Phản ứng viêm cơ tim xuất hiện khi nào ở trẻ tiêm vắc xin Covid-19: BS trả lời

21:50, Chủ nhật 17/04/2022

( PHUNUTODAY ) - Viêm cơ tim là một phản ứng hiếm gặp sau khi tiêm vắc xin Covid-19. Tuy nhiên cha mẹ không nên chủ quan khi theo dõi sức khoẻ của con sau tiêm.

Hai loại vắc xin đang được tiêm cho trẻ 5-11 tuổi ở Việt Nam là Pfizer và Moderna.

Chia sẻ với VTC, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hiền Minh, Phó Trưởng đơn vị tiêm chủng, Bệnh viện Đại học Y được TP. HCM cho biết, những phản ứng thường gặp ở trẻ 5-11 tuổi sau khi tiêm vắc xin Pfizer là mệt mỏi, đau đầu, tấy đỏ, sưng tại vị trí tiêm, đau cơ, ớn lạnh, sốt.

Những phản ứng thường gặp sau khi tiêm vắc xin Moderna ở trẻ 6-11 tuổi là đau tại vị trí tiêm, mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, ớn lạnh, buồn nôn/nôn mửa, sưng/đau ở nách, sốt, ban đỏ tại vị trí tiêm, sưng tại vị trí tiêm và đau khớp.

Bác sĩ Minh cho biết thêm, những phản ứng rất nghiêm trọng khi tiêm một trong hai loại vắc xin này cho trẻ là viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, phản ứng phản vệ. Trong đó, biến chứng viêm cơ tim, màng ngoài tim cấp có thể xuất hiện ở trẻ tiêm vắc xin mRNA ngừa Covid-19 (Pfizer-BioNTech hoặc Moderna), đặc biệt là ở trẻ vị thành niên nam và nam thanh niên.

tiem-vac-xin-01

Biến chứng viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim thường gặp sau khi tiêm mũi thứ 2 và xuất hiện 2-4 ngày sau khi tiêm. Một số trường hợp có thể gặp phản ứng này sớm hơn (12 giờ sau tiêm) hoặc muộn hơn (trong vòng một vài tuần kể từ khi tiêm hoặc trễ hơn lên đến 42 ngày).

Biểu hiện của trẻ khi gặp phản ứng này gồm có những cơn đau ngực cấp, khó thở, hụt hơi, cảm giác có nhịp tim nhanh, không đều hoặc hồi hộp đánh trống ngực, ngất, vã mồ hôi, trạng thái thần kinh kích thích, ăn uống kém, nôn ói nhiều. Bên cạnh đó, trẻ có thể bị sốt hoặc không.

Bác sĩ Minh khuyên cha mẹ nếu thấy con có một trong số các dấu hiệu nghi ngờ (đau ngực, khó thở, rối loạn nhịp tim) thì cần đi thăm khám để loại trừ viêm cơ tiêm, viêm màng tim cấp. Khi thấy con có biểu hiện bất thường, cha mẹ hãy thông báo với đường dây nóng được ghi trong phiếu hướng dẫn theo dõi sau tiêm hoặc đến bệnh viện gần nhất để được thăm khám kịp thời.

Bác sĩ sẽ khám và khám và nghe tim sẽ nghe tiếng cọ màng tim, trẻ có mạch nghịch thường; xét nghiệm tăng CK-MB, Troponin T hoặc I, kết quả điện tâm đồ biến đổi, siêu âm tim có rối loạn chức năng/vận động thành tim hoặc tràn dịch màng tim.

Bác sĩ Minh đưa ra lưu ý, không chỉ với vắc xin Covid-19, tất cả các loại vắc xin cho trẻ em khác, phản ứng sau tiêm của mỗi trẻ rất khác nhau. Vì vậy, không thể dự đoán được chắc chắn con có gặp biến chứng nghiêm trọng sau tiêm hay không.

Nhiều phụ huynh chia sẻ thông tin uống lá tía tô, thuốc bổ trước khi tiêm để ngừa phản ứng nghiêm trọng cho trẻ từ 5-11 tuổi. Tuy nhiên, theo bác sĩ đây chỉ là một biện pháp tâm lý để phụ huynh an tâm. Phụ huynh không thể dựa vào đó để không chú ý đến trẻ sau khi tiêm.

Bác sĩ khuyên cha mẹ nên cho con uống nhiều nước, ngủ đủ giấc, ăn theo nhu cầu của trẻ. Nên cho bé mặc quần áo thoáng mát, rộng rãi để tránh bị cảm lạnh. Hạn chế cho bé vận động, chạy nhảy quá sức trong vòng 3 ngày đầu sau khi tiêm vắc xin. Đặc biệt, không được đắp lá cây hay bôi thuốc lạ lên vị trí tiêm. Khi trẻ sưng đau nhiều hoặc sốt, phụ huynh nên cho con uống thuốc giảm đau hạ sốt thông thường như paracetamol với liều 10-15mg/kg cân nặng của trẻ. Ngày có thể dùng 3-4 lần.

chia sẻ bài viết
Theo:  saigonthethao.thethaovanhoa.vn copy link
Tác giả: Thanh Huyền