Đôi khi Tết cũng như các sự kiện vui vẻ lại là nguyên nhân tạo ra xung đột cho các cặp vợ chồng. Dưới đây là lời khuyên của chuyên gia hôn nhân và gia đình trên trang MSN giúp bạn tránh những xung đột phổ biến của các kỳ nghỉ Tết. Và bạn có thể tham khảo khi những ngày Tết Giáp Ngọ đang đến gần.
1. Tiền bạc
Việc bội chi ngày tết là lý do khiến rất nhiều gia đình căng thẳng. Các khoản chi phí tết cứ kéo dài ra và khi làm phép tính tổng cộng là lúc xung đột hai vợ chồng xảy ra vì số tiền quá nhiều. Việc tích góp cả năm có khi đi tong trong mấy ngày tết.
Chuyên gia: Hãy sắp xếp có kế hoạch, đừng để mình lâm vào cảnh rỗng túi sau kỳ nghỉ Tết. Vợ chồng nên đối diện với chuyện tiêu Tết một cách trung thực, thiết lập một giới hạn hợp lý. Bạn cũng nên mỗi tháng tiết kiệm một chút để lương thưởng cuối năm không phải gánh tất cả chi phí trong dịp Tết.
Bạn có thể chọn những mặt hàng bán giảm giá, xả kho trong dịp Tết, tự làm một số món ăn và đồ trang trí nhà cửa thay vì mua để giảm chi, chia sẻ dịch vụ chung với một số bạn bè, ví dụ thuê chung ôtô cùng gia đình bạn bè để giảm chi phí đi lại.
2. Gia đình hai bên
Một chân lý rất cũ là chúng ta không bao giờ được chọn lựa những người ruột thịt của mình, và điều này cũng đúng với bên phía người bạn đời của bạn. Thời gian yêu đương, bạn thường không đủ tỉnh táo để nhận ra một người mẹ độc đoán hay một người chú cái gì cũng biết. Tuy nhiên, trong một gia đình mở rộng hai bên bốn họ, chắc chắn thế nào bạn cũng tìm được một vài người mình có thể tin tưởng và chia sẻ.
Lời khuyên: Trước khi liệt kê cái dở của mọi người, hãy nhớ rằng những người thân của chồng/vợ khiến bạn khó chịu thì có thể lại là người mà chồng/vợ bạn yêu quý. Ngay cả khi người bạn đời đồng tình với bạn, bạn cũng chỉ nên nhẹ nhàng đặt câu hỏi về hành vi không tốt của người họ hàng đó nhưng không đưa ra bất kỳ bình luận nào. Nếu chồng/vợ bạn cũng không thích người đó, hai người có thể hạn chế tiếp xúc. Nhưng nếu chồng/vợ bạn không thấy có vấn đề gì, bạn hãy nhờ anh/cô ấy giúp đỡ mình trong cách cư xử.
3. Quan hệ tình dục
Trong mấy ngày tết rượu bia tiếp khách triền miên, nên phòng ngủ chỉ là nơi mà chồng đặt lưng là ngáy o o. Thậm chí về nhà còn kéo theo cả mùi bia rượu và say xỉn nữa. Với một loạt căng thẳng và vui chơi quá đà ngày Tết, có thể người bạn đời của bạn bỏ quên việc ân ái trong khi bạn muốn gần gũi. Và điều này khiến cả hai người đều thấy bực bội.
Chuyên gia: Hãy trò chuyện với nhau về nhu cầu thân mật, cùng nỗ lực để một dịp Tết đỡ hao sức và hãy sắp xếp một số thời gian riêng dành cho vợ chồng.
4. Phân công lao động
Những tưởng chỉ là những việc lặt vặt trong nhà, gắng một tí là xong. Nhưng ngày tết hóa ra lại rất nhiều việc lặt vặt. Nhiều lúc bạn cảm giác mình đang quá tải với những công việc không tên trong khi bạn đời vẫn vô tư và thảnh thơi như ngày thường.
Chuyên gia: Khi bắt đầu chuẩn bị cho Tết, hãy lập một danh sách những gì cần phải làm và xác định ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho mỗi việc. Mỗi tuần nên nói chuyện lại để đánh giá quá trình thực hiện của bạn, chỉnh sửa danh sách khi cần thiết, và thảo luận về cảm giác của mỗi người. Nếu một trong hai người cảm thấy khối lượng công việc không cân bằng, hãy nói ra và cùng điều chỉnh.
5. Quà tặng, quà biếu
Danh sách tặng quà ngày tết cũng khiến rất nhiều người đau đầu. Người thì để cảm ơn, người thì tặng quà để lấy quan hệ... Quyết định người được tặng quà và tặng quà gì cũng khiến vợ chồng tranh cãi.
Chuyên gia: Chìa khóa để tránh xung đột về quà tặng, quà biếu trong dịp Tết là trao đổi trung thực và không đặt ra các giả định về những kỳ vọng của người khác. Nói chuyện này sớm và cùng quyết định xem những ai trong gia đình, bạn bè và người quen nào được tặng quà, và vợ chồng bạn có thể chi tiêu bao nhiêu cho biếu quà ngày Tết.
