Rửa oan tham nhũng cho Cảnh sát giao thông

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Nhiều người cứ thi nhau phê phán, chỉ trích mà không hay biết rằng nói CSGT tham nhũng hàng đầu là có sự oan uổng không hề nhẹ.

Ngày 3/12 vừa qua,  Diễn đàn Doanh nghiệp thường niên 2013 (VBF) đã công bố kết quả nghiên cứu về tham nhũng gây xôn xao dư luận. Theo đó, thay vì đứng đầu danh sách các ngành và lĩnh vực tham nhũng phổ biến nhất như kết quả khảo sát “Tham nhũng từ góc nhìn của người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức, viên chức” năm 2012, thì năm nay Cảnh sát giao thông (CSGT) đã rời khỏi top 4 một cách lặng lẽ và đầy bất ngờ. 4 ngành ảnh hưởng rất lớn đến tham nhũng của năm 2013 là hải quan, thuế, cấp giấy phép và quản lý đất đai.

Số liệu của cuộc khảo sát xã hội học “Tham nhũng từ góc nhìn của người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức, viên chức” năm 2012 ghi nhận.
Số liệu của cuộc khảo sát xã hội học “Tham nhũng từ góc nhìn của người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức, viên chức” năm 2012 ghi nhận.

Khỏi phải nói, kết quả năm nay đã mang lại niềm vui to lớn đến mức nào với các chiến sĩ CSGT. Bởi trước đó, khi kết quả top 4 “Tham nhũng từ góc nhìn của người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức, viên chức” được công bố, họ đã phải đối mặt làn sóng phản ứng gay gắt từ phía dư luận. Nhiều người cứ thi nhau phê phán, chỉ trích mà không hay biết rằng nói CSGT tham nhũng hàng đầu là có sự oan uổng không hề nhẹ.

Là lực lượng trực tiếp chiến đấu chống lại các hành vi vi phạm luật giao thông, bảo đảm trật tự, an toàn khi di chuyển cho người dân, các chiến sĩ CSGT đã phải rất vất vả để đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến đường. Mặc mưa to, nắng gắt, mặc đường bẩn bụi mù... họ vẫn ngày đêm miệt mài cống hiến.

Quý vị có dám tưởng tượng nếu một ngày nước ta thiếu vắng lực lượng CSGT thì mọi chuyện sẽ tồi tệ thế nào? Có lẽ đầu óc ai đó phải phong phú lắm mới làm, chứ người viết thì quả thực là không dám đâu.

Đấy là chưa kể trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, rất nhiều lĩnh vực, ngành nghề đã rơi vào khủng hoảng, suy thoái, thậm chí là liên tiếp rớt đáy, lao vực ... chính vì vậy mà mức đóng góp cho Nhà nước ngày càng giảm mạnh, lạm chi ngân sách ngày càng cao. Duy chỉ có một vài ngành trong đó có lực lượng CSGT là luôn đảm bảo nguồn thu, số tiền phạt vi phạm giao thông được lực lượng này thu về không những là khoản đóng góp lớn mà còn liên tục tăng trưởng nhanh và ổn định.

Thế nhưng vấn đề quan trọng nhất, oan uổng nhất của CSGT khi bị xếp vào danh sách tham nhũng hàng đầu phải là nhận dăm ba chục nghìn thì đâu có đáng gì, tham nhũng phải là lấy cả trăm triệu, thậm chí hàng tỷ mới ghê chứ.

Như Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ - đường sắt, Bộ Công An đã từng nói trước đây: "Tôi cho rằng ở đây chỉ là những tiêu cực chứ không thể nói là tham nhũng. Bây giờ nghiên cứu thế nào là tham nhũng, thế nào là tiêu cực tôi cho rằng nó chưa rạch ròi. Nhận của lái xe, nhận của người tham gia giao thông dăm ba chục, một vài trăm mà đó là tham nhũng thì theo tôi ý đó là không thỏa đáng."

Hơn nữa, nếu tham nhũng lớn nhất nước ta thì sẽ chẳng bao giờ có chuyện CSGT tạo ra những sự linh động trong công việc, đưa ra hình thức chung chia, bớt cho người vi phạm chút ít để hai bên cùng vui vẻ.

Cho nên mới nói kết quả khảo sát tham nhũng năm 2012 do Thanh tra Chính phủ cùng Ngân hàng Thế giới tổ chức quả là oan uổng lắm lắm cho CSGT.

Nói CSGT tham nhũng hàng đầu là quá oan uổng
Nói CSGT tham nhũng hàng đầu là quá oan uổng

Cũng may là thời gian gần đây xuất hiện hàng loạt những phát biểu giúp người dân nhìn thấy rõ hơn sự vất vả của CSGT. Vào hôm 1/12, trong phiên họp để các thành viên Chính phủ cho ý kiến về sử dụng khoản tiền phạt của CSGT, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang cho hay, do thiếu lực lượng tuần tra nên nếu chia bình quân, mỗi CSGT phải phụ trách 70 km quốc lộ: "Đứng một chỗ không được, cảnh sát phải tuần tra rất căng thẳng. Nhiều khi dự luận hiểu không rõ, tưởng phạt nhiều cảnh sát giao thông được nhưng số tiền này, theo quy định phải nộp về Bộ Tài chính. Mỗi ca trực anh em cũng chỉ được mua thêm cái bánh mỳ".

Bên cạnh đó, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên khi trả lời trên tờ VnExpress cũng đã bật mí cho dư luận biết thêm: “Mỗi ca trực đêm của chiến sĩ được thêm 100.000 đồng, số tiền này chưa đủ để mua nước lọc".

Quý vị thấy đấy, mỗi ca trực đêm chỉ được thêm một cái bánh mỳ và chai nước lọc thì làm sao gọi là tham nhũng được?

Thôi thì, đằng nào cũng đã hiểu lầm rồi, chuyện cũ qua đi không nên nhắc lại làm gì. Còn nếu ai đó có lỡ ái ngại với những phát ngôn hơi quá đáng dành cho CSGT trước đây thì đừng chỉ hối hận suông, thay vào đó nếu có việc liên quan đến CSGT hãy tỏ ra ngoan ngoãn và biết nghe lời.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn