Giấc ngủ chiếm trung bình khoảng 1/3 thời gian trong ngày và ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe, tinh thần của con người. Đây là khoảng thời gian then chốt để các mô và cơn quan trong cơ thể tự sửa chữa và điều chỉnh, vì vậy việc thường xuyên thức khuya, chất lượng giấc ngủ kém sẽ làm giảm khả năng hoạt động của mô và các cơ quan, sinh ra bệnh tật.
Đặc biệt, có nhiều người thường xuyên thức giấc vào 3-4h sáng và sau đó không thể ngủ lại được nữa, theo các chuyên gia, nguyên nhân có thể do 5 bệnh lý dưới đây gây ra:
Căng thẳng
Căng thẳng là một trong những nguyên nhân khiến bạn bị thức giấc lúc 3 giờ sáng. Theo các nghiên cứu, khi căng thẳng, cơ thể sẽ kích hoạt triệu chứng thần kinh giao cảm khiến bạn bị giật mình thức giấc vào nửa đêm. Bạn có thể bị tăng nhịp tim và huyết áp khiến việc ngủ lại sau khi thức giấc gặp nhiều khó khăn.
Mức độ căng thẳng có thể tăng cao nếu có điều gì đó trong cuộc sống gây ra lo lắng. Căng thẳng có thể liên quan đến những thay đổi xung quanh công việc, các mối quan hệ, sức khỏe hoặc tài chính.
Để hạn chế tình trạng này, bạn nên thảo luận với bác sĩ về mức độ căng thẳng của mình. Nhờ vậy, bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên nhằm điều chỉnh liệu pháp và lối sống của bạn để giảm căng thẳng.
Sự lão hóa
Lão hóa đóng một vai trò rất lớn trong chu kỳ giấc ngủ. Khi bạn già đi, chu kỳ giấc ngủ sẽ thay đổi. Bạn có thể dùng thuốc để giúp ngủ ngon hơn. Tuy nhiên, điều này đồng thời làm ảnh hưởng xấu đến giấc ngủ.
Theo thời gian, chất lượng giấc ngủ cũng suy giảm. Bạn sẽ khó ngủ sâu hơn và dễ bị đánh thức bởi các yếu tố bên ngoài như tiếng ồn và ánh sáng. Thời gian ngủ và thức của bạn cũng có thể thay đổi theo độ tuổi. Bạn có thể đi ngủ và thức dậy sớm hơn khi còn trẻ.
Bệnh tiểu đường
Khi mắc bệnh tiểu đường, nhiều bệnh nhân sẽ thức giấc trong khoảng 3-4h sáng. Người ta gọi triệu chứng này là “bình minh tiểu đường”, vì gần sáng, glucocorticoid trong cơ thể sẽ phản ứng với insulin, mặc dù cơ thể sẽ tiết ra rất nhiều insulin nhưng nó luôn ở mức thấp nhất. Nồng độ insulin ở mức thấp nhất sẽ trực tiếp dẫn đến tăng huyết áp, đồng thời gây sụt cân nhanh chóng cho bệnh nhân. Khi huyết áp không ổn định sẽ khiến dây thần kinh căng thẳng và kích thích vỏ não khiến bạn bị tỉnh giấc. Vì vậy, nếu gặp phải những dấu hiệu này xảy ra thường xuyên thì tốt nhất bạn nên tới bệnh viện để kiểm tra lượng đường trong máu.
Gan bị tổn thương
Nếu bạn thường xuyên thức dậy lúc 3-4h sáng và khó ngủ trở lại thì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo gan đang bị tổn thương. Khi độc tố trong gan tích tụ quá nhiều, không đào thải kịp thời sẽ gây ra tình trạng thường xuyên thức giấc giữa đêm. Do đó, nếu có hiện tượng mất ngủ vào 3-4 giờ sáng thì bạn cần đi khám để được kiểm tra sức khỏe của gan, tránh để gan bị tổn thương quá nặng dẫn đến viêm gan và một số bệnh khác nghiêm trọng hơn.
Nếu bạn thường xuyên thức giấc trong thời gian này đồng nghĩa với việc lượng máu cung cấp cho các cơ quan nội tạng như tim, phổi... không đủ dẫn đến máu lưu thông kém, đây cũng là một cảnh báo của cơ thể.
Trầm cảm
Theo nghiên cứu, có 7% người trưởng thành bị trầm cảm nhưng họ không biết mình bị trầm cảm. Dữ liệu nghiên cứu cho thấy, hầu hết các triệu chứng đầu tiên ở bệnh nhân trầm cảm do căng thẳng quá mức trong thời gian dài kích thích vỏ não là bị mất ngủ và thức giấc sớm vào lúc 3-4 giờ sáng.
Trầm cảm là một vấn đề về tâm thần do rối loạn cảm xúc, có ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống tinh thần của con người. Một người bị trầm cảm thường có những cảm xúc tiêu cực như buồn bã, tuyệt vọng, thiếu tự tin, cảm thấy bất lực trong thời gian dài và nếu không được can thiệp y khoa sớm rất dễ dẫn đến tự tử.
Vì vậy, bạn cần chú ý duy trì một chế độ ăn uống, ngủ nghỉ thích hợp, làm việc với cường độ vừa phải, tránh gây áp lực quá lớn lên thần kinh. Nếu bạn thường xuyên cảm thấy stress, căng thẳng, hức giấc lúc 3-4h sáng mà không ngủ lại được thì bạn nên đi gặp bác sĩ tâm lý sớm.
Ngăn ngừa tình trạng thức dậy lúc 3 giờ sáng
Để giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ và tránh thức dậy lúc 3 giờ sáng, thuốc ngủ không phải là một giải pháp an toàn. Thay vào đó, bạn hãy áp dụng một số biện pháp sau để có được giấc ngủ ban đêm chất lượng hơn.
Cố gắng sắp xếp một giờ đi ngủ nhất định vào mỗi đêm và thức dậy ở cùng một thời điểm vào mỗi buổi sáng.
Ngủ trong không gian thoải mái, tối và yên tĩnh.
Đảm bảo rằng bạn đã đủ buồn ngủ trước khi đi ngủ và không nằm trên giường từ 20 phút trở lên nếu bạn không thể ngủ được.
Áp dụng một vài thói quen ban đêm giúp bạn thư giãn như đọc sách hoặc thiền trước khi đi ngủ.
Tắt màn hình trước khi tắt đèn.
Tập thể dục đầy đủ trong ngày nhưng tránh tập ngay trước khi đi ngủ.
Tránh uống đồ uống có chứa caffein vào cuối ngày.
Ăn tối vài giờ trước khi đi ngủ.
Không uống rượu, hút thuốc vào đêm khuya.
Thức dậy lúc 3 giờ sáng có thể gây khó chịu cho bất cứ ai nhưng không phải lúc nào đó cũng là dấu hiệu của một tình trạng bệnh lý. Căng thẳng tạm thời và một vài nguyên nhân khác có thể khiến bạn thường xuyên thức dậy vào nửa đêm. Nếu tình trạng này xảy ra trong một khoảng thời gian dài thì đó có thể là dấu hiệu của chứng mất ngủ hoặc một tình trạng sức khỏe khác. Khi đó, bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để đưa ra phương án điều trị thích hợp nhất.