Cuộc thi giết hại và hành hạ động vật được chia làm 2 phần: Giết hại và Hành hạ
Đối tượng dự thi: Cá nhân và tập thể (các nước trên thế giới) không phân biệt già trẻ trai gái, giới tính, màu da,…
Nội dung thi: Đối với các loài động vật thân thiết với con người thì phải hành hạ càng nhẫn tâm càng tốt, hành hạ đến mức sống dở chết dở.
Đối với những loài động vật quý hiếm: phải lấy các bộ phận để bán, hoặc giết hại theo cách tàn bạo nhất có thể.
Mục đích cuộc thi: Các loại động vật quý hiếm đối diện với nguy cơ tuyệt chủng, tạo cơ hội “đầu thai” cho các loài vật gần gũi với con người.
Và nó phải khiến khán giả theo dõi những hình ảnh dự thi không rùng mình kinh hãi thì cũng phẫn nộ căm tức, và chốt lại bằng cảm giác xót xa xen lẫn thương cảm cho những động vật ấy.
Giá trị giải thưởng: tùy theo mỗi quốc gia, giá trị các “bộ phận” của con vật và sự thỏa mãn, hả hê của con người.
Ban giám khảo: Lương tâm con người
Ban Tổ Chức (BTC): Tự phát trên toàn thế giới
Khuyến cáo: Tốt nhất những người tham gia cuộc thi nên giữ kín danh tính, đừng để người dân phát hiện và bắt được. Ban Tổ Chức (BTC) không chịu trách nhiệm về tính mạng của các thí sinh tham gia dự thi trước sự phẫn nộ của mọi người và các hội Bảo vệ động vật ở nước sở tại và trên thế giới.
Cuộc thi đang trong giai đoạn gay go bởi các cá nhân và tập thể thể hiện rất xuất sắc khả năng của mình.
Sau đây là một vài ghi nhận của phóng viên trong cuộc thi này.
Vượt lên trên các đối thủ tiềm năng là quốc gia Đan Mạch với lễ hội thảm sát cá voi với khoảng 250 con cá voi bị giết, máu nhuộm đỏ cả một vùng biển rộng. Đây là lễ hội truyền thống của người dân quần đảo Faroe và nó đã được diễn ra hơn bốn thế kỷ qua. Quả là một con số ấn tượng cả về thời gian và số lượng cá voi bị giết.
Một trong những bức ảnh dự thi có tiềm năng giành giải nhất. Ảnh: Sea Shepherd Global. |
Do đây là một truyền thống lâu đời nên việc vi phạm hay làm cản trở là không thể chấp nhận được. Vì vậy, năm nhà hoạt động bảo vệ động vật đã bị bắt vì đứng ra can ngăn hoạt động này.
Ở Nhật Bản, với lý do săn bắt cá voi để nghiên cứu, thịt của chúng là món ăn rất được ưa chuộng với lượng tiêu thụ hơn 11.000 con cá voi/ năm.
Đứng thứ nhì phải kể đến Nam Phi với hình thức dự thi: săn bắt tê giác trái phép bán lấy sừng.
Theo nghiên cứu, loài vật này không có kẻ thù trong thiên nhiên. Nhưng giờ phải đính chính rằng, chúng là kẻ thù của con người.
Sừng tê giác thường được buôn lậu sang khu vực châu Á (trong đó có Việt Nam) với giá lên tới hàng tỷ đồng/ kg tại chợ đen, như vậy còn đắt hơn vàng và heroin rất nhiều. Một bộ sưu tập tê giác có thể giúp chủ sở hữu nó phát tài lớn.
Nhiều người Việt Nam vẫn tin rằng sừng tê giác có thể chữa được nhiều bệnh và là “thần dược” giúp tăng cường sinh lực dù đã được khuyến cáo rằng cấu tạo của sừng tê giác cũng chỉ giống như cấu tạo của tóc và móng tay con người mà thôi.
Một chú tê giác “may mắn” vì sau khi bị cưa mất sừng vẫn còn sống sót. Ảnh: Internet. |
Châu Phi cũng ghi điểm tương tự đối thủ của mình bằng việc săn bắn trộm voi lấy ngà dùng để làm những đồ trang trí đắt tiền.
Việt Nam cũng có không ít đội tham gia cuộc thi ở lĩnh vực này. Câu hát “Chú voi con ở Bản Đôn, chưa có ngà nên còn trẻ con” giờ đã chẳng còn đúng. Bởi chúng ta đang góp phần giúp những chú voi to “hồi xuân” thành trẻ con với một tốc độ chóng mặt.
