Đại biểu tình ngày 9/12/2013 do ông Suthep cầm đầu bao vây Phủ Thủ tướng.
Đây là vụ án được Cục Điều tra các vụ án đặc biệt (DSI) điều tra xem xét về trách nhiệm của hai nhân vật này hồi năm 2010. Khi đó ông Abhisit Vejjajiva với cương vị là Thủ tướng và ông Suthep Thaugsuban là Phó Thủ tướng kiêm Giám đốc Trung tâm xử lý tình trạng khẩn cấp, một cơ cấu cao nhất được lập ra nhằm đối phó với cuộc biểu tình bạo động dữ dội của Mặt trận Dân chủ chống độc tài (UDD - hay còn gọi là những người Áo Đỏ). Quân đội ra tay trấn áp người biểu tình đã được phép sử dụng đạn thật sau khi việc thương lượng nhằm giải tán cuộc biểu tình thất bại. Hơn 90 người bao gồm cả binh sỹ, nhà báo và người biểu tình đã chết, khoảng 2 ngàn người bị thương.
Ông Abhisit tới tòa án hôm nay 12/12.
Cựu Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva có mặt theo lệnh triệu tập của Viện Công tố ngày hôm nay để trình diện trước tòa. Cựu Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva đã bị truy tố về tội giết người liên quan tới vụ quân đội trấn áp các cuộc biểu tình phản đối chính phủ gây chết người hàng loạt tại Bangkok ba năm trước.
Vụ trấn áp người biểu tình dưới chính quyền cựu Thủ tướng Abhisit đã khiến hơn 90 người chết và gần 1.900 người bị thương, chủ yếu là những người biểu tình áo đỏ ủng hộ ông Thaksin.
Bản cáo trạng được đưa ra trong bối cảnh tình hình chính trị Thái Lan đang gia tăng căng thẳng do những người biểu tình ủng hộ đảng đối lập của ông Abhisit đang tìm cách lật đổ Thủ tướng Yingluck Shinawatra và xóa bỏ ảnh hưởng của anh trai bà, cựu Thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra.
Các Công tố viên đã cáo buộc cựu Thủ tướng Abhisit và cựu Phó thủ tướng Suthep Thaugsuban đã ra lệnh cho lực lượng an ninh thực hiện vụ giết người và âm mưu giết người.
Cựu Thủ tướng Abhisit khẳng định ông vô tội và đã mô tả những cáo buộc chống lại ông là động cơ chính trị.
Suthep, lãnh đạo phe biểu tình cũng phải đối mặt với cáo buộc giết người và lệnh bắt giữ, đã yêu cầu tòa án hoãn phiên điều trần của mình. Theo luật Thái Lan, đề nghị trì hoãn trình diện có thời hạn lâu nhất là 30 ngày với sự chấp thuận của Viện Công tố.
Ông Suthep Thaugsuban hiện còn đối mặt với lệnh bắt của Tòa hình sự với tội danh “phản loạn” khi chủ mưu kêu gọi nổi loạn, phá hoại thể chế khi tổ chức cuộc biểu tình bạo động chống chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra. Mới đây còn bị kiện với tội danh “phạm thượng” vì đã kêu gọi Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra bất tuân sắc lệnh giải tán Hạ viện và tổ chức tổng tuyển cử mà Nhà Vua đã phê chuẩn. Cựu Phó thủ tướng này hiện đang dẫn đầu các cuộc biểu tình phản đối hàng loạt chống lại Thủ tướng Yingluck.
Các bị cáo cũng có thể thế chấp tài chính để tại ngoại trong quá trình xét xử nếu được tòa cho phép.