Số định danh cá nhân có phải là số CCCD hay không? Cách tra cứu mã số định danh nhanh nhất

( PHUNUTODAY ) - Công dân Việt Nam được quản lý theo mã số định danh cá nhân và có giấy tờ tuỳ thân quan trọng đó là CCCD. Vậy số định danh cá nhân có phải số CCCD không?

Hiện nay, công dân Việt Nam được quản lý theo mã số định danh cá nhân và có giấy tờ tuỳ thân quan trọng đó là Căn cước công dân. Vậy số định danh cá nhân và số căn cước công dân có là một không?

Số định danh cá nhân có phải là số Căn cước công dân hay không?

Mã số định danh cá nhân theo quy định tại Điều 13 Nghị định 137/2015/NĐ-CP là dãy số tự nhiên được bảo mật hoàn toàn gồm 12 số, có cấu trúc gồm 6 chữ số là mã thế kỷ sinh, mã giới tính, mã năm sinh của công dân, mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc mã quốc gia nơi công dân đăng ký khai sinh và 6 số là khoảng số ngẫu nhiên.

so-dinh-danh-ca-nhan-1

Số định danh cá nhân được tạo ra sau khi thông tin về công dân được thu thập vào hệ thống một cách đồng bộ, do Bộ Công an cấp để xác định dữ liệu thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác. Mỗi người là một mã khác nhau, không ai giống ai, không thay đổi trong suốt cuộc đời và được sử dụng từ khi đăng ký khai sinh cho đến khi chết đi. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tập hợp các thông tin cơ bản về toàn bộ công dân Việt Nam được chuẩn hoá, số hoá, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Đây được coi là số gốc để tìm kiếm thông tin chính xác cho bất kì công dân nào trong cơ sở dữ liệu quốc gia và dân cư, đảm bảo cho hoạt động quản lý của các ngành, lĩnh vực được hiệu quả hơn; đồng thời còn được sử dụng để thông tin cá nhân trong các cơ sở dữ liệu có mối liên kết chặt chẽ, góp phần tăng cường sự thống nhất về dữ liệu thông tin.

Trong mã số định danh cá nhân sẽ tích hợp rất nhiều thông tin của một công dân bao gồm họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi đăng ký khai sinh, dân tộc, quê quán, quốc tịch, thông tin của các thành viên trong gia đình...Có thể nói, nó được dùng làm căn cứ để phân biệt cá nhân này với cá nhân khác một cách đúng pháp luật nhất.

Trong khi đó, Khoản 1 Điều 3 Luật Căn cước công dân năm 2014 quy định căn cước công dân là thông tin cơ bản về lai lịch, nhân dạng của công dân theo quy định. Theo đó thì thẻ căn cước công dân được coi là giấy tờ tuỳ thân của công dân Việt Nam có giá trị chứng minh về lai lịch, nhân dạng của người được cấp thẻ để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.

Hiện nay, công dân Việt Nam chỉ được cấp thẻ Căn cước công dân trong trường hợp công dân từ đủ 14 tuổi trở lên đã đăng ký thường trú. Căn cứ để tính xem một người đang bao nhiêu tuổi là dựa vào ngày, tháng, năm sinh của công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Nếu như công dân chưa có thông tin về ngày, tháng, năm sinh trong cơ sở dữ liệu về dân cư mà muốn biết số tuổi thì phải dựa vào giấy khai sinh bản chính hoặc sổ hộ khẩu thì mới xác định đúng nhất ngày, tháng, năm sinh của người đó.

Công dân có quyền được cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân theo quy định pháp luật nhưng số trên thẻ căn cước là không đổi. Số thẻ căn cước công dân là số tồn tại duy nhất mà công dân đó được cơ quan có thẩm quyền cấp. Trong trường hợp, công dân chuyển nơi đăng ký thường trú sang các tỉnh, thành phố khác để sinh sống thì dãy số này cũng sẽ không bị thay đổi.

