Sai lầm khi hạ sốt cho trẻ, cha mẹ đang hại con mà không hay biết

( PHUNUTODAY ) - Dừng ngay những thói quen sai lầm dưới đây khi hạ sốt để không ảnh hưởng đến sức khỏe của bé yêu.

sai-lam-khi-ha-sot-cho-tre

 

 Dưới đây là những sai lầm cha mẹ thường mắc phải khi hạ sốt cho trẻ:

Cho trẻ uống thuốc hạ sốt ngay khi bị sốt

Không phải lúc nào sốt cũng do trẻ bị nhiễm trùng và cần uống thuốc. Khi sốt nhẹ, 37,5 – 38 độ C, phụ huynh chưa cần dùng thuốc cho trẻ. Đặc biệt, một số cha mẹ còn tự mua thuốc cho con uống mà không cần kê đơn của bác sĩ. Việc tùy tiện dùng thuốc khi chưa có chỉ định rất nguy hiểm, có thể gây hại cho sức khỏe của trẻ.

Cạo gió cho trẻ

Đây là phương pháp chữa bệnh dân gian được áp dụng phổ biển. Tuy nhiên, nếu cạo gió cho trẻ bị rối loạn đông máu, việc cầm máu vô cùng khó khăn. Đặc biệt khi trẻ bị sốt xuất huyêt, bác sĩ không thể xác định được vùng nào xuất huyết do bệnh, vùng nào xuất huyết do cạo gió. Vì vậy, tuyệt đối không nên cạo gió cho trẻ.

Chườm đá lạnh

Nhiều mẹ thấy con sốt cao quá dùng túi đá chườm lạnh cho con. Điều này thực sự rất nguy hiểm và mẹ tuyệt đối không nên làm. Cơ thể bé đang nóng, nếu bạn chườm đá lạnh, nhiệt độ nóng – lạnh chênh lệch quá mức có thể gây bỏng lạnh, khiến trẻ bị suy hô hấp ngay lập tức.

Đắp chăn, mặc ấm cho trẻ khi sốt cao đến rét run...

“Sai lầm này, tôi khẳng định, 10 bà mẹ đưa con vào viện thì đến 9 bà khi nghe con kêu rét run liền đắp chăn cho trẻ, mặc ấm cho trẻ. Điều này cực kỳ nguy hiểm, càng đẩy nhiệt độ cơ thể lên cao, trẻ lại càng rét run, càng kêu lạnh và đến khi lên “đỉnh điểm” thì trẻ co giật, tím tái”, BS Dũng nói.

sai-lam-khi-ha-sot-cho-tre-1

 

TS Dũng giải thích, trẻ em (kể cả người lớn) khi sốt quá cao thì bao giờ người cũng rét run, chân tay lạnh ngắt, thậm chí nhìn thấy vân tím ở chân. Nguyên nhân là khi sốt quá cao sẽ gây hiện tượng co mạch ngoại vi nên có cảm giác lạnh nhưng thực tế nhiệt độ trong người nóng rừng rực, lên đến 40 - 41 độ C.

Vì thế, dù trẻ kêu lạnh, đòi đắp chăn thì bố mẹ cần nhớ nguyên tắc quan trọng là không được đắp chăn vì càng đắp thân nhiệt càng lên cao, càng lạnh. Không được đóng kín cửa mà phải mở cửa, quạt thoáng phòng (không thốc vào người trẻ cho cho thông gió) và dùng thuốc hạ nhiệt để hạ nhiệt độ cơ thể, khi nhiệt độ hạ xuống chân tay trẻ sẽ dần ấm lên và trẻ sẽ hết lạnh.

Chườm hạ sốt cho trẻ thế nào là tốt nhất?

Vậy chườm hạ sốt cho trẻ như thế nào hiệu quả nhất? PGS Dũng cho rằng, chườm ấm cho trẻ là tốt nhất. Theo đó, nhúng khăn ấm vào nước có nhiệt độ bằng nhiệt độ thân nhiệt trẻ. Sau đó chườm vào các vùng nách, bẹn, cổ…để giúp thoát nhiệt nhanh.

Khi chườm cần thay khăn liên tục, hết ấm lại thay để khăn không bị lạnh, không làm trẻ có cảm giác rét run do nước lạnh ngấm vào người.

Theo các bác sĩ, khi trẻ bị sốt thì cần phải theo dõi sát sao, cho trẻ uống thuốc hạ sốt đúng liều lượng nếu nhiệt độ trên 38 độ 5. Trẻ sốt cao liên tục đến 39 – 40 độ hoặc có biểu hiện co giật, không đáp ứng với thuốc hạ sốt thì cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để thăm khám ngay lập tức.

Theo:  khoevadep.com.vn copy link