Nước mắt người đàn ông "mồ côi vợ" và hành trình gà trống nuôi con

12:30, Thứ ba 27/05/2014

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Vượt lên nỗi đau mất vợ, nỗi côi cút của cảnh gà trống nuôi con, ông bố đơn thân vẫn ngày ngày đi xin sữa cho con, chăm sóc từng bữa ăn giấc ngủ với mong muốn con gái sẽ có một tuổi thơ hồn nhiên nhất.

Tình cờ biết đến Trình Tuấn (tên thật là Nguyễn Quốc Tuấn, sinh năm 1984 tại Nghệ An) trong một lần lướt web, ấn tượng đầu tiên mà của tôi là cảm động trước câu truyện tình đẹp mà buồn đến ám ảnh của anh. Nhưng hơn hết, có lẽ là cảm phục trước nghị lực vượt lên nỗi đau mất vợ, nỗi côi cút của cảnh gà trống nuôi con để bé Ủn có được tuổi thơ hồn nhiên nhất.

Hạnh phúc ngắn chẳng tày gang…

Anh Tuấn và vợ (tên đầy đủ là Nguyễn Thị Phượng, sinh năm 1989 tại Thanh Hóa) quen nhau khi cả 2 còn là sinh viên và trọ cùng một xóm trọ tại Q. Gò Vấp. Cùng cảnh sinh viên xa nhà trọ học nên cả hai rất thông cảm cho nhau. Bắt đầu từ tình cảm anh em cùng xóm trọ, cả hai dần quý mến nhau lúc nào không biết, nhưng vì e ngại nên anh và chị đều giữ kín trong lòng và không cho đối phương biết. “Nếu không có lần tôi chở bà xã (lúc đó còn chưa yêu nhau - PV) đi cấp cứu vì cô ấy bị đau dạ dày thì có lẽ tình cảm của chúng tôi cũng khó có thể tiến thêm một bước mới” – Anh Tuấn chia sẻ.

Trình Tuấn và vợ trong ngày hạnh phúc

Trình Tuấn và vợ trong ngày hạnh phúc

Gần 3 năm yêu nhau, cả hai cũng có đôi lần cãi vã, hiểu lầm rồi chia tay. Nhưng dường như định mệnh không muốn cả hai đi yêu thương người khác nên sau đó, anh chị lại quay lại với nhau. Cuối cùng, anh Tuấn và chị Phượng cũng đã quyết định đến sống cùng nhau cả đời bằng một đám cưới nho nhỏ trong niềm hân hoan, vui mừng của giađình nội ngoại, bạn bè, đồng nghiệp,…

Vì khó khăn và chưa sắp xếp được chỗ ở nên mãi gần 2 tháng sau khi cưới, Tuấn và Phượng mới chuyển về sống cùng nhau. Khó khăn là thế, nhưng cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ này luôn đầy ắp tiếng cười; dù đôi lúc, áp lực cơm áo gạo tiền đè nặng lên vai Tuấn, khiến anh không thể chăm sóc chu đáo cho vợ mình.

Có bầu tới tháng thứ 5, chị Phượng mới biết mình bị tử cung ngắn. Hơn 1 tháng sau đó, bác sỹ cho biết, chị Phượng bị thiếu ối, phải nhập viện điều trị. Khoảng 1 tuần sau, chị Phượng có dấu hiệu sinh non. Hai ngày sau, bé Ủn (tên thật là Nguyễn Kim Yến Nhi) ra đời trong hạnh phúc vỡ òa của tất cả mọi người. Lúc này, tảng đá trong lòng anh mới được buông lỏng. Anh ngỡ mình là người đàn ông hạnh phúc nhất thế gian.

Hai cha con Trình Tuấn

Khoảnh khắc chơi đùa hằng ngày của hai cha con Trình Tuấn

Ấy vậy mà, niềm hạnh phúc đó chỉ kéo dài vỏn vẹn có 10 ngày. Cho đến tận bây giờ, mỗi khi nhắc lại cái ngày định mệnh đó, anh vẫn còn bàng hoàng: “Dường như có sự sắp đặt của định mệnh, hôm đó, tôi ra khỏi nhà sớm hơn thường lệ đi dự 1 sự kiện công nghệ tại Bình Dương, và để điện thoại im lặng. Cho tới khi mở máy và thấy 20 cuộc gọi nhỡ báo vợ đang cấp cứu, tôi vẫn chưa mường tượng được nỗi đau mà sắp tới tôi phải đối mặt. Chuyến xe trở về thành phố có lẽ chưa bao giờ dài đến thế nhưng mọi chuyện xảy ra quá nhanh và tôi lúc đó vẫn không tin điều tồi tệ nhất sẽ đến với mình. Trạng thái đó vẫn kéo dài cho dù bác sĩ liên tục nhấn mạnh cơ hội thành công là rất ít khi tôi làm thủ tục để tiến hành phẫu thuật cắt bỏ tử cung để cầm máu.”

Cuối cùng chị Phượng cũng qua đời do xuất huyết tử cung, bỏ lại anh Tuấn và bé Ủn mới 10 ngày tuổi bơ vơ, côi cút.

Sinh con rồi mới sinh cha

Đón con ở bệnh viện về sau 1 tuần lo hậu sự cho vợ, lòng anh Tuấn thực sự rối bời, bởi lúc đó, anh mới chỉ là 1 người cha “thực tập” với vỏn vẹn mấy ngày kinh nghiệm. Anh Tuấn tâm sự: “Một mình ẵm con trên tay tôi đã cố kiềm chế để khỏi rơi nước mắt. Lúc con tỉnh giấc đi vệ sinh rồi khóc vì đói, tôi phải dỗ mãi mới nín. Nhìn Ủn đói quá mút ngón tay rất khi đó rất thương.”

