Tại sao tháng 1 âm lịch thường được gọi là tháng Giêng? Ai cũng dùng mà nhiều người không biết lý do

( PHUNUTODAY ) - Theo thói quen, nhiều người sẽ gọi tháng 1 âm lịch là tháng Giêng. Tuy nhiên, rất nhiều người không biết nguồn gốc của tên gọi này.

Các tháng âm lịch ngoài việc được gọi bằng số thì một số tháng còn có tên riêng. Chẳng hạn như tháng 7 âm lịch hay được gọi là tháng cô hồn, tháng 12 âm lịch được gọi là tháng Chạp, tháng 1 âm lịch được gọi là tháng Giêng. Trong đó, tháng 7 âm là tháng Diêm Vương mở cửa Quỷ Môn quan cho cô hồn trở về dương thế nên hay được mọi người gọi là tháng cô hồn. Tháng 12 âm là tháng Chạp được giải thích do chữ "chạp" là biến âm của chữ "lạp" trong tiếng Hán. Ngày xưa, vào dịp cuối năm, người ta hay tổ chức lễ tế thần. Lễ này được gọi là "lạp" nên tháng cuối cùng của năm âm lịch còn được gọi là Lạp nguyệt. Trong tiếng Hán, chữ "lạp" cũng có nghĩa là lễ tất niên. Vậy còn tháng 1 âm lịch thì sao?

thang-gieng-01

Tại sao tháng 1 âm lịch lại được gọi là tháng Giêng?

Theo các nhà nghiên cứu, chữ Giêng có bắt nguồn từ chữ Chính trong tiếng Hán. Với người Trung Quốc, tháng 1 âm lịch là tháng quan trọng. Tháng 1 âm lịch là tháng đầu tiên của năm nên được gọi là Chính nguyệt. Vần "inh" trong chữ "chính" khi được "Nôm hóa" hay bị đọc lệch thành vần "iêng". Chính tương đồng với từ chiếng. Qua thời gian, người ta đọc chệch âm thành giêng. Vì thế, người Việt gọi tháng 1 âm là tháng Giêng.

Một số điều cần chú ý trong tháng Giêng

Trong tháng Giêng có một lễ rất quan trọng, đó chính là Tết Nguyên đán. Nguyên có nghĩa là thứ nhất (nguyên trong nguyên thủ quốc gia, nguyên soái... cũng có ý nghĩa như vậy). Đặc biệt, trong âm lịch, tháng Giêng là tháng không bao giờ nhuận. Ở Việt Nam, đa số các lễ hội sẽ diễn ra trong tháng đầu tiên của năm âm lịch.

Trong tháng Giêng, người ta cũng kiêng kỵ làm rất nhiều việc, nhất là làm việc xấu bởi đây là tháng đầu tiên của năm mới, cần làm những điều tốt đẹp nếu không sẽ dông cả năm.

Rằm tháng Giêng là một ngày lễ vô cùng quan trọng. Vào ngày này, các gia đình sẽ chuẩn bị mâm cỗ cúng thịnh soạn để bày lên bàn thờ gia tiên, thần linh. Ngoài ra, một số người sẽ đi chùa lễ Phật để cầu bình an. Dân gian còn có câu "Cúng quanh năm không bằng cúng Rằm tháng Giêng" để nhấn mạnh vị trí quan trọng của ngày Rằm tháng Giêng.

* Thông tin mang tính chất tham khảo, chiêm nghiệm.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.com.vn copy link