Sang 2024: Có 6 trường hợp bắt buộc phải làm lại CCCD gắn chip dù còn hạn sử dụng

( PHUNUTODAY ) - Theo quy định, sang năm 2024, sẽ có 6 trường hợp bắt buộc phải đi làm lại thẻ CCCD dù vẫn còn hạn, nếu không sẽ bị phạt nặng.

Thẻ căn cước công dân gắn chip là một loại giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam, đóng vai trò thiết bị nhận diện, xác thực danh tính và chìa khóa truy cập thông tin công dân trong hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia.

cccd2

6 trường hợp bắt buộc phải làm lại CCCD trong năm 2024

Căn cứ quy định tại Điều 23 Luật Căn cước công dân (CCCD), các trường hợp thẻ CCCD còn hạn nhưng bị mất giá trị sử dụng và phải đi đổi, cấp lại gồm:

- Thẻ Căn cước công dân đang sử dụng bị hư hỏng không sử dụng được;

- Công dân đã thay đổi thông tin về họ tên, ngày - tháng - năm sinh, đặc điểm nhận dạng;

- Công dân xác định lại quê quán, giới tính;

- Có sai sót về thông tin trên thẻ Căn cước công dân;

- Bị mất thẻ Căn cước công dân;

- Được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật quốc tịch Việt Nam.

Trong năm 2024, nếu thẻ Căn cước công dân còn hạn nhưng thuộc một trong các trường hợp trên, người dân vẫn phải đi đổi thẻ Căn cước mới.

Theo quy định, nếu người dân sử dụng CCCD không đúng quy định của pháp luật thì sẽ bị phạt, cụ thể:

Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

  • a) Không xuất trình Giấy chứng minh nhân dân, CMND, thẻ CCCD hoặc Giấy xác nhận số CMND khi có yêu cầu kiểm tra của người có thẩm quyền;
  • b) Không thực hiện đúng quy định của pháp luật về cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD;
  • c) Không nộp lại Giấy chứng minh nhân dân, CMND hoặc thẻ CCCD cho cơ quan có thẩm quyền khi được thôi, bị tước quốc tịch, bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam; không nộp lại Giấy chứng minh nhân dân, CMND hoặc thẻ CCCD cho cơ quan thi hành lệnh tạm giữ, tạm giam, cơ quan thi hành án phạt tù, cơ quan thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

  • a) Chiếm đoạt, sử dụng Giấy chứng minh nhân dân, CMND, thẻ CCCD hoặc Giấy xác nhận số CMND của người khác;
  • b) Tẩy xóa, sửa chữa hoặc có hành vi khác làm sai lệch nội dung của Giấy chứng minh nhân dân, CMND, thẻ CCCD hoặc Giấy xác nhận số CMND;
  • c) Hủy hoại, cố ý làm hư hỏng Giấy chứng minh nhân dân, CMND, thẻ CCCD hoặc Giấy xác nhận số CMND.

Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

  • a) Làm giả, sử dụng giấy tờ, tài liệu, dữ liệu giả để được cấp Giấy chứng minh nhân dân, CMND, thẻ CCCD hoặc Giấy xác nhận số CMND;
  • b) Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật để được cấp Giấy chứng minh nhân dân, CMND, thẻ CCCD hoặc Giấy xác nhận số CMND.

Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

  • a) Làm giả Giấy chứng minh nhân dân, CMND, thẻ CCCD hoặc Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
  • b) Sử dụng Giấy chứng minh nhân dân, CMND, thẻ CCCD hoặc Giấy xác nhận số CMND giả;
  • c) Thế chấp, cầm cố, nhận cầm cố Giấy chứng minh nhân dân, CMND hoặc thẻ CCCD;
  • d) Mua, bán, thuê, cho thuê Giấy chứng minh nhân dân, CMND hoặc thẻ CCCD;

đ) Mượn, cho mượn Giấy chứng minh nhân dân, CMND, thẻ CCCD để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật.

Ngoài hình thức phạt cảnh cáo, phạt tiền nêu trên, các hành vi vi phạm liên quan đến cấp, quản lý, sử dụng CCCD/CMND còn bị xử phạt bổ sung và bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định.

cccd

Luật Căn cước gồm 7 chương 46 điều, có hiệu lực từ 1/7/2024

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, sáng 27/11, với 431 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 87,25%), Quốc hội đã thông qua Luật Căn cước.

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này

Luật gồm 7 chương 46 điều quy định về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước; thẻ căn cước, căn cước điện tử; giấy chứng nhận căn cước; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Luật này áp dụng đối với công dân Việt Nam; người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Bên cạnh việc thu thập vân tay, Luật đã bổ sung quy định thu thập mống mắt trong thông tin căn cước để làm cơ sở đối soát và xác thực thông tin của mỗi cá nhân; hỗ trợ trong những trường hợp không thu nhận được vân tay của một người.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.com.vn copy link