Thi tốt nghiệp THPT 2018: Bộ GD&ĐT chính thức chốt phương án thi THPT quốc gia năm 2018

19:30, Thứ năm 28/09/2017

( PHUNUTODAY ) - Bộ GD&ĐT khẳng định từ năm 2018 đến 2020, kỳ thi THPT quốc gia được giữ ổn định như năm 2017.

Sau 3 năm thực hiện đổi mới, đến nay phương thức tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) đã đạt được những mục tiêu cơ bản, được xã hội đồng tình đánh giá cao. Do vậy, phương thức tổ chức Kì thi THPT quốc gia trong các năm tới sẽ được giữ ổn định như năm 2017.

Để nâng cao hơn nữa chất lượng Kỳ thi và công tác tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy, Bộ GD&ĐT thông báo một số chủ trương sẽ thực hiện theo lộ trình là tiếp tục xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa, nâng cao độ phân hóa của đề thi theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và từng bước định hướng nội dung theo lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

Thi_xong_mon_Anh_Van_7

  Thí sinh sau giờ thi THPT quốc gia năm 2017. Ảnh: Anh Tuấn.

Trong các năm 2018, 2019 và 2020, việc tổ chức các bài thi, môn thi sẽ được giữ ổn định như năm 2017. Từ năm 2021 trở đi, các bài thi, môn thi được thiết kế phù hợp với lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới; nếu điều kiện cho phép có thể tổ chức cho thí sinh làm bài thi trên máy tính.

Rà soát, qui hoạch lại hệ thống các trường sư phạm; đổi mới phương thức xác định chỉ tiêu tuyển sinh đối với nhóm ngành/ngành đào tạo giáo viên dựa trên nhu cầu sử dụng giáo viên của các địa phương và điều kiện đảm bảo chất lượng của từng trường; đồng thời triển khai các giải pháp đồng bộ khác để nâng cao chất lượng đào tạo, khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở các cấp bậc học.

Rà soát lại các nhóm đối tượng ưu tiên, khu vực ưu tiên để điều chỉnh mức điểm ưu tiên trong tuyển sinh cho phù hợp với điều kiện thực tế và thực hiện tốt hơn công bằng xã hội.

Bộ GD&ĐT yêu cầu các Sở GD&ĐT, Cục Nhà trường (Bộ Quốc phòng) và Cục Đào tạo (Bộ Công an) thông báo nội dung Công văn này đến các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý để tổ chức dạy học, chuẩn bị thi THPT quốc gia đạt kết quả tốt; các đại học, học viện, trường đại học, các trường cao đẳng đào tạo giáo viên quán triệt nội dung Công văn này để thực hiện tốt công tác phối hợp tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia và công tác tuyển sinh, đồng thời chủ động chuẩn bị phương án tuyển sinh phù hợp với lộ trình thực hiện kỳ thi THPT quốc gia nêu trên.

1

Để cải thiện việc thí sinh điểm cao vẫn trượt, điểm đầu vào sư phạm thấp, ngay từ đầu năm học mới, Bộ đã giao Cục Quản lý chất lượng tiếp tục triển khai xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa, tăng cường mức độ phân hóa cho đề thi. Bộ sẽ công bố đề thi minh họa trong thời gian tới để thí sinh tham khảo.

Về đào tạo giáo viên, những năm qua Bộ đã cắt giảm mạnh chỉ tiêu đào tạo giáo viên, dừng đào tạo cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm cho những người tốt nghiệp đại học muốn làm giáo viên THPT, dừng đào tạo từ xa các ngành sư phạm.

Từ năm 2018 trở đi, chỉ tiêu đào tạo sư phạm được giao trên cơ sở nhu cầu của các địa phương và năng lực, điều kiện đảm bảo chất lượng của từng trường. Mặt khác Bộ đang tiến hành qui hoạch lại các trường sư phạm, thống kê nhu cầu giáo viên ở tất cả các địa phương để có giải pháp tổng thể và đồng bộ nhằm giải quyết vấn đề thừa, thiếu cục bộ giáo viên các cập bậc học hiện nay.

Về về việc cộng điểm ưu tiên trong tuyển sinh, Bộ đã có buổi làm việc với đại diện Ủy ban Dân tộc, Hội đồng Dân tộc, Văn phòng Chính phủ, các Bộ, Ngành liên quan, các địa phương, các trường để tham khảo ý kiến về mức điểm ưu tiên phù hợp trong tuyển sinh. Sắp tới, những điều chỉnh này sẽ được đưa vào nội dung sửa đổi quy chế tuyển sinh.

chia sẻ bài viết
Theo:  khoevadep.com.vn copy link
Tác giả: Vũ Hồng Loan