Một trong số hàng trăm cá thể voi bị bắn chết ở Cameron cách đây 3 năm. Ảnh: Internet |
Ấn Độ, Indonesia, và cả Việt Nam là một vài nước tham gia cuộc thi với đối tượng dự thi là hổ. Ngành kinh doanh các bộ phận của hổ để chữa bệnh kiếm được hàng trăm tỷ mỗi năm. Để nói về ngày tận thế của loài vật này, xin được mượn câu hát của nhạc sỹ Trần Lập để diễn tả, rằng: “Ngày đó, ngày đó sẽ không xa xôi…”. Và không biết trong ba nước kia thì nước nào sẽ là “người chiến thắng”?
Da hổ bị lột có thể dùng để sản xuất áo choàng. Ảnh: Internet |
Đối thủ nặng ký tiếp theo không thể không nhắc đến Nhật Bản – quốc gia tiêu thụ thịt cá ngừ lớn nhất thế giới. Cá ngừ vây xanh là một loài vật quý, thịt chúng rất thơm ngon và bổ dưỡng cho sức khỏe. Không chỉ thịt mà trứng cá ngừ (và cá hồi) cũng được đưa vào thực đơn dưới dạng sashimi, sushi,…phục vụ thượng đế tại các nhà hàng Nhật sang trọng.
Trong khi đó, không hoành tráng như các loài vật trên, tê tê lại chọn cách “dự thi” rất “âm thầm”.
Cá ngừ đại dương khủng được đánh bắt ở cảng Phú Yên và sau khi sơ chế thì thành một món ăn khoái khẩu của không ít người. Ảnh: News.zing, cgifood |
Ở Việt Nam, Thái Lan và Indonesia, tê tê bị săn bắt với số lượng khủng khiếp. Và đây là kết quả của các hành động đó:
Rượu tê tê được bày bán tại nhiều nhà hàng ở Hà Nội. Ảnh: phóng viên John Sutter, CNN |
Và gần đây nhất, một bức ảnh gây xôn xao dư luận tại Việt Nam là về một chú chó bị hoại tử, đã chết sau khi bị phát hiện và cứu chữa vài ngày vì vết thương quá nặng. Nói đến “sát hại” chó thì không thể không kể đến nước ta với số chó bị giết thịt hàng năm lên tới hơn 5 triệu con. Hàn Quốc đứng ở vị trí thứ hai với hơn 2 triệu và với Trung Quốc, một lễ hội thịt chó đã giết 10 nghìn con, Thái Lan cũng là nước không thua kém.
Chó không phải là loài động vật có “cơ hội” được liệt kê trong sách đỏ bởi chúng “dự thi” ở mảng “bị hành hạ” dã man. Cùng với đó, mèo hay trâu, bò, lợn, gà cũng được con người cho dự thi (với số lượng rải rác, không tập trung, quy mô không lớn).
Chú chó đáng thương bị hoại tử đã chết không lâu sau khi được phát hiện và cứu chữa nhưng không được. Ảnh: Facebook |
Ngoài những động vật kể trên còn có hồng hạc, gấu, cá sấu, voọc, rùa, ... và khoảng 50 loài động vật tham gia cuộc thi này mỗi năm ở lĩnh vực “bị giết hại”, hành hạ thì hầu hết tất cả các con vật tiếp xúc với con người đều “có cơ hội dự thi”.
Nếu bạn quan tâm và nhìn thấy những loài động vật là “đối tượng tiềm năng” của cuộc thi này, vui lòng gọi điện tới đường dây nóng miễn phí 1800-1522 để “đề cử” và “bình chọn”. Mọi ý kiến góp ý cũng sẽ được giải đáp về các loài động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng tại đây.
Điều đáng báo động là không biết thời hạn kết thúc của cuộc thi này đến bao giờ. Chỉ biết rằng với sự phát triển mạnh mẽ của nó, sẽ không một loài động vật nào còn có thể tồn tại trên trái đất này, ngoài con người!
Ám ảnh những giọt nước mắt và nỗi đau mang tên chiến tranh Những bức hình chứa đựng khoảnh khắc đầy nước mắt và nỗi đau tột cùng mà chiến tranh mang lại khiến không ít người bị ám ảnh. |