Đậu nành nhiều công dụng
Đậu nành là thực vật chứa nhiều chất dinh dưỡng có giá trị như protein, các loại vitamin (vitamin B, A, E) và các nguyên tố vi lượng, acid amin thiết yếu, các acid béo không bão hòa nên tốt cho sức khỏe và giúp phòng bệnh hiệu quả. Đậu nành dễ tiêu hóa nên phù hợp với người làm việc văn phòng và người cao tuổi.
Theo Đông y, hạt đậu nành vị ngọt mát có tác dụng giải nóng, tiêu khát, trừ bỏ phù thũng, chữa lở loét, lợi tiểu... Đậu nành sẽ trở thành những bài thuốc quý nếu kết hợp nó với các dược liệu Đông y thích hợp.
Đậu nành giúp chữa suy nhược cơ thể, đổ mồ hôi trộm (đậu nành, hạt tiểu mạch, táo tàu); suy nhược thần kinh, giảm trí nhớ, hồi hộp, ăn ngủ kém (đậu nành, liên nhục, hoài sơn, ý dĩ, sa nhân, sơn tra, cẩu tích)...
Song hành với phụ nữ mãn kinh
Phụ nữ ở độ tuổi tiền mãn kinh (50-53 tuổi), thậm chí sau 40 tuổi thường có những triệu chứng như giảm ham muốn tình dục, rối loạn kinh nguyệt, khô âm đạo, bị mụn trứng cá, tóc rụng, mệt mỏi kinh niên, lông mặt mọc rậm, tâm tính thay đổi đột ngột, da khô, giật mình khi ngủ... Tuy nhiên, những phụ nữ ăn nhiều rau quả, nhất là đậu nành, thì ít phải chịu đựng những triệu chứng gây khó chịu kể trên.
Một nhà nghiên cứu về đậu nành nổi tiếng đã phát hiện ra rằng phụ nữ Nhật, những người tiêu thụ nhiều đậu nành nhất, đã trải qua thời tiền mãn kinh nhẹ nhàng hơn so với phụ nữ phương Tây. Đậu nành cũng giúp giảm lượng cholesterol, điều hòa lượng đường trong máu, giảm nguy cơ bị loãng xương. Mỗi ngày, ngoài các loại rau quả, cơ thể nên hấp thụ ít nhất từ 100-150g đậu nành từ sữa đậu nành, đậu hũ hoặc các thức ăn được chế biến từ đậu nành.
Đậu nành chứa nhiều vitamin E, kẽm, sắt làm cho da thêm mịn màng, hồng hào và hạn chế các nếp nhăn trên mặt. Đậu nành còn giúp kéo dài tuổi thọ, điều hòa huyết áp, chống giảm trí nhớ và stress, ngăn ngừa ung thư vú.
Trong đậu nành có chất Phytoestrogen như một chất thay thế nội tiết tố nữ. Trong các phytochemical của đậu nành, isoflavones đậu nành có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng và sự xuất hiện của các triệu chứng kinh nguyệt và mãn kinh, giúp hạn chế các cơn bốc hỏa, ra nhiều mồ hôi và đổ mồ hôi về đêm, hạn chế tăng cholesterol trong máu và làm giảm loãng xương.
Phytoestrogens dạng isoflavone không gây ra các tác dụng phụ lên hệ sinh sản như trong liệu pháp estrogen dài hạn và không liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư dạ con hay ung thư vú. Điều này làm cho đậu nành và các sản phẩm chế biến từ đậu nành thực sự trở thành sự lựa chọn an toàn, hiệu quả trong việc “đối phó” với các triệu chứng của thời kỳ mãn kinh và cho sức khoẻ của phụ nữ nói chung.