Một thời gian ngắn sau những đứa trẻ “ra đi”, để lại những nỗi đau quặn thắt cho các gia đình. Chuyện đang xảy ra ở bản Dấu Cỏ - nơi được các nhà khoa học mệnh danh là “vùng đất trời cho”, xã Thượng Cửu, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ.
Nỗi lo bắt đầu từ những buổi sáng sớm
Buổi sáng tỉnh dậy, thay cho việc lo ăn, lo uống, lo đến trường của mỗi người mẹ thì ở bản Dấu Cỏ người phụ nữ lại có nỗi lo khác. Mặt trời chưa nhô khỏi núi, vung chăn, vung màn dậy là những người mẹ ở đây lại vần từng đứa con để nắn đầu, xoa trán xem đêm qua con mình có bị bệnh to đầu đột xuất không. Mọi thứ đều ổn, phụ nữ ở đây mới thở phào nhẹ nhõm để lo công việc tiếp theo của mình.
Sẩy thai, thai chết lưu, những đứa trẻ sinh ra không có não, hay bệnh đột nhiên to đầu rồi chết vốn là câu chuyện xót lòng kéo dài lâu nay ở bản Dấu Cỏ. Trong bản Dấu Cỏ hiện nay, đi tới gia đình nào cũng được kể về nỗi buồn đè nặng lên mỗi gia đình, mỗi thân phận người cha, người mẹ.
Ngay cả gia đình ông trưởng thôn Lê Văn Chiêu cũng 4 lần sinh, 2 lần dưỡng với những đứa con không bình thường đã làm căn nhà ông ngày một nghèo hơn và vợ chồng ngày càng sống trong tình cảnh dè dặt, nơm nớp.
Dấu Cỏ là cái tên cổ mà người Dao ở đây dùng để gọi tên cho bản mình. Theo ông Chiêu, Dấu Cỏ là bản thuần nhất có 17 hộ người Dao sinh sống. Nhưng theo ông Chiêu, do hiện tượng trẻ con chết nhiều quá nên 7 năm qua, Dấu Cỏ mới tăng được 2 hộ.
Ông Chiêu, lấy vợ từ lúc 20 tuổi nhưng sau 4 lần sinh, thì ông chỉ còn 2 đứa con. Ngày ấy, lấy vợ về, ở với nhau một thời gian thì thai nghén. Thai nhi vừa tròn 5 tháng tuổi, niềm vui làm bố làm mẹ chưa trọn thì thai bị chết lưu. Vợ chồng an ủi nhau, đến lần thứ 2, nhưng cực thay, sang tháng thứ 8 thì nó cũng lại bỏ vợ chồng ông.
Nỗi đau nguôi ngoai, ông Chiêu đã quyết định sinh thêm. Ơn trời, 2 lần này đều được cả. Nhưng được thì được vậy thôi chứ theo vợ chồng ông thì vẫn còn lo lắm. Vì thông thường, trẻ con ở đây, nếu không gặp tình trạng hỏng sinh thì lại gặp căn bệnh “to đầu và trố mắt”. Sáng nào cũng vậy, như bao người mẹ ở vùng đất này, vợ ông Chiêu cũng phải xem đầu con. Ông Chiêu bảo, ở đây, muốn biết con cái có “ở” được với mình hay không thì phải chờ đến khi chúng 13 tuổi. Sau độ tuổi này, đứa nào còn, đứa nào mất mới dám khẳng định.
Cũng với tâm trạng nơm nớp lo vào mỗi sáng, chị Lê Thị Hồng, người dưới xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ lên đây làm dâu bùi ngùi: Sợ lắm các anh ạ. Ai lấy chồng chả hy vọng sinh ra những đứa con. Nhưng sinh con ở khu này cực lắm, mãi mới có thai, đùng một cái là chúng bỏ mình. Bỏ bất cứ lúc nào, từ lúc hình thành, đến lúc chuyển dạ. Thậm chí sinh ra rồi, nuôi và ở với chúng cả chục năm trời, tưởng đã may nhưng lại bị cái bệnh “to đầu và trố mắt” cướp mất.
Cũng theo chị Hồng, đứa đầu, mang thai đến tháng thứ 10 rồi mà cũng chẳng thấy có hiện tượng trở dạ. Lo lắng quá, 2 vợ chồng vay mượn, đưa nhau xuống BV huyện. Nằm ở đó 1 thời gian, BV huyện “bó tay”, giới thiệu lên BV tỉnh. Hai vợ chồng lại đưa nhau ra TP Việt Trì. Với các phương tiện hiện đại, sau khi khám, chẩn đoán, các bác sỹ bảo con chị không biết đạp ối chui ra vì cháu không có não. Đau đớn tột độ, với sự trợ giúp, đứa con ấy cũng ra đời. Ngắc ngoải, sống kiểu thực vật một thời gian vì không có não rồi nó bỏ vợ chồng chị.
