Theo ghi nhận, sáng ngày 16.9, bác sĩ Nguyễn Thanh Tiên, Trưởng khoa Tai Mũi Họng (Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Nam) cho biết vừa gắp thành công dị vật là xương cá 4 chấu trong thực quản cho một bệnh nhi.
Trước đó, ngày 15.9, cháu N.A.K (19 tháng tuổi, xã Tam Xuân 2, H.Núi Thành, Quảng Nam) được gia đình đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng hóc dị vật, khó thở. Bố của K. cho biết, cháu được cô giữ trẻ đưa về nhà do bị hóc xương cá lóc.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Tiên - Trưởng khoa Tai mũi họng cho biết, qua thăm khám và chụp X-quang thực quản cổ nghiêng, các bác sĩ phát hiện một xương cá lớn trong thực quản bệnh nhân. Bệnh nhi được chuyển mổ cấp cứu, gây mê nội soi để lấy dị vật.
Ê kip phẫu thuật đã gắp ra một xương cá 4 chấu lớn, đâm sâu vào thành thực quản gây chảy máu nhiều, nguy cơ nhiễm trùng cao. Trường hợp hóc nghẹn dị vật ở trẻ dễ gây nguy hiểm đến tính mạng trong quá trình cấp cứu vì gây mê trẻ em rất khó, đồng thời dị vật quá to.
Hiện tại, sức khỏe bệnh nhi đã ổn định, đang được tiếp tục theo dõi và điều trị tại Khoa Tai mũi họng của bệnh viện.
Đây cũng là lời cảnh báo đến các bậc phụ huynh, người chăm sóc trẻ khi cho bé ăn các thực phẩm dễ gây hóc nghẹn. Theo Viện Nhi khoa Hoa Kỳ, hầu hết trẻ đều có thể ăn cá, và trên thực tế, chúng nên ăn cá vì cá là nguồn cung cấp axit béo omega-3 tốt cho việc xây dựng não bộ. Mẹ có thể bắt đầu cho bé ăn một số loại cá được nấu chín đúng cách ngay từ 4 đến 6 tháng tuổi , miễn là không có tiền sử dị ứng. Một số lời khuyên có thể hữu ích khi mẹ đưa cá vào chế độ ăn của trẻ:
Đừng bắt đầu ăn dặm với cá: Mặc dù có thể cho trẻ ăn cá sớm, nhưng có lẽ tốt nhất là không nên giới thiệu nó như món ăn đầu tiên mà trẻ ăn. Hãy cho bé ăn các thực phẩm khác khi bắt đầu ăn dặm, rồi mới đến cá ở những bữa sau.
Nên chế biến cá tại nhà để có thể nêm nếm và gỡ xương kỹ hơn.
Bổ sung sự đa dạng vào chế độ ăn của trẻ : Mẹ có thể bắt đầu cho trẻ ăn một số loại cá được nấu chín đúng cách ngay từ khi trẻ được sáu tháng tuổi. Ở độ tuổi này, việc cho ăn chủ yếu là để học các kết cấu và mùi vị khác nhau, và trẻ vẫn nhận được phần lớn dinh dưỡng từ sữa mẹ.
Nên bắt đầu bằng cá đồng, có hàm lượng thủy ngân thấp hơn cá biển; tránh cá kiếm, cá thu, cá mập và cá ngói. Nên chọn các loại cá có hương vị nhẹ, chẳng hạn như cá bơn, cá tuyết chấm đen, cá tuyết, cá hồi.
Tách xương đúng cách, để tránh tai nạn hóc nghẹn ở trẻ. Để an toàn thì mẹ nên dùng rây để lọc lại thịt cá và cháo mịn
Nấu thật chín cá, tránh trường hợp cá còn sống hay tái
Giảm một số độc tố tiềm ẩn trong cá bằng cách loại bỏ phần da mỡ.
Chọn phương pháp nấu ăn phù hợp : Hấp, luộc, nướng, và áp chảo đều là những cách chế biến cá tốt cho sức khỏe của trẻ nhỏ. Không nên chiên ngập dầu.
Nếu mẹ tự chế biến thức ăn cho trẻ , mẹ có thể cắt cá thành từng miếng nhỏ và thêm nước, nước dùng hoặc cháo, sau đó xay nhuyễn cho đến khi đạt được kết cấu mong muốn. Mẹ cũng có thể trộn cá với trái cây hoặc rau củ mà bé yêu thích.
Với trẻ đã có thể ngồi và cầm nắm được, hãy cắt cá thành từng miếng nhỏ phù hợp để bé có thể cầm ăn.
Nói chung, khi cho trẻ ăn cá, cần có sự giám sát chặt chẽ của người lớn để không xảy ra tai nạn ngoài ý muốn.