập viện để trị bệnh.

Thực khách đến quán ai cũng cảm phục tinh thần của chị Hiền (Ảnh: Phụ nữ Online)

Thực khách đến quán ai cũng cảm phục tinh thần của chị Hiền (Ảnh: Phụ nữ Online)

Mỗi ngày điều trị ngốn cả triệu đồng, chị Hiền phải chắt bóp các khoản chi tiêu, ăn uống để có tiền chi trả viên phí. "Ăn uống tốn kém nên tôi phải nói chồng con tranh thủ mang cơm ở nhà vào để đỡ thêm một khoản. Khi biết tin có quán cơm 2.000 đồng phục vụ bệnh nhân, tôi liền đăng ký ngay", chị Hiền cho hay.

Vậy là, sau khi ăn bữa cơm đầu tiên, chị trở thành nhân viên phục vụ không lương tại quán ăn này. Thực khách chẳng ai còn xa lạ với cô phục vụ đầu trọc này, nhiều người ghé quán ăn vẫn thường vui vẻ để tạo thêm không khí, khích lệ chị.

Chị tâm sự: "Quán ăn này đều là những người khốn khó. Vì vậy, dù mệt mỏi đến mấy tôi cũng vẫn luôn cười đùa. Tôi muốn mọi người đến đây không những được ăn các món ngon, mà còn thêm niềm vui, sự lạc quan để tiếp tục chống chọi với bệnh tật".Cứ về trưa, dòng người đổ về quán cơm mỗi lúc một đông. Những lúc như thế, đôi tay của chị Hiền luôn thoăn thoắt lấy cơm, lấy canh.

Là lao động chân tay nên công việc này đối với chị không hề khó khăn, nhưng căn bệnh quái ác đã lấy đi chút sức còn lại, vì vậy cứ mỗi lúc chạy đi chạy lại thì chị phải dừng nghỉ. Từng trải qua cảm giác tuyệt vọng, mất phương hương nên khi thấy những người cùng cảnh ngộ, chị Hiền lại động viên họ.

Chị Hiền tình nguyện làm nhân viên không công cho quán (Ảnh: Người đưa tin)

Chị Hiền tình nguyện làm nhân viên không công cho quán (Ảnh: Người đưa tin)

Gần đây, sức khỏe của chị Hiền đã kém đi hẳn, nên việc phục vụ quán không được như trước, mỗi tuần chỉ có thể đến 1 lần. Thế nhưng, chị đang lên kế hoạch rủ thêm một vài người bạn cùng cảnh ngộ, có đủ sức khỏe cùng tham gia.

"Quán cơm 2.000 đồng này là một ý tưởng vô cùng cao cả, vì vậy tôi muốn được đồng hành, chung tay để gắn kết mọi người với nhau", chị Hiền nói.

Theo anh Phan Hùng Sơn, trưởng nhóm từ thiện mở quán cơm 2.000 đồng cho biết, quán hoạt động các ngày thứ 3,5,7 trong tuần, mục đích là ủng hộ, hỗ trợ các bệnh nhân nghèo đang điều trị các bệnh viện và những lao động nghèo có thêm bữa ăn no, đủ chất. Nhân viên phục vụ ở đây cũng là những bệnh nhân như chị Hiền, tất cả cùng vui vẻ, an ủi, động viên nhau vượt qua bệnh tật.

Theo:  khoevadep.com.vn copy link