Quên mang bằng lái, giấy tờ xe có được nhờ người thân mang đến?
Người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo các giấy tờ sau: Đăng ký xe; Giấy phép lái xe đối với người điều khiển xe cơ giới quy định tại Điều 59 của Luật này; Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới quy định tại Điều 55 của Luật này; Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (theo quy định tại Khoản 2 Điều 58 Luật giao thông đường bộ 2008).
Như vậy, về nguyên tắc, tại thời điểm Cảnh sát giao thông (CSGT) có yêu cầu kiểm tra giấy tờ, người vi phạm phải xuất trình những giấy tờ như quy định ở trên. Trường hợp người vi phạm không xuất trình giấy tờ thì sẽ bị xử lý theo quy định của Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
Hiện nay không có bất cứ quy định nào về việc cho phép người vi phạm về lấy giấy phép lái xe và các giấy tờ xe đến hay nhờ người nhà đem đến.
Do đó, tại thời điểm điểm tra và lập biên bản vi phạm hành chính, CSGT sẽ không chấp nhận việc chờ người vi phạm về lấy giấy tờ hoặc nhờ người thân mang giấy tờ đến.
Sử dụng VNeID thay cho giấy giờ được không?
Theo dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an chủ trì xây dựng có đề cập đến việc khi tham gia giao thông, người lái xe phải mang theo 4 loại giấy tờ: Đăng ký xe, giấy phép lái xe, chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự.
Trường hợp thông tin của giấy tờ nào trong số các loại giấy tờ đã nêu trên được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử, thẻ căn cước công dân theo quy định thì người điều khiển phương tiện sẽ không phải mang theo.
Liên quan đến tích hợp dữ liệu giấy tờ xe, Thông tư 32/2023/TT-BCA của Bộ Công an quy định khi người lái xe cung cấp thông tin của các giấy tờ trong tài khoản định danh điện tử thì lực lượng CSGT kiểm tra, đối chiếu thông tin của các giấy tờ đó trong tài khoản định danh điện tử. Thông tư này có hiệu lực từ 15/9.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, lực lượng CSGT chưa áp dụng việc xác thực thông tin trên VNeID thay cho việc kiểm tra giấy tờ xe trực tiếp. Ngày 26/9, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên (Cục trưởng Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an) chia sẻ tại Tọa đàm trao đổi về các dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo: " Nhà chức trách cần thời gian để chuẩn bị các trang thiết bị đọc dữ liệu và đào tạo" và cần phải có thời gian để người dân tiếp tục tích hợp các loại giấy tờ vào VNeID và thay đổi thói quen cầm bản giấy. Theo thiếu tướng Nguyên, khi nào mọi người sẵn sàng thay đổi thói quen và hạ tầng hoàn thiện thì sẽ áp dụng.
Không mang giấy tờ xe bị phạt bao nhiêu?
Mức phạt lỗi quên giấy tờ xe
- Đối với xe máy: Điểm a khoản 2 Điều 17 Nghị định 100/2019/NĐ/CP (sửa đổi bởi điểm m khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP), nếu không mang theo giấy đăng ký xe, người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đồng - 200.000 đồng.
- Đối với ô tô: Theo khoản 4 Điều 16 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi khoản 9 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP), người điều khiển không có Giấy đăng ký xe theo quy định hoặc sử dụng Giấy đăng ký xe đã hết hạn sử dụng phạt tiền từ 2.000.000 đồng - 3.000.000 đồng.
Mức phạt lỗi không mang giấy phép lái xe
- Xe máy: Theo Điểm c Khoản 2 Điều 21 (sửa đổi bởi Khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP), phạt tiền từ 100.000 đồng - 200.000 đồng khi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà quên mang giấy phép lái xe.
- Ô tô: Theo Điểm a Khoản 3 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi Khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP, phạt tiền từ 200.000 - 400.000 đồng khi điều khiển xe ô tô quên không mang giấy phép lái xe.
Mức phạt lỗi quên mang giấy chứng nhận bảo hiểm xe bắt buộc
- Đối với xe mô tô, xe gắn máy, bao gồm xe máy điện: Theo điểm a khoản 2 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng.
- Đối với ô tô: Theo điểm b khoản 4 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi Khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP), phạt tiền từ 400.000 đồng - 600.000 đồng.