3 khổ nạn lớn nhất cuộc đời theo lời Phật dạy
1. Dục vọng
Dục vọng chính là nguyên nhân gây ra phần lớn những thống khổ trên cõi đời này. Dục vọng là những suy nghĩ sinh ra từ bên trong một con người, một khi đã nảy sinh thì sẽ không có cách nào có thể ngừng lại. Phật giáo cấm "dục" bởi hy vọng chúng ta ai cũng thoát khỏi đau khổ để đạt được niềm vui, không chịu những tai họa mà dục vọng gây ra.
Trong xã hội hiện tại, có không ít người vì tâm sinh dục vọng mà tự tay phá hủy tiền đồ của mình, nhất thời bị dục vọng che mờ mắt mà đi lầm đường lạc lối. Con người dễ bị dục vọng dẫn dụ nên cẩn trọng, chớ đùa với lửa.
Có rồi lại muốn có hơn nữa, để lòng tham dẫn dắt hành động, từ đó không màng gây ra những hành động làm hại người khác để thỏa mãn ham muốn của mình. Sau cùng, hại người nhưng đồng thời bản thân cũng chẳng được lợi là bao, thậm chí còn vướng vào vòng lao lý vì chữ "tham" đó.
Đây chính là luật nhân quả ở đời. Trong kinh Phật, dục vọng thuộc về phạm vi của cái ác. Một khi chúng ta sinh dục vọng sẽ rất khó để xóa bỏ cảm xúc ấy. Còn nếu như có thể làm theo lời Phật dạy, tránh xa những dục vọng, ham muốn, tham lam, như vậy chúng ta cũng bớt bị trói buộc bởi phiền não - chính những phiền não đó đã che mờ lý trí và sai sử ta đi đến con đường sai trái.
Một người khống chế được dục vọng của bản thân, vượt qua được cửa ải khó khăn này, tâm trí sẽ không bao giờ lầm đường lạc lỗi, có thể tìm ra được con đường đúng đắn đi tới hạnh phúc và thành công cho bản thân. Ấy chẳng phải đã tự giải thoát bản thân khỏi bể khổ hay sao? Cuộc đời còn lại ắt sẽ thuận buồm xuôi gió.
2. Hận thù
Kinh Phật dạy: “Nhất niệm sân tâm khởi, bá vạn chướng môn khai”, nghĩa là một suy nghĩ hận thù nổi lên, thì trăm vạn cửa nghiệp chướng đều mở ra. Chỉ cần chúng ta sinh ra sự hận thù và tức giận với người khác, như vậy sẽ có hàng trăm hàng nghìn cánh cửa làm trở ngại quá trình tu hành của chúng ta cũng sẽ đồng loạt mở ra.
Không ít người chỉ vì chút chuyện xích mích mà sinh lòng hận thù với người khác, đến lúc gần đất xa trời mới hiểu rằng bản thân đã lãng phí bao nhiêu thời gian của cuộc đời để sống một cách hẹp hòi, tự gây phiền muộn cho bản thân, khiến cả cuộc đời chìm trong những hậm hực không vui, thời gian đâu mà tận hưởng những điều tốt đẹp của cuộc sống nữa.
Theo Lời Phật dạy về hận thù, người mà có thể tự mình thoát hỏi hận thù mới có thể giữ cho lòng rộng rãi khoáng đạt, bình đạm đối mặt với thế sự, làm gì cũng được hài lòng thuận ý. Đó là lý do Đức Phật luôn dạy ta phải giữ được một tấm lòng bao dung, một trái tim biết thứ tha để đối đãi với vạn vật trên thế gian.
Trong cuộc sống, nếu có “tâm” tốt để một “niệm tốt” được khởi lên, thì những điều tốt sẽ tiếp theo, mọi người trong xã hội cũng sẽ được nhìn theo chiều tốt, chỉ thấy điều tốt, không nhìn điều xấu.
Các bậc Thánh nhân cũng không phải không có hận thù trong lòng, nhưng điều khiến họ trở nên khác biệt với phàm nhân là biết tìm ra phương pháp để hóa giải hận thù trong lòng, buông bỏ mọi ân oán vốn là nguồn gốc gây ra muộn phiền trên đời này.
