Làm gối từ vỏ đậu xanh, đậu đen, thảo dược là phương pháp dân gian được nhiều mẹ truyền tai nhau, họ cho rằng khi cho bé đặc biệt là các bé sơ sinh nằm gối này sẽ có tác dụng giúp thấm mồ hôi, cho bé ngủ ngon sâu hơn thậm chí là không giật mình.
Nhiều mẹ cho rằng, vỏ đậu (xanh, đen), thảo dược như đinh lăng các loại có tính mát giúp thanh nhiệt, thông kinh lạc và giảm nguy cơ nóng sốt ở trẻ em nên khi được sử dụng làm gối sẽ mang lại nhiều tác dụng. Tuy nhiên, thực tế lại xảy ra nhiều vấn đề.
Gối vỏ đỗ, thảo dược có thực sự thần thông như các mẹ tin tưởng?
Ngày 11/11, các mẹ được dịp chấn động với trường hợp chị Nguyễn Thị Vân (Cầu Giấy, Hà Nội) mua phải 2 cái gối vỏ đỗ chứa lúc nhúc dòi bọ.
Tính cẩn thận, khi mang về nhà, chị lột vỏ, giặt đi cho sạch rồi giật mình khi thấy những vỏ đỗ bỗng dưng chuyển động. Nhìn kỹ hơn, đó là những con dòi nhỏ. Ngoài sâu dòi, hạt đậu xanh, trong gối của chị mua còn vô vàn những tạp chất bẩn khác như vỏ kẹo. Cả nhà thở phào bảo: “thật may khi chưa cho con dùng”.
Không chỉ chỉ Vân, chị Thùy Mai (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ trên diễn đàn mẹ và bé rằng, trước đây chị cũng từng nghe đến tác dụng của chiếc gối "thần thông" này và mua về cho bé yêu dùng.
Chị Vân tá hỏa khi thấy dòi bọ nhỏ bò lúc nhúc. (Ảnh minh họa)
Nghe nhiều người nói về gối vỏ đỗ giúp trẻ dễ ngủ, chống mồ hôi trộm và đặc biệt là có tác dụng giảm bớt nóng nực, bớt bí bách, chị Mai cũng tìm mua một bộ về cho bé yêu mới gần 2 tháng tuổi. Bộ gối gồm một gối đầu và hai gối chặn có giá gần 200 nghìn đồng. Không như những gì chị nghe được, con chị nằm ngủ không yên, ngọ nguậy kêu khóc.
Cho con dùng được mấy hôm thì mặt bé bị mẩn ngứa, bé gãi và xuất hiện nhiều nốt mẩn đỏ. Nghi trong nhà có muỗi, chị cẩn thận mắc màn cho bé cả ngày lẫn đêm. Nhưng tình trạng ở con không hề đỡ, thậm chí còn nặng hơn.
Một ngày, chị sốc khi biết nguyên nhân đó là do bé bị kiến chui ra từ trong gối vỏ đỗ. Quan sát chiếc gối, chị thấy có bao nhiêu lỗ nhỏ li ti. Lột gối ra, chị tá hỏa khi biết lũ kiến đang làm tổ bên trong.
Chị chia sẻ: “Mình vẫn phơi phóng thường xuyên, giặt đều đều vậy mà kiến vẫn làm tổ trong này được. May mà bé nhà mình không bị làm sao. Tốt hơn cả, chị em nên cho bé nằm gối mỏng thường, chất bằng loại vải thấm hút mồ hôi tốt”.
Nhiều phụ huynh cho rằng, gối vỏ đỗ đậu (xanh, đen), thảo dược có tác dụng tốt cho bé. (Ảnh minh họa)
Cùng với những chiếc gối vỏ đỗ, nhiều mẹ cũng mê mẩn sắm cho con gối thảo dược. Gối thảo dược gồm đinh lăng, hương nhu, ngải cứu, lá thảo quyết minh, vỏ đỗ… Cũng như gối vỏ đỗ, gối thảo dược được nhiều mẹ ca ngợi là có mùi thơm tự nhiên, giúp bé ngủ ngon, không giật mình, chống mệt mỏi, hút ẩm, da đầu khô thoáng.