6. Con cái
Ngày Tết, bọn trẻ được nghỉ học 2 tuần liền. Bạn phải lo lắng cho con từ việc ăn uống, nghỉ ngơi vui chơi. Đôi khi bạn sẽ không kiềm chế được vì sự mè nheo hay nghịch phá ầm ĩ của lũ trẻ. Bạn muốn bọn trẻ có một ngày Tết thật vui nhưng làm sao có thể thực hiện điều đó mà không phát điên vì lũ trẻ, hay tranh cãi với người bạn đời cũng vì lũ trẻ.
Chuyên gia: Bạn đã được nghỉ làm. Bọn trẻ không đi học và thời khóa biểu sinh hoạt của chúng bị đảo lộn. Bạn đừng tạo áp lực buộc mình phải giữ nguyên lịch trình ăn uống ngủ nghỉ của bọn trẻ. Bạn có thể lên một kế hoạch đi chơi phù hợp cho con. Bạn nên nhớ rằng điều tốt nhất có thể mang lại cho con trong những ngày nghỉ chính là thời gian của bạn.
7. Uống rượu bia quá nhiều
Tết là thời gian để ta có những bữa tiệc ăn mừng với gia đình và bạn bè. Thật không may, tất cả bữa tiệc đều là lý do tốt cho hành vi xấu: uống bia rượu quá mức.
Chuyên gia: Khi cả hai bạn cùng tỉnh táo, hãy nói chuyện về chủ đề quan trọng này, thống nhất chỉ nên uống bao nhiêu và ai sẽ là người cầm lái (để công bằng, có thể thay phiên nhau). Sau đó, cả hai cùng hỗ trợ nhau trong việc giữ lời hứa.
8. Những bữa tiệc tất niên và mừng năm mới
Tham gia rất nhiều nhóm hội, bạn sẽ dự lễ tất niên hay tiệc mừng năm mới với nhóm bạn nào? Bạn học phổ thông hay bạn đại học, hay bữa tiệc của gia đình. Bạn có đưa vợ chồng đi dự tiệc ở công ty cùng mình hay đi một mình. Bạn muốn ăn ở nhà nội hay nhà ngoại. Trớ trêu thay, thời gian hạnh phúc nhất trong năm cũng có thể là thời gian căng thẳng nhất, khi các cặp vợ chồng có những ý tưởng khác nhau về các hoạt động trong dịp Tết.
Chuyên gia: Hãy liệt kê sự kiện mà mọi người muốn bạn tham gia và cùng nhau quyết định đâu là sự kiện quan trọng với cả gia đình, đâu là sự kiện chỉ dành cho một cá nhân. Hãy tôn trọng nhau.
Xung đột xung quanh việc lập kế hoạch vui chơi là điều không thể tránh khỏi trong những lễ Tết. Nếu xung đột xảy ra là do lỗi của bạn, hãy xin lỗi một cách nhanh chóng và chân thành đồng thời tìm cách giải quyết. Nếu lỗi từ người bạn đời, hãy tha thứ nhanh chóng và tìm một giải pháp chung cho cả hai.
9. Trang trí nhà cửa
Bạn muốn một cây quất, một cây mai, cây đào to đến đâu và muốn dành bao tiền cho hoa ngày Tết, bạn muốn trang trí đèn màu thế nào, có muốn dán hoa lên tường không... Những điều tưởng nhỏ như thế cũng có thể là nguyên nhân gây ra thất vọng hay mâu thuẫn trong gia đình.
Chuyên gia: Hãy kết thúc cuộc tranh luận về trang trí nhà cửa trước khi đi đến chợ hoa. Có lẽ bạn đã không kết hôn nếu biết chồng/vợ tốn tiền điên cuồng cho trang trí nhà cửa, nhưng bây giờ đã quá muộn. Vì thế mỗi người hãy nhượng bộ một chút và bạn sẽ có một kỳ Tết thật vui.
10. Đón Tết ở đâu
Đây là vấn đề mà nhiều gia đình gặp phải khi Tết về. Thật khó quyết định khi cả bên nội và bên ngoại đều muốn đón gia đình nhỏ của bạn về ăn Tết. Và điều gì sẽ xảy ra nếu ai đó muốn đi du lịch trong dịp này?
Chuyên gia: Đôi khi những tình huống đặc biệt sẽ quyết định thay cho bạn. Ví dụ, nếu một thành viên trong gia đình bị ốm, đương nhiên bạn nên ưu tiên dành thời gian thăm nom người đó. Nếu không, tốt nhất là chia thời gian cho cả hai bên nội ngoại. Nếu một trong hai người muốn trốn Tết và người kia thì không, hãy thảo luận những mong muốn của bạn trong ngày lễ một cách thật thà nhất và xem liệu 2 người có thể thỏa hiệp được gì với nhau, ví dụ thăm bố mẹ trong ngày mùng 1 và sau đó thì cùng nhau đi nghỉ.