Trong hôn nhân, thứ mà người ta ràng buộc nhau chẳng phải là tờ hôn thú, mà chính là CÁI NHẪN CƯỚI

11:00, Thứ bảy 05/08/2017

( PHUNUTODAY ) - Trong mỗi cuộc hôn nhân, những đôi vợ chồng trẻ thường không bao giờ có thể quên được một món đồ vô cùng quan trọng, đó là nhẫn cưới.

Trong mỗi cuộc hôn nhân, những đôi vợ chồng trẻ thường không bao giờ có thể quên được một món đồ vô cùng quan trọng, đó là nhẫn cưới. Tất thảy mọi người đều xem nó như một thứ không thể thiếu trong bất cứ cuộc hôn nhân nào.

Tôi luôn nghĩ trong hôn nhân, cái thứ mà người ta ràng buộc nhau chẳng phải là tờ hôn thú, mà chính là cái nhẫn cưới. Nhẫn cưới như một linh vật thể hiện cho tình yêu của hai người. Họ trao nhau những chiếc nhẫn cưới trong hôn lễ của mình. Siết chặt lấy tình cảm, trái tim của người bạn đời bằng chiếc nhẫn ấy.

trong-hon-nhan-thu-ma-ngu

Tôi vừa làm rơi mất nhẫn cưới, cảm thấy hụt hẫng đến khó tả. Tôi vốn chỉ đeo nhẫn cưới trong ngày kết hôn, sau đó đến khi chia tay, chưa một ngày tôi đeo lại nó, dù thi thoảng tôi vẫn lôi nó ra ngắm, nghĩ về nó, về cuộc hôn nhân của mình, rồi cất đi.

Ai đó bảo: “Rơi rồi thì tiếc gì? Người còn chẳng thiết thì tiếc gì cái nhẫn? Có còn là gì của nhau đâu mà giữ?”, cũng phải. Nhưng đó là suy nghĩ của họ, tôi tôn trọng không có nghĩa là đồng ý. Với riêng tôi, thứ quan trọng nhất ràng buộc những cuộc đời xa lạ lại với nhau, chẳng phải là tờ hôn thú, mà chính là chiếc nhẫn cưới. Ngày đến với nhau, dù vui hay “giả vờ” vui trong lễ cưới thì chiếc nhẫn cưới là minh chứng cho một sự ràng buộc vô hình giữa hai cá thể với nhau, bạn không thể mang tờ hôn thú đi khoe với thiên hạ là bạn đã kết hôn, nhưng chỉ cần bạn đeo chiếc nhẫn đó ở ngón áp út là mọi người đã hiểu bạn đã có gia đình rồi, cái sức mạnh vô hình của nhẫn cưới đấy!

Có nhiều người luôn đeo nhẫn cưới sau khi kết hôn như một cách để tôn trọng cuộc hôn nhân của mình, dù hài hước là ở chỗ, họ đeo nhẫn cưới ngay cả khi ngoại tình hay đi đổi gió ngoài hôn nhân, kể cũng lạ!

Có nhiều người (đa phần là đàn ông) ra đường là tháo nhẫn cưới cất đi để tiếp tục bài ca ong bướm “đời còn dài – gái còn nhiều” thế nên là phải hưởng, nhưng giờ trót có vợ rồi, để tránh lằng nhằng hỏi han và khó khăn trên con đường tán gái, họ giấu nhẫn cưới đi, giấu đi thân phận thật của mình là đang ràng buộc với ai đó…Tại sao họ lại phải giấu? Là vì họ hiểu sức mạnh của chiếc nhẫn cưới nó ngăn cản họ đến với những mối quan hệ khác như thế nào!

