Trong văn hóa Việt, tết Thanh Minh là dịp con cháu tri ân, bày tỏ lòng thành kính với ông bà tổ tiên. Năm 2024, tết Thanh Minh là ngày nào và cần đặc biệt lưu ý điều gì để tránh vận xui đeo bám.
Ý nghĩa của tết Thanh Minh
Tết Thanh Minh còn được biết đến là tiết Thanh Minh, là tiết thứ năm trong nhị thập tứ khí. Theo nghĩa đen, chữ Thanh có nghĩa là thanh khiết, thanh lọc, còn chữ Minh thì mang nghĩa là sáng sủa, tươi sáng. Vì thế, tết Thanh Minh có thể hiểu là ngày trong lành quang đãng.
Trong văn hóa dân gian ta từ ngàn đời xưa, Tết Thanh Minh còn mang ý nghĩa là ngày giỗ chung của cả nước, là ngày thế hệ con cháu hướng về nguồn cội tổ tiên. Vào ngày này, mọi người trong gia đình quây quần, tụ họp cùng nhau dâng mâm cúng, quét dọn, sửa sang phần mộ gia đình (cả những nấm mồ vô chủ), thể hiện lòng thành kính, tôn trọng với ông bà tổ tiên đã khuất, cầu mong gia đạo bình an. Hơn nữa, theo văn hoá Việt, đây cũng được xem là dịp mọi người trong nhà tụ họp, gắn kết tình cảm gia đình, dạy cho con cháu đời sau những truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Tết Thanh Minh 2024 là ngày nào?
Ngày tết Thanh Minh không có ngày cố định và được quy ước là ngày đầu tiên trong tiết Thanh Minh. Tiết Thanh Minh sẽ bắt đầu sau ngày Lập Xuân khoảng 45 ngày và sau ngày Đông là 105 ngày, nên thường rơi vào khoảng ngày 04/04 hoặc ngày 05/04 và kết thúc khoảng ngày 20/04 hoặc 21/04 (tính theo lịch dương), kéo dài trong khoảng 15 - 16 ngày. Vì vậy, theo cách tính trên, tết Thanh Minh trong năm 2024 sẽ rơi vào ngày 04/04/2024 dương lịch tức ngày 26/02 Giáp Thìn.
Những lễ vật cần chuẩn bị khi cúng Thanh Minh
Tết Thanh Minh là một ngày lễ quan trọng thể hiện nét đẹp văn hóa, tín ngưỡng thờ cúng được truyền từ ngàn đời xưa, nên rất được mọi người chú trọng. Vì vậy, một mâm cúng chỉn chu là điều cần thiết, không cần quá xa hoa chỉ cần mâm cúng tươm tất theo khả năng của từng gia đình, là đủ để bày tỏ lòng tri ân, tưởng nhớ những người đã khuất.
Các lễ vật thường xuất hiện khi cúng Thanh Minh thường sẽ có: Đèn, chè, hoa, quả, hương, rượu, nước trong, tiền vàng, trầu cau, mâm cỗ chay hoặc mâm cỗ mặn,… tùy theo chuẩn bị của gia đình.
+ Cúng ở mộ phần tổ tiên
Gia đình cần sắp xếp lễ vật ngay ngắn, cần thận như phần lễ mặn nên đặt riêng, còn tiền vàng, hoa quả đặt chung. Khi hành lễ cần thắp đầy đủ nhang, đèn ở tất cả các bát hương (chỉ nên cắm 1 hoặc 3 nén hương), vái 3 lần với quan thổ công, thổ địa, mới tiến hành mời gia tiên về nhà, rồi bắt đầu đọc văn khấn. Sau đó, tiến hành dọn dẹp mộ phần và khoản tuần hương cháy được 2/3, gia đình tạ lễ, dọn đồ cúng, hóa vàng, xin lộc, ra về.
+ Cúng tại nhà
Gia đình cần dọn dẹp nơi thờ cúng sạch sẽ và nhà cửa ngăn nắp, sạch đẹp trước khi làm lễ. Mâm lễ cúng chuẩn bị đầy đủ, theo nhu cầu của gia đình, cũng có thể chỉ thắp hương và chuẩn bị các đồ cúng đơn giản. Người làm lễ cần ăn mặc gọn gàng, lịch sự, thành kính thắp hương, vái lạy và đọc to rõ văn khấn. Sau khi cháy hết 1 tuần hương, gia đình hóa vàng và xin lộc.
Những lưu ý ngày tết Thanh Minh
Khi đi làm lễ vào ngày tết Thanh Minh, bạn cần tránh phạm phải các vấn đề sau để không gặp vận xui, gây ảnh hưởng đến phúc khí:
+ Nếu phụ nữ đang trong kỳ kinh nguyệt, hay bị bệnh phong hàn thấp khớp, và đặc biệt là phụ nữ mang thai, thì không nên đi tảo mộ. Vì cơ thể họ yếu dễ bị nhiễm khí lạnh, độc hại và năng lượng xấu ở khu vực nghĩa trang.
+ Khi đi tảo mộ, bạn nên giữ thái độ trang nghiêm, lịch sự không đùa giỡn, giẫm đạp, hay đá đồ cúng của người khác, và không được chỉ trỏ vào mộ phần của người khác, vì sẽ bị vận xui đeo bám và là hành vi không tôn trọng người đã khuất.
+ Hạn chế chụp ảnh kỷ niệm khi đi tảo mộ để thể hiện sự tôn trọng với không gian thiêng liêng.
+ Trước khi tiến hành dọn dẹp hay sửa sang phần mộ của tổ tiên, bạn cần phải thắp nhang xin phép. Sau đó, cần dọn dẹp cỏ dại, quét bụi bẩn, sửa sang cẩn thận tránh côn trùng, động vật nhỏ bò vào. Bên cạnh đó, bạn có thể trồng thêm cây và hoa mới, đắp thêm đất cho mộ tổ tiên.
+ Khi dâng cúng trái cây và hoa, bạn cần chọn loại tươi và số lượng vật phẩm phải là số lẻ.