Trong khi nguồn sữa mẹ dự trữ xin được từ các sản phụ ở bệnh viện dần hết, Trình Tuấn phải đối mặt với một vấn đề nan giải. Đó là Ủn không ăn được sữa công thức. Thương con, anh quyết định lên các diễn đàn, mạng xã hội để xin sữa mẹ cho con. Dù đường xa, mưa gió, nắng nôi,… anh cũng không nề hà, chỉ mong con được lớn lên bình thường như bao đứa trẻ khác. Điều này chính là động lực để anh thành lập Ngân hàng Sữa mẹ đầu tiên ở nước ta.

Sữa dự trữ cho Ủn mà Trình Tuấn xin được từ các nhà hảo tâm

Sữa cho bé Ủn mà Trình Tuấn xin được từ các mẹ hảo tâm

Anh tâm sự: “Ít ra cuộc đời đã không lấy đi tất cả của tôi, tôi vẫn còn Ủn để nhớ, để thương, để quay về tìm nơi bình lặng sau cơn sóng dữ. Có lẽ, bé Ủn chính là điều duy nhất níu giữ tôi lại với cuộc đời này”.

Nụ cười hồn nhiên của bé Ủn

Nụ cười hồn nhiên của bé Ủn

Thổn thức vì con cũng là thổn thức cho cả lòng mình khuyết lấp khi người vợ dấu yêu đã đi xa mãi mãi, bỏ lại anh cùng quãng đời đắng đót phía sau và đứa con thơ chưa một lần được nhìn thấy mẹ. Cũng chính vì thế, khi gia đình bên ngoại đề nghị đưa bé Ủn về quê để ông bà ngoại chăm sóc, anh đã không đồng ý. Bởi chỉ cần nhìn thấy bé Ủn, anh mới như nhìn thấy người vợ dấu yêu vẫn còn bên cạnh.

Trình Tuấn, ngân hàng sữa mẹ, bố đơn thân

Để nuôi dạy con tốt, Trình Tuấn lên mạng tham khảo nhiều cách dạy con

Người khác cố gắng 1, anh cố gắng 10. Sau ngày dài bận rộn công việc, anh lại tất tả đi xin sữa, vừa tự nấu nướng, tự chăm con. Không biết cách hâm sữa nóng cho con, anh lên trên facebook, lên các diễn đàn chăm con nhờ hướng dẫn. Lần đầu còn lóng ngóng, nhưng sau quen dần và làm nhanh hơn. Không biết vệ sinh, tắm rửa cho Ủn, anh nhờ một người bạn có kinh nghiệm đến nhà “làm mẫu” để học theo. Ông bố 30 tuổi này giành thời gian cho con mọi lúc có thể. Anh chơi với con, trò truyện cùng con, đọc truyện cho con nghe, hát cùng con, vẽ cùng con, dạy con bơi,… Mỗi lúc con ốm, anh luôn túc trực ở bên con, bởi anh sợ, mình lại phạm phải sai lầm đến nỗi không được nhìn thấy vợ mình lần cuối.

Trình Tuấn, ngân hàng sữa mẹ, bố đơn thân

Trình Tuấn dạy bé Ủn bơi khá sớm

Thế nhưng, cũng có không ít lần anh cảm thấy yếu đuối. Những lúc như vậy, anh không dám thể hiện ra trước mặt con vì sợ con bi quan. Anh chỉ biết tâm sự trên blog cá nhân. Anh viết: “Anh biết chia sẻ cùng ai những điều mà em đã từng đón nhận? Biết khóc cùng ai như đã từng khóc trong vòng tay em? Mọi thứ bây giờ quá nặng nề để anh có thể đón nhận nó. Giữa cuộc đời này càng ngày anh càng thấy cô đơn.” Ấy vậy mà, vì con, anh vẫn phải cố gắng mạnh mẽ vượt lên tất cả.

Trình Tuấn, ngân hàng sữa mẹ, bố đơn thân

Bé Ủn tuy còn nhỏ nhưng đã rất biết quan tâm đến bố

Dường như hiểu được những vất vả của anh, bé Ủn tuy mới gần 2 tuổi nhưng vô cùng cứng cáp, chăm ngoan, lại rất thông minh. Anh chia sẻ: “Mỗi tối nhìn con say ngủ, tôi lại thầm cảm ơn con. Vì con mà tôi mới cố gắng vượt qua được nỗi đau tưởng chừng không vượt qua nổi ấy. Vì con, tôi mới biết trở thành một người cha chân chính khó đến nhường nào. Có lẽ lớn lên Ủn sẽ rất tự ti vì không còn mẹ như bao bạn khác, nhưng tôi sẽ cố gắng vừa làm cha, vừa làm mẹ, mang tất cả tình yêu thương của tôi cho Ủn”.

 

Tháng 3/2014, Ngân hàng Sữa mẹ Việt Nam trở thành 1 trong hơn 50 thành viên của tổ chức Human Milk for Human Babies toàn cầu. Từ đây, Ngân hàng Sữa mẹ VN trở thành Human Milk for Human Babies VietNam với sứ mệnh đẩy mạnh dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ trên thế giới bằng nguồn Sữa mẹ. Đồng thời tập trung vào phát triển các cộng đồng cho nhận sữa mẹ.

 

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: trang.nt