Người lao động đa phần đến tuổi nghỉ hưu theo luật định mới được lĩnh lương hưu. Tuy nhiên, nhiều trường hợp người lao động vẫn được giải quyết hưởng lương hưu hằng tháng dù chưa đến tuổi nghỉ hưu. Vậy người lao động nghỉ hưu trước tuổi cần có điều kiện gì và hưởng chế độ lương hưu cụ thể như thế nào?
1. Điều kiện nghỉ hưu trước tuổi
Căn cứ Điều 219 Bộ luật Lao động năm 2019, sửa đổi bổ sung Điều 54, Điều 55 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014, người lao động được nghỉ hưu trước tuổi nếu có thời gian đóng BHXH từ đủ 20 năm trở lên và tuỳ các điều kiện mà thời gian nghỉ hưu trước tuổi khác nhau:
- Được nghỉ hưu sớm 05 năm so với tuổi quy định nếu:
+ Có đủ 15 năm làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
+ Có đủ 15 năm làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
+ Có đủ 15 năm làm việc ở vùng đặc biệt khó khăn bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 01/01/2021.
+ Bị suy giảm khả năng lao động từ 61% đến dưới 81%.
+ Người lao động là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân.
+ Người lao động là hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí.
- Được nghỉ hưu sớm 10 năm so với tuổi quy định nếu:
+ Có đủ 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò.
+ Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.
+ Công an, bộ đội có đủ 15 năm làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc có đủ 15 năm làm việc ở vùng đặc biệt khó khăn bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 01/01/2021.
- Được nghỉ hưu luôn mà không xét đến tuổi nếu :
+ Người bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp trong khi thực hiện nhiệm vụ được giao.
+ Người lao động có đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.
2. Cách tính lương hưu khi nghỉ hưu trước tuổi
Căn cứ khoản 2 Điều 7 Nghị định 115/2015/NĐ-CP, dù nghỉ hưu trước tuổi hay đủ tuổi thì lương hưu của người lao động đều được tính theo công thức sau:
Lương hưu hàng tháng = Tỷ lệ hưởng x Mức bình quân tiền lương đóng BHXHD
Trong đó:
* Tỷ lệ hưởng lương hưu được xác định như sau:
- Lao động nữ nếu đóng BHXH 15 năm tính hưởng 45%. Sau đó, cứ mỗi thêm mỗi năm đóng BHXH thì tính thêm 2%.
- Lao động nam nghỉ hưu từ năm 2022 trở đi nếu đóng BHXH 20 năm tính hưởng 45%. Sau đó, cứ mỗi thêm mỗi năm đóng BHXH thì tính thêm 2%.
- Mức hưởng lương hưu tối đa là 75%.
- Trường hợp nghỉ hưu trước tuổi do suy giảm khả năng lao động sẽ bị trừ tỷ lệ hưởng:
+ Mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi bị trừ 2%.
+ Trường hợp thời gian nghỉ hưu trước tuổi có tháng lẻ:
Lẻ dưới 6 tháng: Không giảm tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu.
Lẻ từ 6 tháng trở lên: Giảm 1%.
- Trường hợp nghỉ hưu trước tuổi còn lại: Được giữ nguyên tỷ lệ hưởng.
3. Thủ tục giám định sức khỏe để nghỉ hưu trước tuổi
Căn cứ Thông tư số 56/2017/TT-BYT và Quyết định số 2968/QĐ-BYT, thủ tục giám định sức khỏe để nghỉ hưu sớm được thực hiện như sau:
a. Hồ sơ khám giám định:
- Giấy giới thiệu của người sử dụng lao động hoặc Giấy đề nghị khám giám định.
- Bản chính hoặc bản sao hợp lệ của một hoặc các giấy tờ sau:
+ Tóm tắt hồ sơ bệnh án;
+ Giấy xác nhận khuyết tật;
+ Giấy ra viện;
+ Sổ khám bệnh;
+ Bản sao Hồ sơ bệnh nghề nghiệp;
+ Biên bản giám định bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động nếu đã được khám giám định bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động.
- Một trong các giấy tờ có ảnh sau:
+ Chứng minh nhân dân;
+ Căn cước công dân;
+ Hộ chiếu còn hiệu lực.
b. Nơi nộp
Hội đồng Giám định y khoa cấp tỉnh nơi người lao động đang làm việc hoặc cư trú.
c.Thời gian giải quyết
Cơ quan thường trực Hội đồng giám định y khoa có trách nhiệm xem xét và tổ chức khám giám định theo đúng thời gian quy định. Nếu không khám giám định, trong 10 ngày làm việc, phải trả lời bằng văn bản cho cá nhân, cơ quan, tổ chức yêu cầu giám định biết trong đó nêu rõ lý do.
Trong 10 ngày làm việc kể từ khi Hội đồng có kết luận, cơ quan thường trực Hội đồng Giám định y khoa có trách nhiệm phát hành Biên bản giám định y khoa.