Theo hướng dẫn này, Sở yêu cầu các trường lập kế hoạch thời gian thực hiện bài kiểm tra định kỳ trực tiếp; tổ chức họp với cha mẹ học sinh để phổ biến, hướng dẫn, tạo sự đồng thuận về phương án thực hiện.
Các trường chia nhỏ số học sinh/lớp đảm bảo an toàn phòng dịch để tổ chức hướng dẫn, ôn tập, bổ sung, củng cố kiến thức, định hướng nội dung “cốt lõi” cho học sinh trước khi tổ chức bài kiểm tra định kỳ đối với môn Toán, Tiếng Việt linh hoạt vào các thời điểm, phù hợp với từng đối tượng và tình hình diễn biến dịch Covid-19 tại đơn vị để đánh giá học sinh cuối học kỳ I và cuối năm học theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Trong trường hợp bất khả kháng, tại thời điểm kiểm tra định kỳ, học sinh không thể đến trường để làm bài kiểm tra bằng hình thức trực tiếp, cơ sở giáo dục tiểu học có trách nhiệm báo cáo phương án, điều kiện tổ chức cho học sinh làm bài kiểm tra định kỳ bằng hình thức trực tuyến về Phòng GD&ĐT để được kiểm tra các điều kiện đảm bảo theo quy định trước khi thực hiện.
Nhiều người cho rằng, trong khi Hà Nội số ca mắc Covid-19 vẫn không ngừng tăng lên mỗi ngày thì việc đưa học sinh quay lại trường để kiểm tra học kỳ trực tiếp là thiếu an toàn.
Nói về những băn khoăn khi tiến hành kiểm tra học kỳ trực tiếp với học sinh lớp 1, lớp 2, ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định, hoàn toàn không có việc "bắt buộc" học sinh lớp 1, 2 phải đến trường làm bài kiểm tra học kỳ theo hình thức trực tiếp.
Ông Tiến cho biết, văn bản của Sở GD&ĐT Hà Nội mới ban hành chỉ nhắc lại nội dung trong công văn hướng dẫn tổ chức dạy học, đánh giá học sinh tiểu học ứng phó dịch Covid-19 của Bộ GD&ĐT ban hành ngày 13/12 vừa qua, trong đó có nội dung về hình thức kiểm tra học kỳ đối với học sinh lớp 1, lớp 2.
Như vậy, trường nào đảm bảo các điều kiện, được sự đồng thuận của phụ huynh sẽ chia ca để học sinh đến trường ôn tập và kiểm tra trực tiếp. Trường hợp bất khả kháng kiểm tra trực tuyến bao gồn các học sinh liên quan đến F, khu vực phong tỏa và gia đình không đồng ý cho con tới trường.