Đổi vị trí để suy nghĩ chính là một phương pháp hóa giải hận thù tốt nhất. Khi phát sinh những chuyện mà bản thân không cách nào bỏ qua, thay vì oán hận đối phương khiến lòng mình cũng chẳng thoải mái, bạn hãy thử đặt bản thân vào vị trí của người ấy để suy xét vấn đề, làm như thế sẽ giúp bạn nhìn thấu mọi chuyện hơn.
Có như vậy thì chúng ta mới có thể hiểu được suy nghĩ của đối phương, từ đó buông bỏ hận thù. Tham khảo: Lời Phật dạy về ân oán: Không giận không oán sẽ không đau khổ
“Tâm an vạn sự an” chỉ cần tâm bình yên ta sẽ thấy cuộc đời vốn rất đẹp đẽ và ngập tràn tình yêu thương. Chỉ cần ta biết tận hưởng những gì đang hiện có, mà không chút vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, thì đã thấy tâm hồn đầy an lạc rồi, đâu cần phải tìm cầu ở đâu xa cho tốn hao sức lực!
3. Cố chấp
Cố chấp trong giáo lý nhà Phật là sự khăng khăng chấp nhất với một món đồ hay một đoạn tình cảm mà bản thân không thể nào có được. Đây là một loại ý niệm ích kỷ cần phải được loại trừ.
Cảm xúc cố chấp đó rất dễ trói buộc con người ta trong một phạm vi nhỏ hẹp, án ngữ mãi trong lòng, khăng khăng cho đến chết, cả cuộc đời cũng vì thế mà chìm trong đau khổ. Một khi buông bỏ được lòng cố chấp, chúng ta mới có thể thả lỏng tâm trí và bản ngã của mình. Xem thêm: Lời Phật dạy về chấp niệm: Chỉ khi vứt bỏ mới thấy đời thanh thản
Buông xuống những cố chấp vô lý, đồng thời cũng là buông bỏ những muộn phiền vô nghĩa, tâm trí được khơi thông, con người cũng được giải thoát. Phật dạy: "vạn vật giai không", tức là vạn vật vốn không có thật, nhưng chúng ta lại luôn cố chấp cho rằng chúng đều có thật.
Cho nên đức Phật đã nói “không” để phá cái tâm cố chấp cho rằng mọi thứ đều có thật đó. Tận trong sâu thẳm ý niệm, chúng ta luôn nghĩ thân thể này thật sự là của mình; nhà cửa, tiền của, xe cộ, danh vị… cũng là cái của mình, cho nên khi những thứ ấy bị mất đi thì chúng ta đau khổ vô cùng. Chính bởi cái tâm cố chấp cho là thật, nên mới có phiền não đau khổ và gây tạo vô số nghiệp tội.
Nếu như chúng ta có thể vượt qua hết thảy những cố chấp trên đời, không cố chấp với danh lợi, tiền tài, tình cảm... cũng tức là đã buông bỏ được những thứ đau khổ, độc hại của cuộc đời này. Sở dĩ bản thân ta cảm thấy không vui, không hài lòng về cuộc đời này là bởi trong tâm ta tồn tại sự cố chấp.
Một khi lòng suy nghĩ thoáng hơn, đời người cũng trở nên suôn sẻ và thuận lợi hơn rất nhiều. Mọi thứ tồn tại trên đời này đều có hai mặt, tốt và xấu mà đôi khi bạn chẳng thể phân biệt rạch ròi. Trên đời vốn không có gì đáng gọi là khổ đau, cũng chưa chắc có gì nên xem là hạnh phúc.
Người xưa nói: “Tướng tự tâm sinh“, ý nói hết thảy mọi sự trong đời gặp phải đều là do chính bản thân và suy nghĩ của mình khởi tạo nên. Chỉ cần thay đổi thái độ, chỉ cần lùi lại một bước, bạn sẽ thực sự trông thấy những cảnh tượng tuyệt diệu hơn.
Ngoài ra, dưới đây là 4 nỗi khổ lớn nhất đời người theo lời dạy của Đức Phật
1. Không nhìn thấu chính mình
Không nhìn thấy được bản thân mình lạc trong vòng luẩn quẩn, không thấy vết thương của mình sau mỗi lần tranh đấu, không nhìn thấy nơi yên tĩnh ở phía sau sự sầm uất vô vị, chính là một nỗi khổ lớn của đời người.
