Chia thưởng ở Việt Nam, bao giờ cho đến ngày công bằng?

12:45, Thứ bảy 18/01/2014

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Dù quý vị có bức xúc thay cho các cô gái của tuyển nữ Việt Nam đến mấy thì cũng cố nhịn, gắng chấp nhận đi. Việc chia thưởng từ xưa đến nay đâu thể làm vừa lòng hết tất cả mọi người. Lãnh đạo vui thì nhân viên ít thưởng, nhân viên vui vì thưởng cao thì có lẽ ... khó xảy ra.

Với tấm HC bạc SEA Games 27 vừa qua, tuyển nữ vừa nhận 3 tỷ đồng tiền thưởng từ VFF. Sau khi trừ thuế, 2,7 tỷ đồng còn lại sẽ được chia hết cho các thành viên trong đội, gồm HLV, cầu thủ, ban huấn luyện, bác sĩ, lãnh đội… Theo nguyên tắc, tiền thưởng sẽ được chia theo 4 mức A, B+, B và C. Cụ thể, người xếp loại A được thưởng 125 triệu đồng, loại B+ là 108 triệu đồng, loại B nhận 98 triệu đồng và loại C có 48 triệu đồng.

Quả thực, người hâm mộ đã rất mừng cho tuyển nữ Việt Nam bởi sau những nỗ lực và cố gắng không mệt mỏi, các cầu thủ đã nhận được phần thưởng xứng đáng.

Thế nhưng, chưa kịp mừng vì được thưởng khoản tiền lớn lên đến 3 tỷ đồng, không ít các tuyển thủ nữ quốc gia đã bức xúc vì cách chia thưởng thiếu công bằng trong đội.

Sau khi mức thưởng được công bố cho toàn đội, không ít cầu thủ tỏ ra vô cùng bức xúc. Nguyên nhân là từ chuyện lãnh đội Phan Anh Tú được nhận 98 triệu đồng tiền thưởng. Các học trò của HLV Trần Vân Phát cho rằng ông trưởng ban bóng đá nữ VFF không xứng với số tiền thưởng trên bởi ông không có đóng góp gì lớn.

Cách chia tiền thưởng khiến nhiều tuyển thủ nữ bức xúc
Cách chia tiền thưởng khiến nhiều tuyển thủ nữ bức xúc (Ảnh minh họa)

Nỗi bức xúc của các cầu thủ là có lý bởi ông Phan Anh Tú không đi tập huấn gian khổ cùng các cầu thủ, chỉ tới Myanmar ngồi mấy ngày cho "đủ mâm". Theo tiết lộ của một số thành viên trong đội, ngay khi ĐT nữ Việt Nam về tới sân bay Nội Bài, lãnh đội Phan Anh Tú đã bàn chuyện chia thưởng và tự nhận mình là loại A. Vấp phải sự phản ứng quá dữ dội, vị trưởng ban bóng đá nữ VFF mới "rút" xuống loại B.

Hơn nữa, đây không phải là lần đầu tiên ông Phan Anh Tú được "thơm lây" từ những khoản thưởng nóng của đội tuyển nữ. Trước đó, sau khi lọt vào vòng chung kết Asian Cup 2014, đội nữ được thưởng một tỷ đồng, ông Tú cũng được lĩnh khoảng 30 triệu đồng - ngang bằng với những cầu thủ đá chính.

Trước những thông tin về việc chia thưởng không công bằng với tuyển bóng đá nữ, rất nhiều người hâm mộ đã lên tiếng phản đối, thậm chí yêu cầu chia thưởng lại. Quả thực, chứng kiến các cô gái đã phải gian khổ tập luyện, cắn răng chịu đủ mọi thiệt thòi từ lương thưởng đến chế độ từ trước đến nay, nhiều người không đành lòng để họ phải chịu thiệt thòi thêm nữa.

Thế nhưng, thay vì ủng hộ việc chia lại, không ít người đã cười khẩy và gạt phắt đi. Bởi họ cho rằng, trên thực tế những chuyện trái khoáy, bất công trong việc khen thưởng ở ta đâu phải là chuyện hiếm có, khó tìm.

Chẳng thế mà tại phiên họp thứ 52 của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Phó Chủ tịch Hội đồng TĐKTTƯ, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng đã thẳng thắn nhận xét: "Mỗi năm có hàng triệu công nhân, lao động tham gia tích cực vào các phong trào thi đua lao động sản xuất, đóng góp to lớn vào phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Nhưng khi tổng kết, khen thưởng thì chủ yếu các danh hiệu, phần thưởng thi đua lại thuộc về cán bộ lãnh đạo. Đề nghị phải chú trọng hơn việc khen thưởng cho công nhân, người lao động trực tiếp…”.

Nhắc lại đây để quý vị thấy rằng việc người lao động thi đua chăm chỉ, làm việc quần quật cả ngày nhưng cuối năm người rạng rỡ nhận bằng khen, được vinh danh lại là lãnh đạo chẳng khác nào là "thường ngày ở huyện". Đến cái chuyện người này làm, người kia hưởng còn có thì việc thưởng phạt thiếu công bằng có gì đâu mà mọi người cứ làm ầm lên.

Mà chưa hết đâu nhé, những chuyện hay trong việc khen thưởng ở ta vẫn còn nhiều thứ hay ho lắm. Đặc sắc hàng đầu phải kể đến việc ngành giao thông đề xuất thưởng 180 tỷ đường vượt tiến độ nhưng ... bị lún.

Theo đó, Bộ Giao thông vận tải đã quyết định thưởng gần 180 tỉ đồng của Ban Quản lý dự án (PMU) Thăng Long cho các nhà thầu thi công dự án Vành đai 3 trên cao đoạn Mai Dịch - Bắc hồ Linh Đàm (giai đoạn 2), mức thưởng tương đương 10% giá trị làm lợi từ việc rút ngắn tiến độ hoàn thành dự án. Việc đề xuất thưởng của PMU Thăng Long không được dư luận đồng tình vì đoạn đường này đang bị lún kéo dài, lớp bê tông nhựa thảm mặt đường bị biến dạng. Mặc dù, Bộ GTVT cho rằng lún là do quá tải nhưng dư luận vẫn đặt câu hỏi nghi ngờ chất lượng công trình.

Cho nên, dù quý vị có bức xúc thay cho các cô gái của tuyển nữ Việt Nam đến mấy thì cũng cố nhịn, gắng chấp nhận đi. Việc chia thưởng từ xưa đến nay đâu thể làm vừa lòng hết tất cả mọi người. Lãnh đạo vui thì nhân viên ít thưởng, nhân viên vui vì thưởng cao thì có lẽ ... khó xảy ra.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: Phạm Đông