Kết thúc một năm kinh tế khó khăn, buồn phiền lo lắng vì chuyện tiền bạc có thể nói là tâm trạng chung của nhiều người Việt. Vật giá leo thang vòn vọt nhưng thu nhập thì bị cắt giảm liên tục, khiến ai nấy cũng phải ngán ngẩm.
Những tưởng bước sang năm mới mọi thứ sẽ khá khẩm hơn thì bỗng một ngày đẹp trời người dân được một phen giật mình ngã ngửa khi có thông báo tăng giá cước.
Theo đó, cước thư vừa được cho phép tăng giá vì lý do...quá thấp so với khu vực.
Từ 15/2, giá dịch vụ thư cơ bản của Việt Nam sẽ tăng lên tùy theo khối lượng. |
Cụ thể, mức tăng giá cước dịch vụ thư cơ bản đến 20 gram sẽ điều chỉnh từ 2.000 đồng lên 3.000 đồng/thư; thư có khối lượng trên 20 - 100 gram là 4.500 đồng; trên 100 - 250 gram là 6.000 đồng/thư; mỗi 250 gram tiếp theo đến 2.000 gram được tính thêm cước là 2.000 đồng.
Theo tính toán của ngành bưu chính, cước dịch vụ cơ bản của Việt Nam hiện thấp hơn khoảng 4 - 16 lần so với các nước phát triển; 3 - 4 lần các nước trong khu vực. Trong khi đó, bắt đầu từ năm 2017, việc thanh toán cước đầu cuối giữa Việt Nam với các nước sẽ được thực hiện theo quy định mới. Như vậy những nước có mức giá cước dịch vụ thư cơ bản nội địa thấp sẽ không có lợi trong thanh toán cước đầu cuối quốc tế.
Chính vì vậy mà việc điều chỉnh giá cước dịch vụ thư cơ bản trong nước là không thể không thực hiện.
Có lẽ không cần phải giới thiệu nhiều mọi người cũng đã biết "tăng cho bằng khu vực" là lý do tăng giá cước dịch vụ được sử dụng nhiều nhất hiện nay. Thậm chí có những người còn quả quyết rằng lý do này sẽ còn được sử dụng trong nhiều năm tới nữa bởi sự "chuẩn không cần chỉnh" của nó.
Như cách đây không lâu các nhà mạng lớn của nước ta đã đồng loạt viện dẫn lý do này để tăng giá cước 3G trung bình khoảng 40%, thậm chí có gói cước tăng 300%. Lý giải về việc tăng giá này, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son cho rằng, nâng giá cước viễn thông là để bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh vì không được bán dưới giá thành.
Bộ trưởng Son dẫn chứng, hiện giá cước ở VN thấp hơn 34,9 % so với trong khối ASEAN và 34-57% so với khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đồng thời, tuy đã tăng nhưng giá cước cũng chỉ mới bằng 50% giá thành.
Hay như với giá điện, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt khung giá bán lẻ điện bình quân. Theo đó giá bán lẻ điện bình quân từ năm 2013-2015 (chưa tính thuế VAT) sẽ từ 1.437-1.835 đồng/kWh. Như vậy so với mức bình quân hiện nay (1.508,85 đồng/kWh) áp dụng từ ngày 1/8, giá điện bình quân tối đa đến năm 2015 sẽ tăng gần 22%.
Theo lãnh đạo Bộ Công thương, giá điện của Việt Nam hiện nay đang thấp, chưa khuyến khích được đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài vào ngành điện để đảm bảo nhu cầu điện trong tương lai có thể tăng cao.
Quý vị thử nghĩ mà xem, ở một đất nước có tiếng chịu chơi, chơi ngông như Việt Nam, việc mua sắm các mặt hàng đẳng cấp như hàng hiệu, smartphone, siêu xe, thậm chí cả siêu giường đã từng khiến thế giới phải trầm trồ thán phục thì có lý do gì lại để một số giá cước dịch vụ thấp hơn khu vực?
Cho nên mọi người cứ đợi đi, với cái lý do tuyệt đối đúng đắn ấy, rồi thì tất cả các loại giá cước sẽ đua nhau tăng ầm ầm cho mà xem. Nếu chưa bằng giá khu vực thì phải phấn đấu ngang ngửa, còn nếu hơn giá khu vực rồi thì lại phấn đấu cho bằng, thậm chí là hơn hẳn giá quốc tế.
Có thể nói không ngoa rằng ở nước ta đang diễn ra một cuộc đua giá cước vô cùng quyết liệt với khu vực. Cuộc đua căng thẳng đến độ mà nếu ngành nào chưa kịp tăng giá dịch vụ trong nước ngang bằng khu vực thì cứ gọi là bứt rứt, ăn không ngon, ngủ không yên. Rồi thì phải tìm đủ mọi cách để nâng giá cho bằng được thì thôi.
Rất nhiều người chỉ mới thấy thế đã vội hờn trách, phê phán các đơn vị kinh doanh dịch vụ là chỉ biết mải chạy theo việc tăng giá mà không chịu chú trọng tăng dịch vụ. Thế nhưng như các cụ xưa đã nói, ở ta nhiều người hay "kém miếng khó chịu" cho nên thấy giá cước của mình thấp là kiểu gì cũng phải tăng lên. Còn chất lượng dịch vụ thế nào thì cứ để sau tính tiếp.
Nhìn cuộc đua quyết liệt trong việc tăng giá cước dịch vụ với khu vực ở nước ta, những tưởng người Việt phải thấy rất phấn chấn vì tinh thần quyết chiến quyết thắng thể hiện trong đó. Thế nhưng hầu hết mọi người thở dài ngao ngán bởi giá cả tăng ngang khu vực nhưng thu nhập lại...tụt hậu cả trăm năm.
Trong khi giá dịch vụ tăng ngang khu vực nhưng thu nhập lại...tụt hậu cả trăm năm. |
Mới đây tại Diễn đàn Quan hệ Đối tác phát triển Việt Nam (VDPF), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra con số về thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam hiện nay, vào khoảng 1.960 USD trong năm 2013. Con số này so với mức thu nhập bình quân của thế giới thì khoảng cách còn ở quá xa.
Cụ thể thu nhập bình quân đầu người ở Mỹ là khoảng 50.000 USD, con số này ở Anh là khoảng 41.000 USD. Còn nếu so với các nước trong khu vực Việt Nam đã và đang tụt hậu so với Indonesia là 50 năm, so với Thái Lan là hơn 90 năm và so với Singapore là trên 150 năm.
Trong khi giá cước quyết liệt thi đua cho bằng anh bằng em trong khu vực, thì thu nhập của người Việt lại cứ ì ạch, chậm rãi. Thật chẳng biết đến khi nào đến khi nào thu nhập của người Việt mới có thể hướng mục tiêu "bằng khu vực"?