Sử dụng nước giặt kháng khuẩn
Các loại bột giặt, nước giặt thông thường có tác dụng chính là loại bỏ chất bẩn, khả năng kháng khuẩn thường không cao. Nếu không diệt được vi khuẩn, chúng sẽ bám trên quần áo và dễ gây bệnh cho người sử dụng. Bạn có thể sử dụng loại nước giặt, bột giặt hoặc dung dịch diệt khuẩn chuyên dùng cho quần áo khi thời tiết nồm ẩm.
Số lượng quần áo phù hợp với sức tải của máy giặt
Bạn nên chú ý đến việc giặt một lượng quần áo vừa đủ, phù hợp với khối lượng mà máy có thể chịu được. Cho quá nhiều quần áo sẽ khiến máy bị quá tải, quần áo không được làm sạch hoàn toàn. Cho quá ít quần áo vào máy lại khiến máy không hoạt động hết công suất, gây lãng phí.
Hãy cho quần áo chiếm khoảng 70-85% trọng lượng cho phép của máy để đảm bảo hiệu quả làm sạch cũng như kéo dài tuổi thọ của máy.
Giặt quần áo vào sáng sớm
Sáng sớm là thời điểm tốt nhất để giặt quần áo. Điều này giúp quần áo của bạn có thời gian khô ráo trong ngày. Phơi quần áo vào ban đêm, nhiệt độ môi trường xuống thấp, độ ẩm cao sẽ khiến quần áo lâu khô hơn.
Phơi ngay sau khi giặt
Sau khi giặt xong, bạn nên bỏ quần áo ra phơi ngay. Việc này giúp quần áo nhanh khô, không tạo nếp nhăn và không sinh mùi hôi. Nếu để quần áo trong máy giặt qua đêm, độ ẩm cộng với nhiệt độ cao, khả năng lưu thông không khí kém trong lồng giặt sẽ khiến vi khuẩn phát triển nhanh, làm quần áo có mùi hôi khó chịu.
Giặt bằng nước nóng
Để quần áo nhanh khô hơn, bạn có thể sử dụng chế độ giặt nước nóng. Nước nóng vừa có tác dụng diệt khuẩn, vừa bốc hơi nhanh hơn nên có thể làm quần áo khô nhanh và không bị hơi.
Ưu tiên giặt những quần áo quan trọng
Khi trời mưa ẩm, bạn nên ưu tiên giặt những bộ quần áo bẩn nhiều hơn, quan trọng, cần sử dụng nhiều hơn. Những bộ quần áo dày, không quá bẩn và ít mặc có thể treo lên, để ở nơi khô ráo để giặt sau.
Dùng thêm nước xả vải
Nước xả vải là sản phẩm giúp quần áo mềm mại và có mùi thơm. Trong những ngày mưa, bạn nên ưu tiên sử dụng các loại nước xả vải có khả năng diệt khuẩn, lưu hương lâu để quần áo được thơm tho, không bị hôi.
Phơi quần áo cách xa nhau
Giữa các bộ quần áo nên có khoảng cách nhất định để hơi nước có thể thoát ra, giúp quần áo nhanh khô hơn.
Không phơi quần áo trong nhà tắm, nhà vệ sinh
Những gia đình có ban công hoặc sân phơi quần áo riêng thì có thể thoải mái phơi quần áo. Tuy nhiên, với những gia đình có diện tích nhà eo hẹp, không có chỗ phơi quần áo vào ngày mưa thì cần phải lưu ý không phơi đồ trong nhà tắm, nhà vệ sinh. Vị trí này luôn ẩm ướt, có nhiều vi khuẩn nên nếu phơi quần áo ở đây thì quần áo vừa lâu khô lại dễ phát sinh mùi hôi khó chịu. Trong trường hợp này, bạn có thể lựa chọn một vị trí khác trong nhà để phơi quần áo. Nên tận dụng nhưng thời điểm trời tạnh ráo, có nắng để mang quần áo ra sân phơi.
Là quần áo
Sau khi phơi một thời gian, bạn có thể thấy quần áo đã gần khô hoàn toàn, chỉ còn lại một chút hơi ẩm. Lúc này, bạn có thể đem quần áo vào và dùng bàn là để ủi qua một lửa. Là quần áo vừa giúp quần áo phẳng, không có nếp nhăn vừa giúp loại bỏ hơi ẩm, giữ cho quần áo khô ráo hoàn toàn.