Tào Tháo (chữ Hán: 曹操; 155 – 220); tự là Mạnh Đức (孟德), là nhà chính trị, quân sự kiệt xuất cuối thời Đông Hán trong lịch sử Trung Quốc. Ông là người đặt cơ sở cho thế lực quân sự cát cứ ở miền Bắc Trung Quốc, lập nên chính quyền Tào Ngụy thời Tam Quốc. Ông được con trai truy tôn là Thái tổ Vũ Hoàng Đế.
Con cái của Tào Tháo, cả nam lẫn nữ đều rất đông. Tuy nhiên, do tư tưởng trọng nam khinh nữ, cả đời Tào Tháo sinh được mấy người con gái thì không thấy sử sách ghi chép rõ. Tuy nhiên, việc Tào Tháo lợi dụng những cuộc hôn nhân của con gái để duy trì và củng cố quyền lực của mình, đem rất nhiều con gái của mình gả cho các vương công, đại thần, thậm chí là… hoàng đế được sử sách ghi chép khá đầy đủ.
Từ những gì được ghi chép trong các sách “Tam Quốc chí” của Trần Thọ và “Hậu Hán thư” của Phạm Diệp, chúng ta có thể biết rằng, chí ít Tào Tháo có 7 cô con gái, bao gồm: Tào Hiến, Tào Tiết, Tào Hoa, Thanh Hoà Trương Công chúa, An Dương Công chúa, Kim Hương Công chúa và Lâm Phần Công chúa. Trong đó, câu chuyện ba nguời con gái của Tào Tháo cùng lấy một chồng là câu chuyện được sử sách nhắc tới nhiều nhất. Ba cô con gái của Ngụy vương Tào Tháo đều xinh đẹp, tài năng nhưng vì người cha tham vọng mà các nàng trở thành "lễ vật" chính trị, sống cuộc đời bất hạnh, đầy nước mắt.
Những cô gái có phụ thân là vương thất là một hạnh phúc những cũng là một bi kịch. Là con gái của Ngụy vương Tào Tháo, các nàng công chúa cũng không hạnh phúc hơn ai. Những nàng công chúa của Tào Tháo đều là người có tài sắc và cá tính riêng. Vì muốn củng cố vị trí quyền lực của mình, Tào Tháo đã dùng con gái mình thành “lễ vật” để kết thân với hoàng thượng.
Năm thứ 18 Kiến An tức năm 213, Tào Tháo đã gả trưởng nữ Tào Hiến, Tào Tiết và Tào Hoa vào cung phong làm phu nhân hầu hạ Hán Hiến Đế Lưu Hiệp. Đến năm 214, Tào Hiến được phong làm quý nhân nhưng bất hạnh không có con.
Sau khi Tào Hiến qua đời được hợp táng cùng với Hán Hiến Đế và được truy phong làm Hiếu Hiến Tào hoàng hậu. Tào Hoa cũng trở thành phi tần trong cung của Hán Hiến Đế.
Nàng thứ hai Tào Tiết được phong làm hoàng hậu. Hán Hiến Đế vốn đã có vị hoàng hậu tên là Phục Thọ. Phục Thọ vì bất mãn với Tào Tháo nên đã viết thư mật báo cho cha mình là Phục Hoàn không ngờ bị phát hiện. Tào Tháo đã ép Hán Hiến Đế phế Phục Thọ và lập Tào Tiết làm hoàng hậu.
Chính vì thế, tuy là hoàng đế bù nhìn nhưng vì chuyện này mà Hán Hiến Đế Lưu Hiệp rất ghét Tào hoàng hậu. Tào Tháo cũng chả để ý đến điều đó. Mục đích đã đạt được, con gái đã gả cho Lưu Hiệp thì giờ là người nhà họ Lưu, chết cũng là ma nhà họ Lưu.
Cuộc đời Tào hoàng hậu chưa bao giờ được hưởng hạnh phúc thật sự. Khi Tào Phi ép Hán Hiến Đế nhường ngôi, bắt em gái là Tào hoàng hậu phải đưa ngọc ấn, nhưng nàng không chịu nên đã đập vỡ ngọc ấn.
Sau khi Hán Hiến Đế bị phế thành Sơn Dương Cung, Tào Tiết đã trở thành Sơn Dương phu nhân và cùng chồng sống nốt mấy năm cuối cùng. Cũng vì Tào Tiết không hợp tác với anh trai nên nàng và Tào Phi xung khắc với nhau vì thế cuộc sống càng ngày càng trở nên khó khăn, thê thảm.
Cả đời Tào Tiết chả bao giờ được sống vui vẻ. Còn sống thì bị chồng ghẻ lạnh, căm ghét. Huynh trưởng cũng không ủng hộ vì nàng đã không chịu hợp tác. Người đời thì chửi nàng là gian tế của Tào Tháo. Một tài nữ cành vàng lá ngọc mà phải sống đầy bi thảm.
Tới năm 234, sau khi làm Sơn Dương công được 14 năm, Lưu Hiệp mắc bệnh qua đời, thọ 54 tuổi. Tào Phi tổ chức tang lễ cho Lưu Hiệp theo nghi thức của hoàng đế triều Hán. Sau khi Lưu Hiệp chết 26 năm, tới năm 260, Tào Tiết cũng qua đời. Tào Phi đã cho mai táng Tào Tiết cùng chỗ với Lưu Hiệp theo nghi thức của hoàng hậu triều Hán.
Số phận 2 người con gái còn lại của Tào Tháo được gả cho Hán Hiến Đế không được sử sách nhắc tới. Tuy nhiên, vào những năm 70 của thế kỷ trước, trong mộ gia tộc Tào Tháo ở Hào Châu, tỉnh An Huy, người ta phát hiện được mộ của Tào Hiến. Đây là một điều khiến các nhà khảo cổ rất ngạc nhiên, bởi lẽ, một người phụ nữ đã đi lấy chồng vì sao lại được chôn trong khu mộ của nhà họ Tào?
Đương nhiên vẫn thiếu bằng chứng để khẳng định rằng ngôi mộ được tìm thấy chắc chắn là của con gái cả nhà Tào Tháo. Tất cả vẫn phải chờ kết quả nghiên cứu thêm của các nhà khảo cổ học.