Ngày Tết nhu cầu ăn uống của mọi nhà đều giống nhau, coi những ngày này phải "xoã", nên việc thay đổi lối sống, thói quen sinh hoạt cũng như cách chế biến thực phẩm cũng thay đổi, phần lớn là không tốt cho sức khoẻ.
Nghiện đồ chiên rán
Theo PGS Nguyễn Duy Thịnh - Giảng viên Viện Công nghệ thực phẩm, đại học Bách khoa Hà Nội, việc chế biến thực phẩm hàng ngày của người dân đã có nhiều điều bất cập, nhưng việc chế biến thực phẩm trong ngày Tết còn đáng bàn hơn bởi tâm lý người Việt Nam "đói ngày giỗ cha, no ba ngày Tết".
Những ngày này, hầu như gia đình nào cũng mua thực phẩm cất sẵn trong tủ lạnh để dành vào ngày Tết như xúc xích, lạp xưởng, dăm bông, khoai tây chiên...
Có những gia đình mua cả chục kg khoai tây sẵn ở siêu thị về chiên rán cho cả nhà cùng ăn vì tính tiện lợi, dễ chế biến của nó. Nhưng cách làm đó tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh về sau.
Theo PGS Thịnh, điều mà bất cứ chuyên gia thực phẩm nào cũng lo ngại, không chỉ là vấn đề bảo quản thực phẩm mà còn là vấn đề chế biến như thế nào để tốt cho sức khoẻ.
Người dân Việt nghiện đồ rán. Hầu như đủ thứ cho vào chiên rán, khiến cho bữa ăn ngày Tết ngán, gây ậm ạch cho tiêu hoá và tiềm ẩn nguy cơ mang bệnh vào người.
PGS Thịnh cho biết, với bất kể thực phẩm nào, khi chiên rán bằng dầu ăn, càng rán vàng, càng giòn càng không tốt cho sức khoẻ. Dầu ăn khi chiên rán ở nhiệt độ cao tạo ra chất độc hại vì dầu sôi ở nhiệt độ cao thì sẽ gây ra biến đổi chất.
Các sản phẩm thịt được chế biến sẵn trong lò vi sóng khoảng 2-3 phút trước khi đem lên nướng làm giảm thời gian quay trên vỉ nướng, và loại bỏ các amin vị vòng, giúp giảm thiểu sự hình thành các chất gây ung thư.
Các báo cáo từ cơ quan tiêu chuẩn thực phẩm (FDA) cho biết, các acrylamide động vật gây ung thư có trong các sản phẩm chiên rán hoặc các thực phẩm carbohydrate quá nhiệt (Như khoai tây chiên).
Những nghiên cứu đang thực hiện tại FDA và các cơ quan tương đương của châu Âu đang xử lý các nguy cơ tiềm ẩn của chúng đối với con người.
Nghiên cứu dịch tễ so sánh chế độ ăn của người bị ung thư và người không ung thư đã chỉ ra rằng có sự khác biệt về thành phần thực phẩm trong chế độ ăn, kiểu chế biến món ăn của hai nhóm này.
Tuy nhiên những kết quả này chỉ liên quan đến thay đổi nguy cơ ung thư, chứ không thể chỉ ra được thành phần trong thức ăn chịu trách nhiệm, hoặc là nguyên nhân gây ung thư.
Thích ăn đồ nướng
Các nhà khoa học còn báo cáo về một số bằng chứng cho thấy tiêu thụ thịt và cá nướng cũng làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày. Theo Thanh Niên, trang Bodyandsoul dẫn báo cáo ung thư dạ dày của WCRF cho thấy ăn nhiều loại thịt chế biến như thịt xông khói, giăm bông và xúc xích làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày không tâm vị.
Tỷ lệ sống sót sau 5 năm đối với những người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư dạ dày chỉ có 27%, theo Hội đồng Ung thư Úc. Báo cáo cũng cho thấy rằng béo phì làm tăng nguy cơ ung thư tâm vị, trong khi đồ uống có cồn làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày nói chung. Đây là một tin không mấy tốt lành cho những người yêu thích thịt xông khói. Tuy nhiên, theo chuyên gia dinh dưỡng Simone Austin người Úc, cần có hiểu biết tốt hơn về thịt xông khói và dùng chúng trong chừng mực.