Pháp luật tại khoản 2 Điều 19 Luật Căn cước công dân năm 2014 khẳng định rằng số định danh cá nhân chính là số thẻ căn cước công dân. Cũng đồng tình với quy định này thì Điều 5 của Thông tư 59/2021/TT-BCA nêu lên rằng vai trò và ý nghĩa của số định danh cá nhân và số thẻ căn cước công dân là như nhau. Cụ thể :

+ Số căn cước công dân, số định danh cá nhân đã có trong Giấy khai sinh của công dân thì sẽ được xác định luôn là số định danh cá nhân của công dân đó.

+ Giấy khai sinh đã có số định danh cá nhân thì sẽ sử dụng thông tin về số căn cước công dân, số định danh cá nhân trong giấy khai sinh và các thông tin trên thẻ Căn cước công dân, giấy khai sinh để tiến hành các giao dịch với các cơ quan, tổ chức, các nhân có liên quan.

Có nghĩa là mã định danh là số thẻ hiện trên dãy số trên căn cước công dân đối với những công dân đã có căn cước công dân. Còn đối với những công dân chưa có căn cước công dân thì mã số định danh chính là mã số được cấp và ghi trên giấy khai sinh. Như vậy, khi một công dân đủ 14 tuổi, cũng chính là đã độ tuổi đủ để làm căn cước công dân thì mã số này chính là số căn cước công dân. Đối với trẻ em thì mã số định danh được in trực tiếp trên giấy khai sinh và thường gọi là mã khai sinh.

Cách tra mã số định danh cá nhân nhanh chóng

so-dinh-danh-ca-nhan-2

+ Đối với người có căn cước công dân gắn chíp

Cách kiểm tra mã số định danh cá nhân trong trường hợp này rất đơn giản. Đối với những người đã có căn cước công dân gắn chip thì số định danh cá nhân chính là dãy số gồm 12 chữ số được in trên căn cước công dân gắn chip.

+ Đối với người chưa có căn cước công dân gắn chíp

Để tìm số định danh cá nhân của mình, bạn có thể thực hiện theo các bước hướng dẫn sau:

Bước 1: Truy cập vào Cổng dịch vụ công quản lý cư trú của Bộ công an tại địa chỉ https://dichvucong.dancuquocgia.gov.vn/ và sau đó chọn “Đăng nhập” ở góc bên phải màn hình.

Bước 2: Chọn loại tài khoản bạn muốn đăng nhập.

Bước 3: Sau đó, chọn hình thức Đăng nhập là Tài khoản được cấp bởi Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Tài khoản cấp bởi Bưu điện Việt Nam.

Bước 4: Tiến hành đăng nhập, nếu bạn chưa có tài khoản thì tiến hành đăng ký.

Bước 5: Chọn Thông báo lưu trú ở cuối trang.

Bước 6: Xem số định danh cá nhân.

+ Tra cứu số định danh cá nhân cho trẻ em

Theo quy định tại Điều 14 và 15 của Nghị định 137/2015/NĐ-CP, công dân được cấp số định danh cá nhân khi:

- Đăng ký khai sinh

- Làm căn cước công dân

Theo quy định trên, hiện nay trẻ em đều được cấp mã định danh cá nhân khi từ khi đăng ký khai sinh. Tuy nhiên, trẻ em là đối tượng chưa được cấp thẻ CMND/CCCD nên không tạo được tài khoản Dịch vụ công Quốc Gia và không thể thực hiện việc tra cứu số định danh cá nhân trên mạng.

Vì vậy, để tìm số định danh cá nhân cho trẻ em, các bậc phụ huynh có thể xem trực tiếp trên giấy khai sinh của trẻ. Mã số định danh bao gồm 13 số đã được in sẵn trên giấy khai sinh của trẻ.

Trong trường hợp phụ huynh không tìm thấy số định danh cá nhân của trẻ trên giấy khai sinh thì cần liên hệ đến công an tại khu vực nơi đã đăng ký giấy khai sinh cho trẻ để được cung cấp. Lưu ý: Khi đi, phụ huynh cần mang theo giấy khai sinh của con để xuất trình cho cán bộ công an kiểm tra, xác thực.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.com.vn copy link