Đề xuất bỏ bảo hiểm bắt buộc với xe máy
VCCI vừa gửi tới Bộ Tài chính nội dung góp ý dự thảo nghị định quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới; bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng, vừa được .
Theo VCCI, trong các loại bảo hiểm bắt buộc này thì bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe máy trên thực tế không mang lại nhiều lợi ích cho xã hội.
Dẫn chứng là, sau hơn 10 năm triển khai Nghị định 103/2008, tỉ lệ chi trả bảo hiểm trách nhiệm dân sự với xe máy vẫn ở mức rất thấp, chỉ gần 6% năm 2019. Các cơ quan bảo hiểm nhờ quy định bắt buộc này mà thu về 765 tỉ doanh thu từ phí bảo hiểm của chủ xe, nhưng chi trả bảo hiểm chỉ ở mức 45 tỉ đồng.
Con số cũng như tỉ lệ này thấp hơn rất nhiều các loại bảo hiểm bắt buộc khác, trong đó chi trả bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe ô tô là khoảng 33%, cháy nổ là 31% - tính trên phí bảo hiểm thu được.
Bảo hiểm có ưu điểm là chi trả nhanh hơn đối với người bị tai nạn và giảm áp lực tài chính đối với người phải bồi thường. Tuy nhiên, với 45 tỉ đồng và tỷ lệ chi trả ít ỏi 6%, thì theo VCCI, rất khó có thể thuyết phục rằng lợi ích mang lại từ khoản tiền bồi thường này lớn hơn chi phí xã hội phải bỏ ra mua bảo hiểm xe máy khoảng 765 tỉ đồng.
Như vậy, nhìn về mặt tổng lợi ích cho xã hội, bảo hiểm bắt buộc với xe máy không bảo đảm nguyên tắc lợi ích lớn hơn chi phí.
Theo VCCI, so với biện pháp đòi bồi thường khác, bảo hiểm có ưu điểm là chi trả nhanh hơn với người bị tai nạn và giảm áp lực tài chính cho người phải bồi thường, từ đó tạo ra giá trị thặng dư cao hơn cho cùng một số tiền bồi thường. Nhưng với số tiền 45 tỷ đồng, rất khó có thể thuyết phục rằng lợi ích mang lại từ khoản tiền bồi thường này lớn hơn chi phí xã hội phải bỏ ra là 765 tỷ đồng. Như vậy, nhìn về mặt tổng lợi ích cho xã hội, bảo hiểm bắt buộc với xe máy không bảo đảm nguyên tắc lợi ích lớn hơn chi phí.
Với những ý kiến cho rằng tỷ lệ chi trả của bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe máy thấp là do các quy định cụ thể và quá trình thực thi yếu kém, chứ không phải loại bảo hiểm này không mang lại lợi ích, VCCI cho biết chính sách này đã tồn tại hơn 30 năm, trải qua 4 lần sửa đổi, 8 lượt văn bản quy định chi tiết. "Nếu cho rằng các quy định chi tiết hay quá trình thực thi có vấn đề thì vì sao thực trạng này vẫn chưa được khắc phục?", VCCI nói.
Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc thu hẹp phạm vi chủ thể có nghĩa vụ bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm xe cơ giới, theo hướng loại trừ xe máy. Theo đó, việc mua bảo hiểm xe máy, bao gồm cả bảo hiểm trách nhiệm dân sự và các loại bảo hiểm khác, sẽ dựa trên sự tự nguyện thoả thuận của các bên.
Điều này không chỉ giúp giảm chi phí xã hội như trên đã trình bày mà còn giúp các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm có động lực thiết kế và cung cấp những sản phẩm bảo hiểm tốt hơn, phù hợp với nhu cầu của khách hàng và mang lại lợi ích thực sự cho xã hội. Quy định này cũng không trái với các luật, nghị định hiện hành.
Ngoài ra, VCCI cũng đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc công khai thông tin, dữ liệu về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm xe cơ giới. Các dữ liệu được công khai gồm: các số liệu về doanh thu bảo hiểm và số liệu về chất lượng giải quyết bồi thường, bao gồm số liệu tổng hợp và số loại đã phân theo loại phương tiện và theo doanh nghiệp. Nếu được công khai, các thông tin này sẽ góp phần thúc đẩy cạnh tranh trong kinh doanh bảo hiểm theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ, chăm sóc khách hàng tốt hơn, từ đó mang lại giá trị gia tăng cao hơn cho toàn xã hội.
