Tính tuổi thai ‘chuẩn không cần chỉnh’

07:55, Chủ nhật 01/12/2013

( PHUNUTODAY ) - Trên thực tế, không phải mẹ nào cũng biết cách tính chính xác tuổi em bé trong bụng mình.

Xác định chính xác tuổi thai sẽ giúp mẹ bầu cũng như các y bác sĩ nắm được tình hình phát triển của thai nhi xem có bình thường không? Dựa vào tuổi thai, mẹ cũng biết được những mốc nào là quan trọng để đi khám theo định kỳ. Tuy nhiên, trên thực tế không ít mẹ vào viện khám thai vẫn không biết mình mang thai bao tuần. Khi bác sĩ hỏi: “Thai bao tuần rồi em?” thì ngơ ngác không có câu trả lời. Điều này sẽ gây khó khăn cho cán bộ y tế trong việc khám thai.

Chị Phạm Hoa ở Nam Định đi khám thai tại bệnh viện Phụ sản Hà Nội vì bị chảy máu có dấu hiệu dọa sẩy. Khi bác sĩ hỏi thai được bao tuần, chị nói: “Em cũng không rõ nữa, khoảng 13, 14 tuần gì đó.” Khi được bác sĩ hỏi về ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối, sau khi chị trả lời, bác sĩ kết luận thai kỳ của chị đã được 16 tuần. Chị thắc mắc không hiểu: “Em không hiểu bác sĩ tính tuổi thai của em kiểu gì chứ nếu tính từ ngày vợ chồng em quan hệ đến nay chỉ khoảng 14 tuần. Sao thai của em đã 16 tuần rồi.” Thắc mắc như chị Hoa không phải là trường hợp hiếm. Có không ít sản phụ không hề biết cách tính tuổi thai.

bà bầu, tuổi thai

Việc xác định chính xác tuổi thai không phải mẹ nào cũng biết. (ảnh minh họa)

Tuổi thai được tính như thế nào?

Tính tuổi thai từ lúc bé bắt đầu hình thành quả thực là một công việc khó khăn bởi mẹ không thể xác định chính xác xem mẹ đậu thai trong lần quan hệ nào? Vì vậy các bác sĩ sản khoa đã đưa cách tính chung nhất cho tuổi của 1 em bé trong bụng mẹ đó là tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh nguyệt cuối cùng. Vì vậy, việc mẹ cần ghi nhớ ngày đầu tiên của kỳ kinh nguyệt cuối là vô cùng quan trọng.

Cách tính như sau:

- Đầu tiên mẹ phải xác định được kì kinh cuối cùng của mình. Kinh cuối cùng là ngày bắt đầu có kinh nguyệt đầu tiên của kì kinh cuối cùng.

- Sau đó bạn tính tuổi thai nhi bằng cách dựa vào 1 quyển lịch hoặc 1 vòng tròn tính tuổi thai nhi bán ở các hiệu thuốc: Ví dụ kinh cuối cùng là 01/10/2013 đến hôm nay là ngày 29/11/2013, dựa vào lịch hoặc vòng tròn tính tuổi thai nhi ta tính được thai nhi đã được 8 tuần 3 ngày.

Cứ tính tiếp như thế, sẽ cho ra ngày dự sinh của bé. Thông thường, bé đủ ngày đủ tháng là 40 tuần nhưng trên thực tế bé chỉ có 38 tuần hình thành và lớn lên trong bụng mẹ. Từ ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối, các mẹ cộng thêm với 40 tuần nữa sẽ ra được ngày dự sinh.

Ngoài ra còn một số cách tính tuổi thai và ngày dự sinh khác cũng được nhiều mẹ áp dụng đó là:

Tính tuổi thai theo ngày rụng trứng hoặc quan hệ tình dục

Thông thường trứng rụng chỉ nằm trong tử cung 24 giờ để kết hợp với tinh trùng phát triển thành phôi thai. Như vậy nếu bạn biết chính xác ngày rụng trứng hoặc ngày quan hệ tình dục dẫn tới thụ thai thì ngày đó được tính là ngày đầu tiên thụ thai. Thai nhi sẽ phát triển trong tử cung 266 ngày kể từ ngày thụ thai đó (tương đương 38 tuần) và bạn hoàn toàn có thể tính chính xác tuổi thai cũng như ngày dự sinh. Nhưng nhiều người kinh nguyệt không đều hoặc không tính được ngày trứng rụng thì cách tính tuổi thai phải dựa vào ngày đầu lần kinh cuối hoặc siêu âm.

bà bầu, quan hệ, tuổi thai

Tuổi thai có thể được tính từ ngày vợ chồng quan hệ tình dục. (ảnh minh họa)

Tính tuổi thai nhờ siêu âm

Sử dụng siêu âm để tính tuổi thai không cần dựa vào ngày mất kinh hay ngày thụ thai: 5 tuần đã có thể nhận ra một cực thai; 7-8 tuần đã nhận ra nhịp đập của tim thai. Đo đường kính lưỡng đỉnh của thai là phương pháp đáng tin cậy để xác định tuổi thai ở 20-30 tuần. Sự phát triển của thai trong giai đoạn này tăng dần và nhanh; số đo chính xác nhất ở tuần 20-24 và đo lại vào lúc 26-30 tuần. Sau 30 tuần, độ chính xác khi đo bằng siêu âm giảm đi. Chiều dài đầu -mông của thai được đo khi thai 5-12 tuần. Đo chiều xương đùi của thai và vòng bụng thai có tác dụng tốt để kết hợp với đường kính lưỡng đỉnh.

Tính tuổi thai theo sự phát triển của thai nhi

Phụ nữ mang thai lần đầu thường nhầm lẫn giữa cách tính theo sự phát triển của thai nhi và cách tính theo kỳ kinh cuối. Bác sĩ thường siêu âm và nói rằng “Thai nhi tương đương XX tuần tuổi, dự kiến sinh ngày YY” và các mẹ tương lai cứ nhớ theo ngày sinh đó. Sau 1 thời gian đi khám mới thấy rằng ngày dự kiến sinh của bác sĩ cứ thay đổi liên tục. Đó là vì cách tính này lấy thai nhi trung bình ra làm chuẩn. Vì vậy, nếu phát triển thai nhi ít hơn so với cách tính theo kỳ kinh cuối tức là thai của bạn nhỏ hơn so với tiêu chuẩn trung bình thai nhi. Còn ngược lại, khi phát triển thai nhi lớn hơn so với cách tính theo kỳ kinh cuối tức là thai của bạn to hơn so với tiêu chuẩn trung bình thai nhi. Ví dụ: Theo cách tính kỳ kinh cuối bạn được 25 tuần. Nhưng theo phát triển thai nhi thì 27 tuần, tức là thai nhi của bạn to hơn trung bình đấy.

Tính tuổi thai theo ngày đầu tiên thấy thai máy động

Đối với những phụ nữ không biết rõ kỳ kinh cuối của mình hoặc kinh nguyệt thất thường thì có thể dựa vào ngày đầu tiên thấy thai động để tính. Đối với phụ nữ mang thai con đầu lòng thì lấy ngày thai động cộng 22 tuần, còn đối với phụ nữ mang thai lần sau thì cộng 24 tuần để tính ngày dự sinh.

Các mẹ có thể thấy tuổi thai có rất nhiều cách tính khác nhau. Điều quan trọng là các mẹ tìm được cho mình cách tính chuẩn nhất và tham khảo thêm ý kiến bác sĩ để dễ dàng theo dõi sức khỏe và sự phát triển của thai nhi.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link