Chiếc nhẫn cưới bản thân nó chẳng có sức mạnh thần thánh gì, kể cả nó làm bằng kim cương hay chỉ đơn giản là được mạ vàng rởm, cái giá trị của nó nằm ở trong suy nghĩ của bạn. Khi mà bạn cảm thấy mình đã có một sự ràng buộc trách nhiệm, tất nhiên là trên cơ sở tin yêu với đối phương, tự dưng bạn thấy chiếc nhẫn cưới như một động lực nhắc nhở: “Ta là ai? Ta nên làm gì cho hôn nhân của mình? Ta nên sống như thế nào?”, còn nếu không thì nó cũng chỉ là một cái nhẫn bình thường mà bạn có thể mua nó ở bất cứ đâu…

Hôn nhân vỡ tan, tôi chẳng còn gì ngoài một đứa con, một bộ ảnh cưới và một cái nhẫn cưới đơn điệu. Tôi rất ít khi mở anbum ảnh cưới xem lại vì tôi vẫn nhớ như in cái cảm giác khi đi chụp ảnh cưới, nhưng tôi hay lấy nhẫn cưới ra ngắm và nghĩ, không phải vì tiếc nuối gì cả “cái gì đã tiếc thì không bỏ, cái gì đã bỏ thì không tiếc”, tôi không thích nói “giá như…”, nhưng hôm đánh rơi cái nhẫn tự dưng tôi thấy mất hết tinh thần, tự nhiên tất cả những hoài niệm kể cả xấu xí kể cả đẹp đẽ đều như một tờ giấy trắng, cuộc hôn nhân vốn chẳng có một ngày hạnh phúc, bản thân tôi còn chưa nhận ra là mình đang sống như một người vợ thì đã kết thúc, chiếc nhẫn cưới chỉ đeo một ngày trên tay rồi cất, nhưng tự trong lòng mình hay bất cứ một hoàn cảnh nào tôi vẫn nói với mọi người và nói với chính mình “mình là người đã kết hôn”.

trong-hon-nhan-thu-ma-ngu

Không phải nhắc nhở bản thân một điều gì cả, chỉ là thừa nhận rằng cuộc đời mình đã khác, đã có những ràng buộc vô hình, đã có thêm những trách nhiệm mới cần phải hoàn thành trước khi nghĩ đến những ham muốn của bản thân, thừa nhận rằng ngay cả khi hai bàn tay tôi chẳng đeo một cái nhẫn nào thì tôi vẫn từng là một người đã kết hôn, và tôi không thể sống an nhiên tự tại như một cô gái độc thân được…

Chiếc nhẫn cưới với tôi, nó giống một thứ hoài niệm chẳng vui chẳng buồn nhưng in sâu hoắm vào vệt đường đời mà tôi đã đi qua, vốn định đem chiếc nhẫn đi sửa lại tặng cô con gái: “Mẹ tặng con cái nhẫn khắc tên con” giống như một món quà của cuộc hôn nhân ngắn ngủi, vậy mà lại làm rơi mất…

Ừ, rơi rồi thì thôi, đánh lại một cái y như thế cũng chẳng có giá trị gì cả. Ngón tay áp út của tôi chưa bao giờ có vệt nhẫn cưới, vì đơn giản là tôi không đeo, nhưng từ khi mất chiếc nhẫn đeo một lần ấy, tôi cứ thấy mình chông chênh…

Nhiều khi gặp gỡ một người nào đó, tôi hay chú ý đến tay của họ, xem họ giấu nhẫn cưới đi vì lý do gì, không phải để cười cợt hay đề phòng gì cả, chỉ là xem họ có trách nhiệm với tình trạng của mình đến đâu? Mà có thể, tôi khùng nên cứ vơ quàng những điều vớ vẩn ấy và nâng nó lên thành chân lý, rồi áp đặt nó vào người khác những tư duy giống tôi…

Chẳng hiểu sao, dù không đeo nhẫn cưới nhưng tôi vẫn thích ngắm nhìn những cặp vợ chồng đeo nhẫn cưới, giống như cái cách mà họ nói với thiên hạ rằng họ đang ràng buộc và tập sống có trách nhiệm với người khác…

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: Minh Khánh