Hiện Bộ Tài chính quy định giá niêm yết cho một sản phẩm bảo hiểm bắt buộc và yêu cầu doanh nghiệp bán đúng mức giá 66.000 đồng một năm cho máy trên 50cc và 55.000 đồng cho xe dưới 50 cc. Tuy nhiên, việc số vụ bồi thường theo dạng này không nhiều cùng với phản ánh khó được chi trả của người dân đã khiến quy định này nhận nhiều phản ứng. Thậm chí, để đẩy mạnh việc bán bảo hiểm, nhiều doanh nghiệp đã chi hoa hồng cho đại lý vượt ngưỡng cho phép.
Vì sao lại bắt buộc loại bảo hiểm này?
Theo lý giải của bà Nguyễn Thị Vân Anh, Phó giám đốc Ban Kế hoạch Marketing của Công ty bảo hiểm Bưu điện (PTI), đây là một loại bảo hiểm an sinh xã hội. "Điều gì xảy ra nếu người gây ra tai nạn rất nghèo và không đủ khả năng bồi thường cho nạn nhân", bà nói.
Vì thế, pháp luật bắt buộc chủ xe phải mua bảo hiểm này để khi xảy ra tai nạn giao thông, đặc biệt là những vụ nghiêm trọng, nạn nhân luôn nhận được quyền lợi bồi thường từ phía công ty bảo hiểm dù người gây ra tai nạn có điều kiện tài chính hay không. Không riêng Việt Nam, các nước khác cũng triển khai loại hình bảo hiểm bắt buộc tương tự, bà Vân Anh nói.
Hiện nay, Bộ Tài chính quy định giá niêm yết cho một sản phẩm bảo hiểm bắt buộc và yêu cầu doanh nghiệp bán đúng mức giá 66.000 đồng một năm cho xe máy trên 50 cc và 55.000 đồng cho xe dưới 50 cc, đã tính thuế giá trị gia tăng. Mức này được đánh giá "đủ rẻ để dễ dàng mua" nhưng cũng đủ để đảm bảo khả năng chi trả của các công ty bảo hiểm cho tất cả nạn nhân dựa trên tính toán xác suất xảy ra rủi ro, bà nói.
Tuy nhiên, thực tế số vụ được bồi thường theo dạng này không nhiều còn người dân thì phản ánh không dễ để được chi trả bảo hiểm.
Theo quy định, để được bồi thường cho loại bảo hiểm bắt buộc, giấy tờ cần có gồm xác nhận công an về vụ tai nạn và xác minh tổn thất, hồ sơ yêu cầu bảo hiểm và giấy chứng nhận bảo hiểm. Sau khi nhận đầy đủ hồ sơ, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ chi trả cho nạn nhân trong tối đa 15 ngày làm việc.
"Người dân mình khi nghe nhắc đến hồ sơ công an thì nghĩ rườm rà, nhiều thủ tục nhưng đây là quy định từ Bộ Tài chính nhằm xác định được đúng đối tượng và tránh trục lợi bảo hiểm", bà Vân Anh - đại diện Bảo hiểm PTI nói.
Luật sư Lương Huy Hà (Đoàn luật sư Hà Nội), Giám đốc Công ty Lawkey Việt Nam cũng nói thêm, để được bảo hiểm chi trả, người dân khi gặp tai nạn cần nhờ công an đến lập hiện trường hoặc giữ nguyên hiện trường, chụp ảnh và nhờ người làm chứng. Tuy nhiên, đa phần người dân thường tự dàn xếp với nhau nếu vụ tai nạn không quá nghiêm trọng nên việc nhận được bảo hiểm là không dễ.
Anh Đặng Trung (quận Tây Hồ, Hà Nội), một người vừa mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc đồng tình đây là quy định bảo vệ quyền lợi cho người đi đường. Tuy nhiên với điều kiện bắt buộc phải mua, anh cho rằng cần công khai về số tiền bảo hiểm đã đóng, số trường hợp cũng như số tiền mà các công ty bảo hiểm đã chi trả cho nạn nhân để người dân được biết và thấy thuyết phục thay vì mua đối phó.
Không có bảo hiểm xe máy bắt buộc bị phạt bao nhiêu?
Theo điểm a, khoản 2 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP) quy định:
Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (bảo hiểm xe máy) còn hiệu lực thì bị phạt từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng.