Tôi cũng đã từng biết một ông chồng ngoại tỉnh cưới vợ Hà Nội. Tôi cũng phải phục lăn anh ta. Không phải anh giỏi giang, tài cán gì cho cam, mà do anh ta rất khéo mồm. Đừng nghĩ là gái bắc khéo, so với anh ta thì còn phải xách dép, cắp sách chạy theo mà học.
Cô vợ của anh là giáo viên tiểu học của trường gần nhà. Từ sáng sớm đến tối mịt thấy cô luôn tay luôn chân. Đưa con đi học, đi chợ búa, chuẩn bị bài vở cho học sinh. Hồi mới chuyển nhà về đây, tôi cứ tưởng anh chồng làm bộ đội vì thấy chẳng bao giờ thấy mặt chồng ở nhà. Hóa ra anh ta cũng làm một cơ quan nhà nước ở gần nhà. Ai mà chẳng biết giờ giấc làm việc của nhà nước rảnh rang đến thế nào. Thế nhưng chưa bao giờ thấy anh đón con, hay đưa vợ con đi chơi.
Chúng tôi chỉ nhìn thấy anh cứ sáng thứ 7, chủ nhật nào cũng lững thửng đi ra phố ăn quà sáng, rồi ngồi chém gió ở quán trà đá vỉa hè. Thấy ai đi qua, kiểu gì anh cũng phải gọi vào buôn dưa lê chẳng khác nào đàn bà. Nhưng của đáng tôi, anh nói thì đến con kiến ở trong lỗ cũng phải chui ra. Chắc ngày xưa vợ anh “chết” vì kiểu ăn nói ngọt lịm như thế.
Nghe anh nói chuyện thì ai cũng phải phục anh lắm. Người đâu mà tài giỏi thế, lương tháng thì ngon lành những vài ba chục triệu. Thương vợ con lắm, tất tất việc nhà đều đến tay. Vợ chưa bao giờ phải thức đêm trông con. Cưng vợ như trứng mỏng… Ai cũng phải ghen tị với cô vợ tốt số. Đã kiếm được chồng vừa tài giỏi, đẹp trai lại tâm lý, yêu vợ thương con.
Thế nhưng thật sự thì trong nhà việc lớn, việc nhỏ kiểu gì cũng vợ lo lắng. Con ốm đau thì vợ với ông bà ngoại chăm. Đời anh ta từ ngày lấy vợ đã sang trang mới. Từ một sinh viên nghèo rớt mồng tơi, bố mẹ vợ lo cho ra trường vào cơ quan nhà nước ngon lành. Đã thế cỏn rải thảm cho leo tới chức trưởng phòng.
Ở nhà chưa bao giờ phải đụng tay đụng chân vào việc gì. Lương lậu anh ta cũng dắt lưng, thỉnh thoảng vợ kêu gào thì mới nộp tiền học cho con. Nhà cửa thì bố mẹ vợ cho. Chưa bao giờ anh ta phải lo lắng việc gì cả. Từ việc lớn việc nhỏ đều có vợ và bố mẹ vợ làm hết.
Bố mẹ anh ta ở quê tưởng là con mình tài cán giỏi giang thật. Thế nên mỗi lần ở quê ra là bố mẹ anh lại được dịp lên mặt với con dâu. Khổ chị vợ đã bận bù đầu lo cho 2 đứa con học mẫu giáo, hầu hạ ông chồng lười, rồi phải phục vụ chăm sóc cho bố mẹ chồng nữa. Chị ít nói lắm nên lúc đầu không ai biết.
Đến hôm chị lăn ra ốm, nhà cửa tanh bành cả lên. Chồng “cưng vợ như trứng mỏng” vẫn đủng đỉnh ngồi trà đá. Ông bà nội ra chơi nhìn hai đứa cháu nước mắt nước mũi tèm nhèm khóc lóc, ngán ngẩm gọi anh về thì anh bảo: “Chúng nó theo mẹ chứ có chơi với con đâu. Không tin thì ông bà cứ hỏi chúng mà xem”
Đến nước này thì ông bà nội cũng đành phải lắc đầu. Hóa ra anh nổ tung trời mà chẳng được tích sự nào trong nhà cả. Hóa ra người lâu nay chăm lo cho mái nhà này là cô con dâu “chuột sa chỉnh gạo” vào nhà anh.
Sắp đến tết rồi mà vợ vẫn còn ốm chưa dậy được. Đã thế ông bố vợ nghe đâu cũng đang mắc bệnh người già, mẹ vợ ở nhà chăm bố vợ, chẳng có ai lo cơm nước, chăm sóc mấy bố con anh. Anh ta hết đứng lại ngồi, đi ra đi vào sốt ruột nhưng chẳng biết phải bắt đầu làm gì cả. Anh lầu bầu: “Đen thế, tết nhất đến nơi rồi lại lăn đùng ra ốm!”.