Katerina hiện sống ở thành phố Frankfurt, Đức. Cô bắt đầu cuộc tìm kiếm cha đẻ cách đây khoảng 5 năm. Gia đình cô chia ly từ năm 1987, khi cha cô là ông Nguyễn Thành Long rời Czech về Việt Nam. Mẹ cô sau đó kết hôn với một người đàn ông Đức rồi đưa Katerina sang nước láng giềng sinh sống cho đến tận bây giờ. Kể từ đó, cô không còn liên lạc gì với cha mình nữa.
Tất cả những gì cô có chỉ vỏn vẹn chút ít thông tin và một bức ảnh của cha. Cho đến cuối tháng 10 vừa qua, cô được một Việt kiều đang sinh sống tại thành phố Frankfurt, giúp đăng tin tìm cha trên Facebook và ít ngày sau, điều kỳ diệu đã xảy ra.
Được gia đình ông Vũ Quốc Dũng, một Việt kiều đang sinh sống tại thành phố Frankfurt, gọi điện báo tin đã tìm thấy cha ruột, phải một lúc sau Katerina mới trấn tĩnh được. Cô gọi điện ngay cho mẹ. Bà cũng không ngờ lại nhanh như vậy và hẹn ngày hôm sau sẽ đến thăm con gái.
"Cả đêm đó tôi hồi hộp không ngủ được, cứ như cô gái nhỏ lần đầu đến trường", Katerina nói.
Lần đầu nghe giọng cha sau 25 năm
Hôm đó, 31/10, Katerina vừa ở nước ngoài về và hôm sau là ngày nghỉ phép cuối cùng của cô. Lẽ ra phải dỡ đồ ở vali ra, giặt giũ, dọn nhà, đi chợ… nhưng Katerina không có tâm trạng để làm việc gì. Buổi sáng, cô liên lạc với Lubos Tran, người đã giúp tìm ra ông Nguyễn Thành Long, cha của Kateria. Khoảng 14h, cô có số điện thoại của cha ruột.
"Mẹ thấy tôi hồi hộp quá nên xung phong nói trước: 'Pavel, anh đấy à?'". Sau đó hai người nói chuyện rất vui vẻ và khá lâu, ôn nhiều kỷ niệm xưa, cười to thành tiếng", cô kể. Điều khiến cô ngạc nhiên là cha nói tiếng Tiệp rất trôi chảy, cuộc nói chuyện hoàn toàn cởi mở, tự nhiên, không một chút gượng gạo.
"Sau đó đến lượt tôi nói chuyện với cha, và ngay lập tức tôi cảm thấy rất thân mật, gần gũi, cứ như thể chúng tôi đã quen nhau từ rất lâu. Cha đúng như tôi vẫn tưởng tượng, cũng có thể do hay hỏi mẹ về ông nên tôi hình dung về ông khá rõ", Katerina kể tiếp.
Hỏi thăm về gia đình của cha, Katerina được biết khoảng hai tiếng nữa em gái cùng cha khác mẹ của cô sẽ về và cô có thể nói chuyện với em. Sau hai tiếng, cô gọi lại lần nữa và nói chuyện với Kít, tên thân mật của cô em gái. Kít nói tiếng Anh tốt và ngay từ đầu đã bày tỏ niềm vui được gặp Katerina.
"Tôi cảm động phát khóc", Katerina nói. "Ôi không biết diễn tả như thế nào, vừa vui mừng, nhẹ nhõm, lâng lâng, lại vừa lo lắng, hồi hộp".
"Trước khi gọi điện tôi chỉ sợ không biết sẽ nói gì với cha, và điều tồi tệ hơn là ông không muốn nhận tôi hay không cần biết đến sự có mặt của tôi. Tôi cũng đủ trưởng thành để chuẩn bị tinh thần nếu điều đó xảy ra", Katerina nói. "Tôi đã xác định cái chính là tôi đã đạt được mục đích, đã biết cội rễ của mình và được làm quen với người đã sinh ra mình. Tuy vậy phải nói thêm rằng tôi vốn có linh tính khá tốt và trong việc này tôi hoàn toàn có một dự cảm tốt lành, vì vậy lo ngại trên cũng chỉ thoáng qua".
Katerina cho biết, giữa cha con cô gần như không có rào cản ngôn ngữ. Hai người sử dụng tiếng Tiệp, tiếng Anh. "Giá như tôi biết thêm chút tiếng Việt nữa thì sẽ tốt hơn. Đôi lúc một người trong chúng tôi hơi bí từ, nhưng người kia vẫn dễ dàng hiểu ngay, dường như chúng tôi hiểu nhau không nhất thiết phải qua ngôn ngữ, mà qua một sợi dây vô hình", cô nói.
Cô tự hào khi được thừa hưởng từ cha đôi mắt đen và mái tóc dày. Từ nhỏ mẹ cô đã nói tính cô hiền lành, ít nói, kín đáo giống cha, khác hẳn mẹ luôn ồn ào sôi nổi.
Những dòng cảm ơn của Katerina.
Háo hức về quê nội
Cô gái Czech cho hay, trước đây cô có tìm hiểu về Việt Nam, nhưng không nhiều. Sau khi tìm được cha, cô đã tích cực tìm hiểu trên Internet về Việt Nam như văn hóa, truyền thống, lịch sử, ẩm thực, về Hà Nội, Đà Nẵng…
Cô rất muốn về Việt Nam sớm nhất có thể, nhưng còn phải giải quyết một số việc. Thời gian nghỉ phép của cô năm nay cũng đã hết. Đầu năm cô phải đăng ký thời gian nghỉ phép với công ty, phải làm hộ chiếu mới vì cái cũ đã gần hết hạn, tìm hiểu thủ tục xin visa, tiêm phòng… nên chưa thể nói cụ thể ngày về, nhưng kế hoạch thì đã lên.
