Vào khoảng 6h sáng ngày 20/2, tại khu vực đường Võ Nguyên Giáp, đoạn trước nhà ga vận chuyển hàng hóa T1 (sân bay Nội Bài) đã xảy ra một vụ tai nạn giữa xe đầu kéo và xe ô tô hiệu Mazda 3 khiến 2 người phụ nữ bị thương nặng.
Theo đó, vào thời điểm trên, một người đàn ông điều khiển chiếc xe ô tô Mazda 3 chở theo vợ và bạn đến trước nhà ga vận chuyển hàng hóa T1 thì va chạm với một xe đầu kéo.
Vụ va chạm trên khiến 2 người phụ nữ ngồi trên xe Mazda 3 bị thương nặng phải nhập viện cấp cứu. Tại hiện trường, phần đuôi xe chiếc xế hộp bẹp dúm, nhiều mảnh vỡ vương vãi khắp nơi.
Trao đổi với PV Đời Sống Plus, trung tá Lê Văn Duyển (Đội trưởng Đội CSGT số 15 – Công an TP Hà Nội) cho biết: "Nhận được tin báo, đơn vị đã phối hợp cùng cơ quan chức năng để phân luồng giao thông. Còn vụ việc do Công an huyện Sóc Sơn thụ lý, hiện vẫn đang điều tra nguyên nhân vụ tai nạn".
Theo thông tin mới nhất từ Công an huyện Sóc Sơn, tài xế xe đầu kéo được xác định là Nguyễn Văn Dũng (SN 1986, trú tại Phù Yên, Sơn La). Người điều khiển chiếc mazda 3 là ông Phạm Văn D. (SN 1949, Hà Đông, Hà Nội). Hai người phụ nữ đi cùng ông D. là bà Nguyễn Thị N. (SN 1949, vợ ông) và bà Nguyễn Thị C. (SN 1945, trú tại Vạn Phúc, Hà Đông).
Dù được đi cấp cứu ngay nhưng bà C. đã tử vong tại Bệnh viện Đa khoa huyện Sóc Sơn.
Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy các mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã nêu rõ các mức phạt cho từng đối tượng.
1. Đối với người điều khiển, người ngồi trên xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô
Theo quy định tại điểm b khoản 7 điều 5 của Nghị định: “Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với người điều khiển xe gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn.”
2. Đối với người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy
Khoản c điểm 7 Điều 6 Nghị định quy định “phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn;”
3. Đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng
Điều 7 Nghị định quy định: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn.
4. Đối với người điều khiển, người ngồi trên xe đạp, xe đạp máy, người điều khiển xe thô sơ khác
Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi vi phạm sau đây: Gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn;
Ngoài các mức phạt hành chính trên thì người gây ra tai nạn mà bỏ trốn còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 202 Bộ luật Hình sự năm 1999
1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định;
b) Trong khi say rượu hoặc say do dùng các chất kích thích mạnh khác;
c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;
d) Không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;
đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Chú ý: Thông tin pháp lý trong phần in nghiêng này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo