Thực hư huyện bịt cổng để “trừ tà”

19:15, Thứ năm 20/02/2014

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Ba năm nay, UBND huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) dựng hòn non bộ chắn cổng chính trụ sở. Dân than phiền đi lại khó khăn, còn lãnh đạo huyện không giải thích được lý do.

Chiều 19-2, có mặt tại trụ sở UBND-HĐND huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), chúng tôi ghi nhận cổng chính của UBND-HĐND huyện đã bị một hòn non bộ rất to án ngữ.

Càng bất ngờ hơn khi thay vì xây bịt thông thường, huyện Nghi Xuân đã cho thiết kế, xây dựng một hòn non bộ có kích thước khá lớn nhằm lấp cổng lại. Kể từ đó, ai nấy vào cơ quan này đều phải di chuyển đến cổng phụ đi chung lối vào hội trường (cổng này sau đó được mở rộng – PV).

Theo quan sát của PV, hòn non bộ được xây từ các khối đá, kết dính bằng vữa, tạo hình thành 3 đỉnh núi trong đó đỉnh ở giữa cao khoảng 4m.

Ở mặt trong non bộ tiếp giáp với sân UBND huyện có bể nước thả cá nhỏ. Trên công trình này có đặt các tượng nhỏ hình chùa chiền và hình người, tạo thành quần thể hoàn chỉnh. Hai bên non bộ trồng 2 cây đa, cành lá khá um tùm.

Từ trục đường chính qua thị trấn Nghi Xuân vào UBND huyện chỉ cách một sân bóng. Tuy nhiên việc hòn non bộ cao đến 4m án ngữ chính diện cùng cây cối hai bên đã che lấp diện mạo trụ sở này.

Nếu không phải là người địa phương, thật khó để xác định đây là cơ quan công quyền cao nhất của cấp huyện.

Bịt cổng để… dứt họa?

Hòn non bộ với nhiều khối đá được dựng cao gần ngang với tầng một trụ sở UBND huyện. Phía trong sân trụ sở, dưới chân hòn non bộ có đá gắn kết xi măng tạo thành làm bể nước nhỏ. Trên hòn non bộ có rong rêu và cây dương xỉ…, một số tượng nhỏ và hình biểu tượng chùa đền. Đỉnh hòn non bộ có gắn tượng con đại bàng nhỏ đang tung cánh. Hai bên hòn non bộ trồng hai cây đa đã cao hơn tầng một.

Do cổng chính bị hòn non bộ che chắn như thế nên cán bộ và người dân khi muốn vào UBND-HĐND huyện buộc phải đi cổng khác dẫn vào hội trường UBND huyện hoặc cổng phụ phía hướng đông trụ sở. Ngặt nỗi sau này khi xây dựng trung tâm giao dịch một cửa, UBND huyện đã bịt cổng phụ. Ngoài ra, vì hòn non bộ “bành trướng” vào sân đánh cầu lông - được kẻ trên sân trụ sở nên giờ nghỉ không ai có thể chơi thể thao tại đây.

Tìm hiểu thêm, chúng tôi được một số cán bộ UBND huyện Nghi Xuân giải thích: “Sở dĩ phải tìm cách bịt cổng chính vì cổng này đâm thẳng vào cầu thang của trụ sở cao ba tầng của UBND huyện. Do sân trước trụ sở khá chật nên nếu để cổng chính thì khi có nhiều xe ô tô và xe máy chạy vào dễ gây ách tắc và làm ồn trước phòng làm việc của lãnh đạo UBND huyện”.

Một số cán bộ khác nhớ lại: “Cách đây chừng ba năm, khi chỉ đạo chỉnh sửa trụ sở UBND-HĐND huyện, ông Nguyễn Hiền Lương - Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân (nay làm phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hà Tĩnh) đã yêu cầu dựng hòn non bộ trước cổng chính… cho đẹp” (!). Chính các cán bộ này cũng thấy hòn non bộ tạo cảnh quan đẹp cho khuôn viên trụ sở, “làm cho mọi người gần với thiên nhiên và cảm thấy tâm hồn phóng khoáng hơn”.

Thế nhưng nhiều người dân tại địa phương lại có những suy nghĩ khác vì “có thấy đẹp đẽ gì đâu!”. Râm ran trong dư luận có lời đồn đoán cho rằng: “Do cổng chính có hướng phong thủy không tốt, bị luồng khí xấu xâm nhập nên dẫn đến việc có nhiều cán bộ huyện bị kỷ luật... Thế là chủ tịch huyện đã âm thầm mời một thầy phong thủy tới giúp huyện “ngắt mạch”, muốn dứt được họa chỉ có cách bít hẳn chiếc cổng rồi lập núi trấn yểm”. Lại có ý kiến phê bình: “Tao nhã là phải đúng nơi, đúng chỗ. Việc đặt hòn non bộ để chắn cổng trụ sở UBND-HĐND huyện là không nên, bởi đó không phải là nơi vãn cảnh thưởng ngoạn”.

“Nhờ doanh nghiệp giúp đỡ”

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hải Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân, cho biết: “Cổng chính và trụ sở chính của UBND-HĐND huyện Nghi Xuân được xây dựng từ những năm 1993-1994. Ba năm trước, khi sửa chữa phía sau trụ sở UBND huyện, chủ tịch huyện đã chỉ đạo xây hòn non bộ trước cổng chính trụ sở. Thực tế lúc đó người dân và cán bộ cũng ít vào ra cổng chính trụ sở mà đi qua cổng phụ và cổng vào hội trường nên không ai phản đối việc chắn cổng chính”.

Hỏi “có phải bịt cổng chính và lập hòn non bộ để cho hợp phong thủy và trừ tà?”, ông Nam đáp: “Có mê tín hay không là trong thâm tâm từng người, không ai biết được. Ông Lương và lãnh đạo huyện lúc đó không mê tín dị đoan. Còn thông tin cho rằng trấn yểm thì cơ sở nào khẳng định, ai cung cấp?”.

Theo ông Nam, hòn non bộ được dựng lên bằng cách huy động các nhà hảo tâm, doanh nghiệp đóng góp. “Họ đưa đá từ tỉnh Ninh Bình hay ở đâu về giúp huyện dựng hòn non bộ chúng tôi cũng không rõ. Chỉ biết là chi phí dựng hòn non bộ không lấy từ ngân sách nhà nước. Hiện huyện đang tiến hành lập dự án sửa chữa trụ sở nên việc có dỡ bỏ hòn non bộ hay không thì đơn vị tư vấn đang có phương án” - ông Nam nói.

Sẽ mở lại cổng chính

Việc lãnh đạo huyện trước đây lập hòn non bộ không phải vì mê tín dị đoan. Hiện tỉnh Hà Tĩnh đã đồng ý chi ngân sách để sửa chữa trụ sở UBND huyện Nghi Xuân do trụ sở quá cũ và đang xuống cấp, đồng thời chỉnh trang lại toàn bộ khuôn viên. Sắp tới, chúng tôi dự kiến sẽ mở lại cổng chính trụ sở UBND-HĐND huyện.

Ông ĐẶNG VĂN TÍNH, Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh)

 

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: Phạm Văn Dự