Cà chua là một thành phần quan trọng của rất nhiều món ăn và cũng là nguyên liệu luôn có sẵn trong nhà bếp. Nhưng có một điều ai cũng dễ dàng phát hiện ra đó là cà chua bây giờ cứng hơn ngày xưa, nó không hề dễ dập nát và lâu hỏng. Nguyên nhân vì sao?
Tại sao cà chua bây giờ lại cứng hơn ngày xưa và không dễ dập nát, lâu hỏng?
Ngày nay, việc ứng dụng các thành tựu mới về khoa học trong nông nghiệp đã giúp nhiều loại rau củ quả vốn chỉ được thu hoạch ở trong một thời gian nhất định đã trở thành sản phẩm đã có quanh năm và cà chua cũng vậy.
Nhiều người phát hiện ra cà chua bây giờ cứng hơn ngày xưa rõ rệt. Nếu như nhiều năm trước, cà chua là một loại quả phải "nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa", dù có nhẹ nhàng đến đâu thì nếu cứ qua tay nhiều người chắc chắn sẽ bị dập nát. Nếu xác định mua cà chua chợ chiều là chắc chắn chỉ còn những quả dập.
Trong khi đó, cà chua hiện nay cho dù đã trải qua nhiều khâu trung gian trước khi đến tay người tiêu dùng thì hầu như vẫn nguyên vẹn cứng cáp. Nhiều khách hàng chọn lên chọn xuống nhưng nó vẫn không hề bị nhũn quá mức. Khi bảo quản ở nhiệt độ thường hay trong tủ lạnh, cà chua ngày nay dường như bảo quản được thời gian lâu hơn thay vì thối mốc rất nhanh như ngày xưa.
Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này
Cụ thể:
+ Thứ nhất là về giống:
Hiện nay nhu cầu vận chuyển hàng hóa ở khoảng cách xa và được tiêu thụ trong thời gian dài đòi hỏi phải có những loại giống cà chua quả cứng, lâu hỏng. Nền sản xuất nông nghiệp hiện đại hiện đã nỗ lực vận dụng khoa học kỹ thuật có thể đáp ứng điều này.
Các giống cà chua ngày nay đã được lai tạo để có khả năng chịu đựng tốt hơn sự va đập trong quá trình vận chuyển cũng như bảo quản và bán hàng. Chúng có lớp vỏ dày hơn và cấu trúc cũng chắc chắn hơn, khó bị dập nát trong quá trình vận chuyển. Cà chua giống mới hiện nay cũng kháng bệnh tốt hơn, ít bị ảnh hưởng hơn bởi các loại vi khuẩn, nấm mốc nên kéo dài được thời gian bảo quản.
+ Thứ hai là cà chua được thu nhập sớm hơn
Một lý do khiến cà chua ngày nay cứng hơn đó là chúng được thu hoạch sớm. Đến khi chín, chắc chắn hàm lượng tinh bột không cao như cà chua được chín tự nhiên nên cũng không mềm bằng. Sau khi thu hoạch, người ta sẽ dùng nhiệt độ thấp để làm chậm quá trình chín và cũng ngăn chặn được sự phát triển của vi khuẩn và nấm mốc. Con người sẽ điều chỉnh khí trong môi trường bảo quản để giảm thiểu sự hô hấp và quá trình chín của cà chua, vừa tránh mềm dập trước khi đưa đến tay người tiêu dùng, vừa giúp kéo dài hơn thời gian bảo quản.
Tuy vậy, cùng với việc gia tăng độ cứng và thời gian bảo quản, nhiều người cảm nhận rằng hương vị của cà chua ngày nay đã không còn đậm đà như trước. Hương thơm và vị ngọt tự nhiên của nó đều giảm. Nhưng một điều chắc chắn, cà chua vẫn là nguồn cung cấp vitamin C, A, K và một số khoáng chất cần thiết như kali, magiê. Hàm lượng chất chống oxy hóa như lycopene vẫn được duy trì ở mức cao. Đây là một thực tế, tuy nhiên, xét về cơ bản, cà chua vẫn là một thực phẩm giàu dinh dưỡng và vẫn là nguyên liệu quan trọng trong nấu nướng.