Người ta cứ tưởng bản thân mình hiểu mình rõ nhất, thực ra là hoàn toàn trái lại. Nhìn thấu phần sâu thẳm nhất của sinh mệnh cá nhân vốn là điều khó khăn nhất.
Trong những bão giông cuộc đời, có nhiều điều khiến bạn không thể nhìn thấy hoàn cảnh của chính mình. Bạn không nhìn thấy được bản thân đang lạc vào một vòng luẩn quẩn, không thấy vết thương sau mỗi lần tranh đấu, không thấy nơi yên bình phía sau sự phồn hoa, tấp nập.
Bạn cũng không thể nhìn thấy đường về sau cả một kiếp nhân sinh mỏi mòn, mệt mỏi, không thấy được niềm vui đằng sau những nỗi buồn, không thấy được tấm chân tình giữa biển người xa lạ bao la.
2. Tiếc nuối quá khứ
Con người nếu cứ mải miết sống trong những tiếc nuối: luyến tiếc sự ưu việt của bản thân trong quá khứ, luyến tiếc những sự việc không tới nơi tới chốn đã từng làm, luyến tiếc những hư vinh, những tiếng vỗ tay đắc thắng… thì cả đời sẽ dằn vặt không yên.
Người ta rất dễ bị quá khứ đeo đuổi, nhất là khi nhìn lại những ngày tươi đẹp từng có. Ta luyến tiếc kỷ niệm dù kỷ niệm chỉ còn như sương khói, luyến tiếc những điều chưa thể làm dù chẳng còn cơ hội. Ta luyến tiếc danh tiếng, những tiếng vỗ tay đắc thắng dù nó chỉ là thứ hư vinh.
Sống trong luyến tiếc, cả đời sẽ không yên. Ngày hôm qua chỉ là một cơn mưa, mưa mãi rồi cũng tạnh. Ngày hôm qua cũng chỉ là cuốn phim, xem qua rồi cũng hết. Còn luyến lưu nghĩa là còn một ngày day dứt.
Rất nhiều khi bạn phải chấp nhận rằng có những thứ không thể vãn hồi, có những chuyện không thể thay đổi, có những lời nói ra rồi không thể thu lại. Mãi luyến tiếc quá khứ chính là phủ một lớp mây mù ảm đạm lên chính hiện tại và tương lai của bạn.
3. Không vượt qua thất bại
Cuộc sống ai mà chưa từng thất bại, nhưng nếu thất bại mà lại gục ngã, không thể đứng dậy được thì phần đời còn lại có lẽ chỉ là những lời than trách mà thôi.
Thất bại là chuyện thường trong đời mỗi người. Ai dám nói mình chưa từng gục ngã? Những người thành đạt nhất, trái lại chính là những người vấp ngã nhiều nhất. Quan trọng là bạn biết cách đứng dậy sau vấp ngã ra sao, đừng cứ nằm mãi ở nơi đó than thân trách phận, bạn đang đợi ai đến dang tay cứu giúp đây?
Cuộc đời là do chính bạn quyết định, con đường là do chính bạn đi. Nếu không biết đứng dậy thì cũng đừng hy vọng đi cho tốt quãng đời phía trước vốn đầy hứa hẹn.
4. Không biết buông bỏ
Không buông bỏ được người và sự việc đã đi xa, không vứt bỏ được những mặc cảm về tội lỗi trong quá khứ sẽ giống như mang theo tảng đá khi đi đường dài vậy, thật khổ, thật mệt.
Buông bỏ ở đây không phải về vật chất, bạc tiền mà là cái tâm sầu não, phiền muộn. Nếu bạn không thể buông bỏ được chúng, những loại nghi tâm ấy dần dần sẽ đầu độc tâm hồn bạn, khiến bạn chẳng có ngày nào yên bình.
Buông bỏ cũng là cách mà Phật gia giảng để con người có thể rũ sạch trần ai, trở về với bản tính thuần hậu, lương thiện nhất của mình. Không thể buông xả cũng giống như người lữ hành đi đường vạn dặm mà trên lưng vẫn cõng theo cả một tảng đá nặng.
Làm sao bạn có thể đi đến đích cuộc đời nếu cứ chấp nhất, cứ đem những ràng buộc trói buộc bản thân?