"Ở Việt Nam, tôi sẽ thăm mộ ông bà nội ở Hải Phòng và Đà Nẵng, thăm chú Lubos, làm quen với họ hàng bên nội, thưởng thức các món đặc sản Việt Nam và các món cô Liên nấu", Katerina hào hứng, nhắc đến tên vợ sau của cha cô. "Tôi rất thích món nem, vịt rán ăn với cơm, nước sốt lạc, các món có nhiều rau… Từ bây giờ đến lúc đó tôi sẽ cố gắng học tiếng Việt và tìm hiểu kỹ về Việt Nam".
Katerina từng có một người bạn Việt Nam từ ngày học phổ thông, nhưng anh sinh ra và lớn lên ở đây nên chất châu Âu nhiều hơn. Cô làm quen với tất cả những ai mà cô đoán là người Việt Nam để nhờ tìm cha.
Cách đây 2 năm cô cũng từng nhờ gia đình chủ quán ăn nhanh ở trung tâm Frankfurt. Vợ chồng này đã lấy tất cả thông tin về cô, gửi nhờ các bạn bè giúp nhưng chưa có kết quả. Ngoài ra cô cũng vài lần bắt chuyện với những người Việt ở siêu thị nhờ giúp đỡ. Điều thú vị là ban đầu ai cũng ngạc nhiên nhưng sau đều sốt sắng nhận lời.
Trở ngại lớn nhất trong hành trình đi tìm cha của Katerina là cô không có nhiều thông tin về ông, nếu có lại không chính xác. Sau này cô mới biết cha sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, chỉ có vài ba năm sống ở Hải Phòng, từ Czech trở về ông cũng chỉ sống ở Hà Nội chứ không ở đâu khác.
Trở ngại thứ hai là cô không nói được tiếng Việt, không có điều kiện và không đủ tự tin để về Việt Nam tìm cha. "Có lẽ mọi sự sẽ dễ dàng hơn nếu tôi trực tiếp ở Việt Nam. Tuy nhiên tôi chưa bao giờ có ý định bỏ cuộc. Ý muốn của tôi có lúc mãnh liệt, có lúc vì cuộc sống hàng ngày tạm nguôi đi, nhưng tôi biết là cuối cùng thế nào tôi cũng tìm được cha", cô nói.
Những bức hình Karetina hồi nhỏ được ông Nguyễn Thanh Long lưu giữ. Trong ảnh nhỏ góc dưới bên trái là ông Long hiện nay. Ảnh: Minh Thùy.
"Mẹ tôi chia sẻ với tôi rất nhiều về những điều bà còn nhớ về cha tôi. Lần cuối cùng cách đây 5 năm chúng tôi cùng ngồi bên nhau, ghi hết tất cả các thông tin về cha vào một tờ giấy, viết lại nội dung thật mạch lạc, lưu vào máy tính để gặp bất kỳ ai muốn giúp đều có thể đưa ngay", cô kể. "Mẹ tôi đã nhờ các bạn bè người Tiệp và bác ruột tôi ở Usti nad Labem, nơi tôi sinh ra ở Czech, để hỏi thăm về cha tôi. Trong một lần về Czech thăm gia đình, mẹ tôi đã đến Tòa Thị chính thành phố hỏi xem liệu cha tôi còn đăng ký hộ khẩu ở đó không, đến các ký túc xá của người Việt dán tờ rơi với nội dung tìm cha tôi, nhưng không có kết quả".
"Bác tôi cũng nói mặc dù sống liên tục gần 30 năm nay ở Usti nad Labem nhưng ông cũng chưa một lần nhìn thấy cha tôi. Trước đây, cha có kể cho mẹ tôi về gia đình ông ở Việt Nam nhưng mẹ tôi còn quá trẻ để ghi nhớ. Chỉ sau khi tìm được cha, bà mới thực sự làm quen với các cô và chú của tôi qua Facebook. Bà động viên tôi, sẵn sàng ủng hộ về tài chính và là người đầu tiên chia vui với tôi", Katerina kể.
Các bạn bè và đồng nghiệp người Đức đều chúc mừng Katerina khi cô tìm được cha, vì họ biết đó là mong ước từ lâu của cô. "Nhiều người phàn nàn là không thể gọi được điện cho tôi vì điện thoại lúc nào cũng bận. Một người tặng ngay cho tôi bộ sách học tiếng Việt. Vài người khác thú thực là họ chưa bao giờ tin tôi có thể tìm thấy cha, và tất cả đều nói rằng đó là điều kỳ diệu", Katerina kể.
"Tôi xin cảm ơn tất cả những ai đã giúp tôi tìm được cha, những ai đã chia sẻ niềm vui với tôi, đặc biệt là độc giả báo VnExpress. Tôi biết là VnExpress rất được yêu thích ở Việt Nam và tôi rất ngạc nhiên, cảm động về sự nồng ấm của người Việt. Chỉ riêng bài báo đăng tin tìm được cha tôi đã có gần 300 lời bình luận, tất cả đều chúc mừng và chia vui, nhiều người nói là đã khóc khi đọc bài này. Xin cảm ơn báo và các độc giả", Katerina nói.