Hôm lên bản Dấu Cỏ này, chúng tôi được chứng kiến căn bệnh “to đầu, trố mắt” vừa đến với em Bàn Văn Xuân. Xuân là con của vợ chồng anh Bàn Văn Lâm và chị Bàn Thị Quý. Theo người mẹ kể lại thì mới đầu em Xuân sinh ra bình thường. Nhưng rồi, căn bệnh “to đầu, trố mắt” đến. Từ khi mắc chứng bệnh, em bắt đầu trạng thái ngu ngơ. Nhà em nghèo, vừa qua, bản cũng đã làm tờ trình gửi lên xã, mong muốn em có sự trợ giúp. Nhưng đến thời gian này vẫn chưa có kết quả.
“Vùng đất trời cho” và nỗi họa của dân!
Tìm hiểu về căn bệnh lạ này, chúng tôi được biết, sở dĩ Dấu Cỏ gặp hiện tượng trên vì người dân ở đây đang sống trên “vùng đất trời cho” (theo quan điểm các nhà khoa học) với các mỏ Urani thiên tạo. Sở dĩ bảo bản Dấu Cỏ là “vùng đất trời cho” cũng không phải ngoa. Hiện tại, theo khảo sát, đã có 3 thân quặng dài tới vài km, xuất hiện theo kiểu lộ thiên ở đây. Đây là vùng đất cực hiếm, cực quý, cần phải bảo vệ và khai thác hợp lý theo các nhà khoa học trong và ngoài nước. Chỉ có điều là không cho con người sinh sống, trồng cấy và chăn nuôi trên khu vực có loại mỏ này.
Người dân bắt đầu biết được thủ phạm giết các đứa trẻ từ đợt vào cuộc của Cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam (nay là Tổng Cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam) từ tháng 10-2006. Sau đợt này, những cảnh báo nguy hiểm đã liên tục được đưa ra. Cùng với đó, khắp bản Dấu Cỏ được đặt biển đá với dòng chữ: Bộ Tài nguyên và môi trường, Liên đoàn Địa chất xạ hiếm, Trạm quan trắc môi trường phóng xạ. Nghĩa là với việc đặt biển cảnh báo và “Anh ngữ” từ Thanh Sơn thì nhiều nơi trên thế giới đã biết đến Thanh Sơn với mỏ cực kỳ quý nhưng nguy hiểm này. Thực tế hiện nay thì người Thanh Sơn cũng như người Dao đã không biết nhiều về vấn đề này!
Để tránh hậu họa cho người dân, theo Quyết định số 428/QĐ – UBND ngày 3-3-2009 của UBND huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ đã lập một khu tái định cư cho người dân bản Dấu Cỏ. Khu này được triển khai, cách nơi ở cũ của người dân bản Dấu Cỏ khoảng 5km với trên 25 tỷ đồng được đầu tư. Mặt bằng đã có, nhưng theo ông Lê Văn Chiêu thì hiện tại ngoài việc thiếu nước sinh hoạt, người dân cũng không đi đâu được vì thiếu tiền di chuyển và tháo dỡ nhà cửa. Hiện tại bản Dấu Cỏ có 17 nhà nhưng chiếm già nửa trong ấy là nhà tạm. Cũng theo ông Chiêu, số nhà tạm này nếu tháo dỡ ra thì chúng sẽ không thể dựng lên thành nhà được nữa vì đã quá mối mọt. Vậy nên nếu di chuyển thì rất nhiều hộ dân sẽ rơi vào tình trạng không có nhà!
Hiện nay, “cái khó bó cái khôn vẫn” vẫn giữ chân người dân ở với vùng đất cực kỳ quý hiếm nhưng lại gây bao hậu họa này. Nơm nớp lo sợ vẫn là tình trạng bao trùm lên khắp các mái nhà nơi đây.
Theo ông Lê Văn Chiêu, thực ra việc phát hiện ra vùng phóng xạ đã được các chuyên gia lên tìm hiểu, đào bới và lấy mẫu về nghiên cứu từ những năm 1980. Ngày ấy, chuyên gia Nga đã tìm lên đây. Họ đeo “mặt lợn” (mặt nạ phòng chống hóa chất độc hại) và đào giao thông hào dọc ngang để lấy đất mang đi. Tuy nhiên, lúc ấy, dân bản cũng chả biết cái gì. Vậy nên họ vẫn sống chung với phóng xạ và chuyện chết yểu hay sinh non của những đứa trẻ. |