Trẻ sơ sinh bị rụng tóc - có nên lo lắng?

06:00, Thứ sáu 09/10/2015

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Bé mới được 1 tháng tuổi mà trông đã thưa thớt tóc hơn hẳn lúc mới sinh - liệu có đáng lo?

Trẻ sơ sinh bị rụng tóc là tình trạng khá phổ biến, vì thế việc em bé đáng yêu mới tròn 1 tháng tuổi của bạn trông lại thưa thớt tóc hơn hẳn so với lần đầu tiên bạn nhìn thấy con mới chào đời là điều hoàn toàn bình thường. Kể cả đối với những bé đang tập đi cũng có thể bị rụng tóc thường xuyên.

Nguyên nhân trẻ bị rụng tóc

Trẻ rụng tóc có thể do một trong những nguyên nhân sau gây ra:

- Lượng hooc môn giảm

Tóc ở người có giai đoạn phát triển và giai đoạn nghỉ ngơi. Giai đoạn phát triển kéo dài khoảng 3 năm, sau đó sẽ đến giai đoạn nghỉ ngơi kéo dài 3-6 tháng. Luôn luôn có khoảng 5-15% tóc trên da đầu ở trong trạng thái nghỉ ngơi tại bất kì thời điểm nào nhưng khi cơ thể căng thẳng, sốt, đau bệnh hoặc có sự thay đổi nội tiết tố… thì có thể làm một số lượng lớn tóc ngừng phát triển cùng một lúc. Khi đó sự rụng tóc sẽ xảy ra kéo dài đến 3 tháng hoặc hơn.

Lượng hooc môn trong cơ thể trẻ bị giảm sau khi trẻ chui ra khỏi bụng mẹ là nguyên nhân khiến trẻ bị rụng tóc. Đây là một phần của quá trình phát triển rồi mất đi bình thường ở tóc của bé. Các bà mẹ sau sinh cũng hay bị rụng tóc giống con cũng do nguyên nhân này.

- Tư thế của đầu bé khi nằm

Trẻ bị rụng tóc nhiều sẽ khiến nhiều mảng da đầu lộ ra. Nếu bé hình thành vệt hói trên đầu, có thể là do hàng ngày bé nằm ngủ với tư thế đầu được đặt xuống giống nhau, khiến cho tóc rụng thành vệt như vậy.

- Bệnh lý

Bé rụng tóc cũng có thể do mắc một trong các chứng bệnh như chứng rụng tóc từng mảng (alopecia areata), chứng suy giảm tuyến giáp,...

Làm gì để trị chứng rụng tóc ở trẻ?

Không cách nào có thể giúp ngăn ngừa hiện tượng rụng tóc ở trẻ sơ sinh nếu nguyên nhân là do hàm lượng hoóc môn.

Nếu mẹ nhận thấy một số vệt hói trên da đầu trẻ, hãy thử  xem lại xem bố mẹ có luôn cho bé nằm ngủ theo cùng một vị trí hay không và thử đặt bé nằm xuống theo tư thế khác (tuy nhiên, tránh cho bé nằm sấp để ngăn ngừa nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh).

Đối với các bé đã lớn và là con gái, nếu mẹ hay có thói quen buộc tóc đuôi ngựa cho con thì nên hạ thấp nút dây buộc tóc xuống để tránh làm hại đến sự phát triển của tóc.

Khi nào nên đưa bé đến gặp bác sĩ?

Thông thường thì rụng tóc ở trẻ sơ sinh là điều không đáng lo và không cần đến gặp bác sĩ.Tuy nhiên, nếu mẹ để ý thấy có những triệu chứng khác của bé như khó thở, thở khò khè, biếng ăn, sốt, đau đớn,... thì nên đưa bé đi khám vì có thể bé đã mắc phải chứng bệnh gì đó nghiêm trọng. Da đầu bé có màu đỏ và bong ra từng mảng có thể là dấu hiệu của bệnh nấm.

Nếu bé vẫn còn tiếp tục rụng rất nhiều tóc sau khi đã được 6 tháng tuổi, bố mẹ cần liên hệ với bác sĩ để thăm khám kịp thời. Rụng tóc có thể là dấu hiệu của thiếu sắt, bệnh về tuyến giáp hoặc một số bệnh khác.

10
10 "thông điệp" bé muốn nói với mẹ khi khóc nhè
(Làm Mẹ) - (Phunutoday) - Khóc, đôi khi là sự làm nũng khéo léo của em bé nhà bạn. Thậm chí, bé còn giả vờ khóc nhè để gây sự chú ý của mẹ, bắt buộc mẹ ở bên.
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: Nguyễn Trà Mi