Chị Phạm Tú (Từ Liêm, Hà Nội) bức xúc lắm khi bé nhà chị nằm gối thảo dược một thời gian song “thiên nhiên vào giấc ngủ” chưa thấy đâu, bé khó ngủ, hay giật mình, hoảng hốt, lo lắng, khó thở.
Cha mẹ cần tỉnh táo lựa chọn gối cho con
Trả lời về vấn đề này, Thầy thuốc nhân dân Việt Nam, Bác sĩ Nguyễn Xuân Hướng - Nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cho biết, thảo dược dùng để chữa bệnh, tuy nhiên nếu không được sử dụng đúng cách, đúng loại, chúng sẽ phản tác dụng đặc biệt ở trẻ em – đối tượng nhạy cảm, chưa có sức đề kháng cao.
Bác sĩ chia sẻ, tập quán, thói quen của người Việt Nam chính là gối bằng gối bông, quần áo mặc bằng sợi bông là chính. Gối bông không mùi vị, xốp hút nước nhiều. Có nhiều bà mẹ không hiểu biết nghe người này người kia mách cho bé gối bằng vỏ lá cây, hạt cây, vỏ cây, thảo dược... điều này gây nguy hiểm cho bé.
Lá cây, vỏ cây, thảo dược... đều là những thứ hút nước mạnh, trẻ nhỏ hay nằm, ra nhiều mồ hôi, mồ hôi thấm vào gối, điều này dễ sinh ra mốc, nấm, dòi bọ xuất hiện... khiến bé bị dị ứng nặng mà nhiều gia đình không hay biết. Gối thảo dược chứa các thảo dược đặc biệt có mùi hắc dễ gây kích thích đường hô hấp của trẻ, làm trẻ khó chịu. Ngoài ra, da của trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh rất nhạy cảm, những loại lá này cũng có thể làm kích ứng da, gây dị ứng cho trẻ.
Dùng vỏ đậu xanh, thảo quyết minh,... làm gối rất cứng, khiến đầu bé khó chịu, ngủ không ngon, nằm hay quấy khóc. Bác sĩ nhấn mạnh, cha mẹ phải tỉnh táo, đừng nên nghe người này người kia mách cái này cái khác mà hại con.
Về phần gối vỏ đỗ, Bác sĩ Lê Quang Lộc (bác sĩ Da liễu của Bệnh Viện Đa Khoa Xanh Pôn, Hà Nội) cho biết, các mẹ cần tỉnh táo khi sử dụng cho trẻ. Bởi theo bác sĩ, vỏ đậu xanh có tính mát giúp thanh nhiệt và giảm nguy cơ nóng sốt ở trẻ em nên khi được sử dụng làm gối sẽ mang lại nhiều tác dụng. Hơn nữa, gối làm từ vỏ đậu không có mùi và giữ vùng đầu gáy trẻ được thoáng khí.
Tuy nhiên, khi gối bị ẩm mốc do điều kiện môi trường hoặc nhà sản xuất đem hóa chất (chất làm khô cỏ, hạt) vào ruột gối, xử lý không tốt, không đúng quy trình thì chắc chắn chúng sẽ nhanh bị mốc, có dòi bọ, kiếm khiến bé bị nấm, viêm da, ảnh hưởng tới sức khỏe. Nếu không cẩn thận, da của bé sẽ dễ bị viêm nhiễm.
Tóm lại, để tránh gây rủi ro đáng tiếc cho sức khỏe của bé, gối vỏ đậu cần phải được làm cẩn thận từ loại đậu xanh, đen đã đãi sạch, lọc rửa sạch sẽ và phơi hoặc sao thật khô, phòng trường hợp bị ẩm mốc dễ sinh ra các con bọ. Cha mẹ nên tìm cho bé vỏ gối có chất liệu thô, thoáng khí, thấm mồ hôi và ở nơi uy tín, chất lượng. Thường xuyên vệ sinh vỏ gối, tháo ruột gối phơi nắng để diệt nấm mốc.