Khốn khổ vì điều hòa
Ba ngày nay chị Nguyễn Hải Nam (Thanh Liệt, Hà Nội) phải nghỉ làm để chăm con bị viêm đường hô hấp trong bệnh viện Bạch Mai. Bé Hải (con chị Nam) vốn có cơ địa dị ứng nên rất nhạy cảm với sự thay đổi của thời tiết. Biết thể trạng con như vậy nên vợ chồng chị Nam rất cẩn thận khi dùng điều hòa. Nhưng mấy gần đây Hà Nội nóng gần 40 độ, không dùng điều hòa nhà sẽ chẳng khác gì lò bát quái. Chị Nam than thở: "Tôi có dám bật điều hòa lạnh đâu, chỉ dám để 27, 28 độ. Ấy vậy mà con vẫn bị hắt hơi, sổ mũi, khó thở, lười ăn... Đưa con đến viện bác sỹ mới bảo con bị viêm đường hô hấp".
Khi được hỏi gần đây có vệ sinh hay thay lọc gió cho điều hòa không, chị Nam cho biết: "Nào ai biết gì đâu. Điều hòa ở nhà dùng suốt từ hồi mình mang bầu đến giờ mà cả nhà có ai bị sao đâu? Chắc tại con mình có sức đề kháng kém nên bị thế".
Cẩn thận khi dùng điều hòa
Theo nghiên cứu của tổ chức y tế thế giới (WHO), điều hòa là ổ chứa các loại vi khuẩn, virus, nấm mốc, các tác nhân gây dị ứng nếu nó không được làm sạch. Đáng chú ý là nguy cơ viêm phổi sẽ tăng gấp 2,5 lần nếu ở trong phòng điều hòa trong một thời gian dài khi cơ thể không khỏe mạnh.
Trao đổi với phóng viên Phụ nữ Today, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ: "Trời nắng nóng làm sức đề kháng của trẻ bị giảm sút. Vì vậy, khi trẻ ở trong điều hòa nhiều sẽ có nguy cơ ủ bệnh cao hơn những trẻ thường xuyên hoạt động ngoài trời. Mặt khác, nhiệt độ lạnh và khô có thể gây khô da, viêm da, mất nước, nhất là với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, gây nên các bệnh viêm mũi họng, viêm đường hô hấp trên".
Dùng điều hòa đúng cách sẽ giúp trẻ tránh được nhiều bệnh đường hô hấp
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cũng cho biết các bậc phụ huynh cần thường xuyên vệ sinh điều hòa, ít nhất một tuần một lần và nên thay lọc gió từ 3 đến 6 tháng một lần. Phụ huynh cũng nên lưu ý thường xuyên mở cửa sổ đổi gió để đảm bảo trao đổi đối lưu giữa không khí trong và ngoài nhà. "Nên mở máy sau 1-3 giờ thì tắt máy, sau đó mở cửa sổ cho không khí trong phòng thoát ra ngoài để không khí từ ngoài đi vào trong. Cần tận dụng nhiều gió tự nhiên làm giảm nhiệt độ trong phòng, sẽ tốt cho sức khỏe của trẻ hơn", PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng nói.
Nhiệt độ trong phòng không nên để quá thấp, nhiệt độ chênh lệch trong và ngoài phòng không quá 7độ C. Khi đang đi ngoài đường nắng nóng không nên bật ngay điều hòa mà cần phải lau mồ hôi cho trẻ trước để tránh nhiễm lạnh đột ngột. Nên tắt điều hòa 15 – 20 phút trước khi cho trẻ ra khỏi phòng. Với thời tiết nắng nóng như hiện nay, không nên cho trẻ ra ngoài trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Khi bật điều hòa, các bậc phụ huynh có thể sử dụng thêm máy phun hơi nước hoặc quạt tạo ẩm, tránh để không khí quá khô...
Bên cạnh đó, khi trẻ ngủ trong phòng điều hòa, cha mẹ cũng nên giữ kín vùng cổ, ngực, bàn chân của trẻ, tránh để gió từ điều hòa thốc thẳng vào người trẻ. Với những trẻ có cơ địa dị ứng hoặc mắc các bệnh mãn tính về đường hô hấp như: xoang, hen... cha mẹ cần hạn chế sử dụng điều hòa.