Nghĩa vụ quân sự là gì?
Theo khoản 1, Điều 4 trong Chương I của Luật Nghĩa vụ quân sự hiện hành có ghi rõ:
Nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong Quân đội nhân dân. Thực hiện nghĩa vụ quân sự bao gồm phục vụ tại ngũ và phục vụ trong ngạch dự bị của Quân đội nhân dân.
Theo đó, tất cả công dân của Việt Nam đang ở trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội,tôn giáo, tín ngưỡng, trình độ học vấn hay nghề nghiệp cũng như nơi cư trú (thường trú hoặc tạm trú) đều phải thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự.
Như vậy, nghĩa vụ quân sự là một trong những nghĩa vụ bắt buộc phải thực hiện của công dân Việt Nam trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự.
5 trường hợp được miễn đi nghĩa vụ quân sự năm 2024
Tuy nhiên, theo Điều 41, Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 (được sửa đổi bởi Luật Dân quân tự vệ 2019) quy định 5 trường hợp miễn nghĩa vụ quân sự như sau:
- Con của liệt sĩ, con của thương binh hạng một.
- Một anh hoặc một em trai của liệt sĩ.
- Một con của thương binh hạng hai; một con của bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; một con của người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.
- Người làm công tác cơ yếu không phải là quân nhân, công an nhân dân.
- Cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung phong được điều động đến công tác, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật từ 24 tháng trở lên.
Nơi khám nghĩa vụ quân sự
Theo Điều 5, Điều 6 Thông tư số 16/2016/TTLT-BYT-BQP ngày 30.6.2016 quy định về tuyển sức khỏe nghĩa vụ quân sự có hai vòng khám.
- Sơ tuyển sức khỏe do Trạm y tế xã tiến hành dưới sự chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ của Trung tâm y tế huyện.
- Vòng khám chi tiết tổ chức tại Trung tâm y tế huyện.